Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Hồng, chảy qua tuổi thơ tôi... của tác giả Nguyễn Xuân Thủy.

Tôi đã có một cây mộc miên tuổi thơ trên bến sông, quê tôi gọi là cây gạo, cây gạo ấy đứng trên bến đò ngang bên bờ sông Hồng. Sông từ Lào Cai chảy về Yên Bái, qua Phú Thọ quê tôi. Tuổi thơ tôi gắn với dòng sông khi mẹ tôi gầy một chõng hàng nhỏ nơi bến đò Ấm Thượng - Chuế Lưu, thuộc huyện Hạ Hòa. 

Mỗi tháng Ba về, hoa gạo lại thắp lửa triền sông, đỏ một màu nhức nhối. Ngày ấy Nguyễn Linh Khiếu chưa viết “Hoa mộc miên biên giới”, bài thơ đã khiến tôi xúc động sau này. Ngày ấy tôi cũng còn xa với văn chương, nhưng tuổi thơ tôi đã gửi hồn trong những bông gạo trắng muốt thả mình trong la đà gió dọc triền sông thơ dại. 

Quê ngoại tôi ở bên kia sông, mẹ thường đưa hàng hóa về ngoại bán, vài ba đồ tạp hóa, gương lược, kẹp tóc, đồ dùng phụ nữ... Những chiều mẹ về ngoại, tôi lại ngồi bên này sông ngóng những chuyến đò. Mẹ tôi bao giờ cũng về chuyến đò muộn nhất, bởi thế nỗi mong ngóng cứ dài mãi ra, đến khi mặt trời chui xuống chóp núi bên kia sông, chỉ còn những dải hoàng hôn ánh hồng, tôi mới thấy mẹ. 

Chiếc biển hiệu bến đò Ấm Thượng   Chuế Lưu thời đò ngang không còn tấp nập. Ảnh Xuân Thủy.jpg
Tấm biển bến đò Ấm Thượng - Chuế Lưu thời đò ngang không còn tấp nập. Ảnh: Xuân Thủy

Bao giờ tôi cũng nhận ra cái dáng tất tả của mẹ đi ngang bãi sông xuống nơi đò cập bến, không lẫn vào đâu được. Ở bên này sông dõi sang tôi không bỏ sót cử động nào từ mẹ. Trong lúc chờ đò, mẹ ngồi lấy que vạch trên nền cát ẩm như trẻ con chơi đồ hàng hay ô ăn quan, tôi hiểu đó là mẹ đang tính tiền hàng, để cuối cùng ra một con số lời lỗ của một ngày, những buồn vui theo đó mà thành.

Cũng ở bên sông, tôi chứng kiến biết bao câu chuyện, gian quán nhỏ đã gói ghém cả một thời khốn khó, những trò nghịch ngợm tai quái của tuổi thơ. 

Tôi vẫn nhớ ánh mắt long lên tức giận của ông lái đò tên Tình khi sau một chuyến sang sông trở về ông sảng khoái nâng điếu cày lên rít một hơi tấu lên âm thanh dài và vang như tiếng còi tàu, thế là chiếc điếu vốn được tôi bôi nhọ nồi trộn mỡ lên miệng trước đó đã in đậm quanh mồm ông một vệt tròn xoe đen nhóng nhánh. 

Khi các bà khách chờ đò phát hiện ra cười ré lên thì ông lái mới hiểu sự tình, ánh mắt long lên giận giữ, cây điếu cày được chuyển công năng giơ cao trong sự hốt hoảng đến tê dại của đứa bé là tôi, nhưng rồi nó lại từ từ hạ xuống. Cả bến đò cười nghiêng ngả, át cả nỗi lo của đứa bé nghịch dại xém ăn đòn và sự điên tiết vừa hạ hỏa của ông lái. 

Sau này mỗi lần về quê tôi vẫn ghé bến đò như một vô thức, dù bến cứ lụi dần bởi cây cầu Hạ Hòa cách dăm trăm mét về phía hạ lưu đã được thông xe, chẳng còn ai đi đò nữa. 

Một trong những lần về quê trong buổi chợ chiều đò ngang đó tôi đã giật mình thấy ông lái nhiều ân oán khi xưa hiện ra như một ảo ảnh, để rồi bẽ bàng vỡ lẽ đó là anh Bằng. Con trai của ông Tình sau khi trở về từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đã nối nghiệp cha. Anh Bằng của hai mươi năm sau giống ông lái đò của tôi thuở xưa như tạc, thời gian đã vẽ chân chim lên đuôi mắt, ngày ngày uể oải chống sào.

Có lần mẹ tôi sau buổi chợ từ quê ngoại về, nước lũ dâng cao, để đảm bảo an toàn đò đã ngừng hoạt động. Nhưng bao giờ cũng thế, bến chính dừng thì đò cóc lên ngôi, bởi nhiều người hôm trước lỡ sang sông muốn về nhà bằng mọi cách. Mẹ tôi cũng vậy, vì bên này sông là đàn con thơ cùng mẹ già đang đợi gạo nấu cơm chiều. Thế là mẹ đánh liều bước lên chiếc thuyền nhỏ của người đánh cá để qua sông. 

Chiếc thuyền mong manh vượt dòng nước lũ. Mẹ nín thở trao cả rủi may vào tay người lái. Dòng sông Hồng mùa lũ bao giờ cũng kèm theo rều rác, cây to cây nhỏ, oái oăm hơn, thi thoảng lại nổi lên những cuộn xoáy nước, sẵn sàng hút bất cứ thứ gì vào nó. 

1Sông Hồng từ Ấm Thượng nhìn sang bờ Chuế Lưu..jpg
Sông Hồng từ Ấm Thượng nhìn sang bờ Chuế Lưu. Ảnh: NVCC

Chiếc thuyền chở mẹ tôi khi gần cập bờ đã gặp một xoáy nước như thế ở phía bên bờ lở. Mẹ tôi theo đạo Thiên chúa, mỗi lúc nguy nan bà thường cầu kinh, khấn nguyện bình an.Trong giây phút sinh tử ấy bà đã gọi thầm tên Chúa, chiếc thuyền đã không bị hút vào xoáy dù nước ào vào sóng sánh, may sao cũng là lúc chỉ còn tầm cây sào là đến rặng tre, cập bờ. 

Lần đầu tiên những món quà bánh ướt nhèm nước sông chúng tôi không xâu xé. Nhìn mẹ run bần bật ngay cả khi đã về đến nhà, nỗi sợ đã truyền sang chúng tôi trong sự hú hồn của một kiếp nạn lớn vừa chạm. Nếu không rất có thể từ hôm ấy chúng tôi đã là những đứa trẻ mồ côi, cuộc đời đã rẽ theo một hướng khác. Ơn Chúa, mẹ tôi đã vượt qua kiếp nạn để sống với chúng tôi đến giờ. 

Sông Hồng qua quê tôi cũng còn một cái tên khác là sông Thao, cái tên được phiên từ sông Nậm Tao theo hệ ngôn ngữ Thái, nghĩa là sông Cái, sông Mẹ. Con sông ấy chảy về xuôi, với sự hợp dòng của sông Lô, sông Đà và nhiều con sông khác đã bồi tụ nên một vùng địa lý và một vùng văn hóa chủ đạo của miền Bắc Việt Nam, khởi nguồn của nền văn minh lúa nước, xứng đáng tầm cỡ của dòng sông Cái. 

Với màu nước và lượng phù sa mang theo, sông như người mẹ ôm đồm hành trang, tần tảo sớm hôm cho thiên chức của mình, dòng chảy vì thế cũng nặng nề hơn những dòng sông khác. Ký ức về dòng sông, con đò và về mẹ luôn nằm trong phổ rộng của người Việt. 

Tọa lạc bên bờ sông Hồng đoạn qua quê tôi là Đền Mẫu Âu Cơ, người mẹ lớn trong truyền thuyết của cả dân tộc. Người dân ở khắp nơi, cả những vùng đất cuối sông Hồng ngược lên, đầu sông Hồng xuôi xuống vẫn theo bờ đê lộng gió về thắp hương tưởng nhớ bậc tổ mẫu.

Người thì có thể ngược lên nhưng sông chỉ xuôi dòng. Thời biên giới phía Bắc căng thẳng, người dân quê tôi truyền tai nhau về những hàng tâm lý chiến, nhắc nhau đừng thấy chăn con công, phích vân đá trôi sông mà vớt nhặt. 

Dòng sông chảy về từ biên giới ấy đã từng mang theo những cồn cào, thắc thỏm, cả những lo âu bất an nơi tiền tuyến. Sau này lớn lên, trở thành một người lính, tôi càng hiểu hơn biểu tượng ẩn trong màu nước dòng sông chảy qua quê mình, hiểu hơn về câu hát “thấy dòng sông sóng ngầu lên sắc đỏ”. Tôi hiểu, ẩn trong màu đỏ ấy không chỉ là phù sa!

3Hoa gạo vùng cao. Ảnh Lê Hiếu.webp
Hoa gạo vùng cao. Ảnh: Lê Hiếu

“Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đã đi vào câu ca khiến ai một lần ngược Lào Cai cũng mong đến được nơi này. Tôi cũng đã hơn một lần đi trên cung đường ấy. Từ Thành phố Lào Cai lên A Mú Sung, nếu đi cho đến tận cùng Bát Xát, ngược lên Y Tý, về lối Sa Pa thì nên đi bằng xe máy, tức là đi kiểu phượt. Song song với dòng sông một quãng dài, bên này là mình, bên kia là họ. Nơi đây, bản tình ca trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã cất lên tha thiết: “Gửi em ở cuối sông Hồng”. 

Cũng trên dải biên giới này nhà thơ Dương Soái đã đi thực tế, lên chốt, chứng kiến cuộc chiến đấu của những người con đất Việt giữ gìn biên giới, sắc đỏ dòng sông đã là máu từ những vết thương người lính đang chảy mà Dương Soái chứng kiến. Những lá thư được họ nhờ Dương Soái cầm để gửi về quê đều là những vùng đất dọc sông Hồng: Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… 

Những người con của phù sa đã ngược nguồn lên đây cầm súng bảo vệ quê hương đất nước. Cái tứ “gửi em ở cuối sông Hồng” đã nhen nhóm trong Dương Soái như vậy để sau này, nhạc sĩ Thuận Yến phát triển thêm phần lời và chắp cánh cho những câu hát bay khắp dải biên cương.

Tôi đã hơn một lần ngẫm ngợi về màu của con nước quê mình. Màu đỏ của sông đã có những khi là hòa sắc của máu những người lính nơi biên cương. Màu đỏ của máu cũng có khi thành màu của hoa, màu của những bông mộc miên rừng rực ven sông. Bài thơ “Hoa mộc miên biên giới” của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã như một tượng đài về sự hi sinh mất mát của người lính nơi vùng biên.

Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới

mộc miên cũng rực đỏ triền sông, rực đỏ vách núi, rực đỏ tâm can

mộc miên đỏ một trời biên viễn

như máu tươi ròng rã ngàn năm.

Nguyễn Linh Khiếu quê ở Thái Bình, cũng là vùng đất “cuối sông Hồng”. Nhà thơ từng tâm sự: “Màu đỏ tươi của hoa mộc miên biên giới bao giờ cũng gợi cho tôi nhớ cuộc chiến biên giới năm xưa. Đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà thế hệ chúng tôi đã đối diện, đã đổ máu với nhiều người mãi mãi nằm lại ở nơi này”. 

Đất biên cương dễ cho những cảm thức về Tổ quốc, về dân tộc. Bởi thế, những sáng tác của Dương Soái, Thuận Yến, hay Nguyễn Linh Khiếu sau này đã nhận được sự đồng điệu lớn.

Sông Hồng vào đất Việt có nhiều phụ lưu lớn nhỏ. Ngã ba Lũng Pô là nơi dòng suối Lũng Pô hợp với sông mà thành, đường phân thủy giữa sông và suối thành đường biên giới. Đó cũng là nơi đánh dấu vị trí con sông Hồng chảy vào đất Việt.

4Tác giả tại ngã ba Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, năm 2021. Ảnh Thành Duy.jpg
Tác giả tại ngã ba Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ảnh chụp năm 2021: Thành Duy

Thường thì chỉ có cột mốc đôi nhưng ở đây có cột mốc ba để xác định rõ ranh giới đất Việt, đất Trung. Tôi đã đứng ở nơi hợp lưu giữa suối Lũng Pô và sông Hồng với hai màu nước để nghĩ về những dòng sông nhỏ, phụ lưu của sông Mẹ, khi gặp sông Mẹ cùng hòa chung sắc đỏ. 

Một phụ lưu khác của Sông Hồng nơi biên cương là sông Nậm Thi. Sông Nậm Thi chảy len lách dọc biên giới, thuộc huyện Bát Xát, đến thành phố Lào Cai thì nhập vào sông Hồng ở cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu. 

Viết đến đây tôi lại nhớ đến một người lính đã mất. Ông là Thiếu tướng Trần An, người kiến trúc sư trưởng của trận tuyến bảo vệ đất nước nơi địa đầu Hà Giang trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Trước đó, Trần An ở Lào Cai, vợ con ông sống trong một căn nhà nhỏ bên bờ sông Nậm Thi. Tháng 2/1979, khi tiếng súng biên giới làm bàng hoàng bao người dân vùng biên, Trần An đang nắm giữ cương vị Sư trưởng Sư 316. Dồn tâm sức đánh giặc, dù phải đương đầu với chiến trận, Trần An vẫn có một nỗi lo riêng cồn cào, cả tuyến biên giới đang bị đe dọa xâm lấn, nhà của ông bên sông Nậm Thi, con sông là biên giới Việt Nam - Trung Quốc ấy chắc hẳn không yên, liệu vợ con ông có kịp sơ tán về tuyến sau an toàn?! 

Nỗi dằn vặt ấy đành nén xuống cho những nhiệm vụ cấp bách và vai trò của người chỉ huy trưởng đảm đương tuyến biên giới gay go căng thẳng nhất. Sau đó ông mới nhận được tin vợ con đã chạy về Yên Bái tránh nạn. 

Cuộc chiến giằng dai mãi không yên, năm 1982 ông được cấp trên điều lên Hà Giang, làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, kiến tạo trận đồ ứng phó lâu dài với những mưu đồ từ bên kia biên giới. Dãy Hoàng Liên Sơn chia cắt, đi lại khó khăn, ông bèn đưa vợ con sang Tuyên Quang là hậu cứ của Hà Giang tuyến đầu để đi lại cho tiện. Được vài năm thì vợ ông bị ung thư mất. Cũng chỉ về được vài ngày, làm đám tang cho vợ xong ông lại lên biên giới. 

Tôi không biết có cây mộc miên nào bên dòng Nậm Thi đi vào thơ Nguyễn Linh Khiếu để thành những “rực đỏ triền sông” không, nhưng chắc hẳn với nhiều người dân bên những dòng sông biên giới ấy đều có một ký ức màu đỏ của những ngày tháng 2 năm 1979. 

Con sông huyền thoại bởi sắc hồng giờ đã bớt hồng hơn do những can thiệp từ phía thượng nguồn, do những con đập khổng lồ được dựng lên ở bên kia biên giới làm thủy điện, nhưng sắc đỏ đã ăn vào tiềm thức tôi và bao người con đất Việt thì vẫn nguyên ở đó, ghi nhớ về những năm tháng chưa xa. Sắc đỏ ấy đã theo tôi ra tận Trường Sa trong những tháng ngày làm nhiệm vụ ở nơi này, khi sóng biển Gạc Ma đã có thời khắc mang màu đỏ. 

Bây giờ tôi vẫn sống ở ven dòng sông tuổi thơ, chỉ là dời từ quê nhà xuống 150km, bên một sông Hồng đoạn có cây cầu Long Biên bắc qua hai thế kỷ của một Nhị Hà. Đêm đêm, vẫn tiếng còi tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai vang vọng và dòng sông Hồng thao thiết chảy. 

Như đã từng chảy qua tuổi thơ tôi…

Nguyễn Xuân Thủy

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg