Thuyền qua thác Tam Lu một đoạn thì đến thôn Tân Sơn. Trường nói: "Những người dân nơi đây, cuộc sống còn gian khổ lắm chị ạ, nhất là về mùa mưa lũ. Bà con làm được mấy thóc lúa dự trữ là lụt trôi hết, dân cần cù mà làng cứ nghèo mãi. Tội nhất là người già với con nít. Chưa có cầu nên buổi sáng cha mẹ phải dậy từ 4 rưỡi, đội đèn cõng con lội từ bên ni (này) qua bên tê (kia) sông để đi học, trưa lại bơi qua sông cõng con về. Thuyền không sắm nổi nên cứ phải khổ rứa đó chị. Dậy sớm nên bọn trẻ ngủ gật trên lưng cha mẹ đến trường. Chừ (giờ) mong răng (sao) có cây cầu cho bà con đỡ khổ".
Tôi bảo Trường neo thuyền cho chúng tôi lên thăm làng. Tân Sơn đẹp như trong cổ tích với nhiều cây cổ thụ xòe tán rộng trên những triền dốc. Làng nhỏ bé giữa thung lũng với sông núi bao quanh, có cả nhà sàn của đồng bào Bru-Vân Kiều và nhà cấp 4 của bà con người Kinh từ dưới xuôi lên định cư. Người đầu tiên chúng tôi gặp ở làng là cụ Võ Văn Khuynh, 91 tuổi. Quê cụ Khuynh ở Tân Ninh (huyện Quảng Ninh). Cụ lên đây lập nghiệp từ năm 1964. Hết chiến tranh đến bão lũ triền miên, cuộc sống gian khó nhưng đã gắn bó với nơi này nên cụ không muốn rời đi. Ngôi nhà con trai cụ mới sửa sang lại tạm bợ với những mảnh gỗ cũ được ghép đơn sơ, nắng đan xiên trên nền đất. Trên cánh cửa còn những vạch đánh dấu mức ngập lũ, có vạch gần đến nóc, ghi năm 1992. Cụ kể năm đó, thóc lúa, nhà cửa của làng Tân Sơn bị cuốn trôi hết, may nhờ bộ đội Biên phòng cưu mang, cho cái ăn cái mặc, giúp dựng lại nhà cửa. Cụ nói: "Rừng bị phá rứa tê (như thế) lấy chi mà không lũ lớn. Có trận lũ cuốn về hàng trăm súc gỗ". Rồi cụ chỉ những súc gỗ mục chất quanh nhà: "Đó o coi, gỗ ni (này) từ trên rừng theo nước lũ trôi về, dân Tân Sơn đến mùa lũ là ra sông lượm vô để làm củi, làm than, sưởi ấm mùa đông".