Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Đừng quay lưng với những dòng sông của tác giả Nguyên Hùng.

Những dòng sông kỷ niệm

Cửa Hội quê tôi là nơi sông Lam đổ ra biển, là khúc rộng nhất của con sông này. Cha mẹ tôi là dân chài, cả một đời lo toan vất vả như “những mái chèo sấp ngửa sớm khuya”: “Đời cha không có tuổi thơ/ Thuyền là trường học từ chưa biết vần/ Đời cha không có tuổi xuân/ Tay chèo tay lưới, lạch gần luồng xa”. 

song lam 1.jpg
Cầu Cửa Hội bắc qua cửa sông Lam quê tôi - Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Dòng sông Lam quê hương chảy qua từng giấc ngủ của tôi, và là nguồn cảm hứng cho tôi mỗi khi nhớ về quê biển Cửa Hội: “Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/ Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm/ Giá mỗi chiều được về quê ngụp lặn/ Giữa trong xanh da diết một cánh buồm”...

Lớn lên, tôi theo học Đại học Thủy Lợi, chuyên ngành thiết kế công trình thủy, tức là công việc với những dòng sông: tính toán dòng chảy, nghiên cứu biện pháp công trình phục vụ việc khai thác các dòng sông về phương diện thủy lợi, thủy điện. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, có hơn chục năm tôi tham gia công tác giảng dạy bộ môn Thủy công và có không ít kỷ niệm với con sông Tiền: “Tôi yêu con sông nước chảy hiền hòa/ Không bãi không đê, chỉ có hai bờ đất/ Là hai miệt vườn xanh chạy dài tít tắp/ Thuyền buông neo, trái chín đã sẵn chờ”…

song lam 2.jpg
Một cuộc vui cuối chiều trên sông Tiền - Ảnh Nguyên Hùng.

Năm 1984, trong một lần dẫn học trò đi thực tập, khi đi phà qua sông Tiền, tôi đã thầm ước có một cây cầu qua sông Tiền như cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng. Nhìn dòng nước đỏ ngầu phù sa mải miết chảy về phía biển, tôi trăn trở: “Nhưng lòng tôi thầm tiếc đến sững sờ/ Dòng nước đỏ mải đi làm ngọt biển/ Mà vườn Ba Tri phù sa chưa đến/ Ruộng Gò Công còn nhiễm mặn chua phèn”…

Thời gian về sau, dù chuyển khỏi ngành thủy lợi, công việc của tôi vẫn gắn liền với những dòng sông: Tư vấn thiết kế các công trình thủy điện trên các sông Bé, La Ngà, Đồng Nai, Serepok, A Vương… với mong muốn được góp phần làm “Những dòng sông chuyển mình sản sinh dòng năng lượng/ Cho mọi nẻo đường ánh điện lóa trăng sao”…

Ứng xử văn minh với những dòng sông

Từ ngày chuyển đến sống tại TP.HCM, tôi gắn bó với sông Sài Gòn. Dòng sông đã làm nên một Sài Gòn - TP.HCM nên thơ và duyên dáng.

Năm 1994, tôi trở thành cư dân Thủ Đức khi chuyển đến sống tại Làng báo chí, một khu dân cư bên sông Sài Gòn, được xây dựng từ trước 1975. Ngày ấy, đường sá nơi đây không hề bị ngập mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường như 5-10 năm sau đó. Còn nhớ, vào năm 2000, khi xây nhà mới trên vị trí căn nhà cũ tại Làng báo chí, tôi đã nâng nền lên khoảng 40cm. Rồi 10 năm sau, tức vào khoảng 2010 lại tiếp tục nâng lên 60cm nữa. Dẫu vậy, từ những năm 2013-2014, vào những ngày triều cường, nước sông Sài Gòn đã dâng mấp mé bậc thềm trên cùng. Nước tuy chưa vào nhà nhưng đã làm ngập con đường trước nhà hơn nửa mét, dù nó cũng đã được nâng cao thêm nửa mét 10 năm trước đó, khiến việc đi lại cực kỳ trở ngại.  

sông sai gon 3.jpg
Sông Sài Gòn - ảnh Internet.

Chưa cần đến số liệu của các nhà khoa học, mỗi cư dân nơi đây cũng có thể tự nhận thấy rằng khu vực Làng báo chí ở phường Thảo Điền đã bị lún chìm trên dưới 100cm trong vòng 20 năm. Theo số liệu từ các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, TP.HCM có tốc độ sụt lún trung bình 4cm/năm trong khi mực nước biển dâng trung bình 0,5cm/năm, tức tổng cộng độ lún chìm trung bình của nền đất thành phố là 4,5cm/năm. Theo đó, sau 20 năm, cả thành phố bị chìm khoảng 90cm. Đây là số liệu trung bình, thực tế một số khu vực đất yếu ở các Quận 2 (trước đây), Quận 7 và huyện Nhà Bè có thể đã bị lún hơn 100cm. Điều này đã thể hiện rất rõ tại các tuyến đường Thảo Điền, Quốc Hương, Lương Định Của, Kha Vạn Cân, Đỗ Xuân Hợp… của thành phố Thủ Đức.

Nguyên nhân chính gây nên sự lún chìm đáng sợ của thành phố chính là quá trình xây dựng và đô thị hóa trên nền đất vốn rất yếu, là việc khai thác nước ngầm được gia tăng một cách thiếu kiểm soát… trong nhiều thập kỷ qua. Trước thực trạng ngập lụt ngày càng nặng trong phạm vi ngày càng rộng, chính quyền TP.HCM đã có nhiều giải pháp và thực tế đã và đang đầu tư nhiều tiền bạc để xây dựng hệ thống cống đập ngăn triều chống ngập cho những khu vực rộng hoặc các bờ bao, các tường kè chống ngập cục bộ cho các diện tích nhỏ.  

song sai gon 4.jpg
Tình trạng ngập phổ biến khi triều cường tại Thảo Điền, TPHCM.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá mới của tổ chức Climate Central (Mỹ), hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ đến sớm hơn dự báo và một phần phía đông TP.HCM có thể bị nhấn chìm trước năm 2030. Trước đó, vào năm 2015, kết quả tính toán của Liên doanh tư vấn quốc tế Deltares - Royal Haskoning đã chỉ ra rằng, với mức độ khai thác nước ngầm như hiện nay thì đến năm 2050 có nhiều nơi tại TP.HCM mặt đất sẽ bị lún thêm từ 50cm đến hơn 100cm. Điều này khiến tình trạng ngập lụt thời gian tới sẽ ngày càng nghiêm trọng, nếu thành phố không có các giải pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả. 

Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn một nguyên nhân rất đáng kể vốn được phát sinh do ý thức và hành vi của con người. Đó là thực trạng dòng chảy của sông, rạch ngày càng bị thu hẹp và bồi lắng do sự lấn chiếm của các công trình xây dựng tự phát ven sông và do sự xả thải bừa bãi các loại rác sinh hoạt, vật liệu xây dựng. Đó còn là tình trạng các hệ thống cống thoát nước đô thị thường bị nghẹt tắc bởi rác thải của một bộ phận cư dân và người đi đường thiếu ý thức. 

Khi lòng sông rạch bị thu hẹp và bồi lắng thì năng lực tiêu thoát nước sẽ giảm đi rất nhiều nhưng lại gây ngập úng nhanh khi nước triều lên. Nhiều đường phố hễ mưa xuống, dù là mưa nhỏ hay lớn cũng đều bị ngập chỉ vì cống tắc không kịp thoát nước. Hàng ngày, phải chứng kiến cảnh các loại rác được xả thải trên khắp các kênh rạch, mỗi người dân bình thường của thành phố đều khó tránh khỏi sự bức xúc vì sự mất mỹ quan và mất vệ sinh, nhiều người thực sự rất lo ngại cho sông Sài Gòn và các kênh rạch chân rết của con sông vốn là món quà vô giá của Mẹ thiên nhiên ban tặng vùng đất này. 

Lòng sông Sài Gòn và mạng lưới các kênh rạch sẽ nhanh bị bồi lắng bởi bùn cát và rác thải và nếu không được nạo vét thường xuyên, khả năng thoát nước sẽ giảm rất nhanh trong khi năng lực giao thông thủy cũng bị giảm theo tương ứng.

Bên cạnh việc làm thu hẹp dòng chảy của các dòng sông bằng những công trình lấn chiếm và hành vi xả rác xuống sông rạch thì việc khai thác cát bừa bãi đã làm thay đổi dòng chảy, gây nên hiện tượng sạt lở ở nhiều nơi, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều gia đình mất nhà cửa, tài sản và ruộng vườn một cách oan uổng chỉ vì không lường được tác hại hoặc bất lực trước hành vi gặm nhấm các dòng sông của bọn cát tặc này.

Để góp phần bảo vệ và cải tạo các sông rạch theo hướng tích cực, rất cần đến sự chung tay của mỗi một công dân, nhất là bộ phận cư dân có cuộc sống liên quan đến sông và kênh rạch. Chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của biến đổi khí hậu, về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sinh thái, cho mọi tầng lớp nhân dân; quán triệt đến các cấp, các ngành để mọi người đều có thái độ ứng xử đúng mực, văn minh với các dòng sông và kênh rạch mà tạo hóa đã ban tặng con người. 

Đó cũng là cách giúp chúng ta bảo vệ và lưu giữ những dòng sông kỷ niệm, những câu chuyện mà mình đã trải qua, đã chứng kiến hoặc từng được nghe…

Nguyên Hùng

------

Ghi chú: Những câu thơ trích dẫn trong bài là thơ Nguyên Hùng.

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong 324.jpg