Chiều 27 tháng Chạp, gia đình bà Bùi Thị Mỹ Ngọc (phải) ở Đan Phượng (Hà Nội) quây quần gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Năm nào cũng vậy, bà Ngọc giữ thói quen làm bánh truyền thống và nhận gói thêm cả cho hàng xóm, họ hàng xung quanh.
"Từ thời các cụ, gia đình tôi năm nào cũng tự gói bánh. Dù biết bây giờ chỉ cần ra chợ, mua dăm bảy cái về là xong, đỡ lích kích nhưng như vậy không có không khí Tết. Gói bánh xong bắc bếp củi lên đun, vậy mới ra cái hương vị của những ngày sắp qua năm cũ", ông Bùi Vũ Phú nói.
Bánh chưng của nhà ông Phú được giữ nguyên vị truyền thống: Gạo nếp ngâm rồi trộn với muối, thêm thịt ba chỉ tươi ngon được tẩm ướp gia vị, hạt tiêu.
Hơn 30 năm gói bánh, ông Phú không cần dùng khuôn mà chiếc bánh vẫn vuông vắn, góc cạnh.
Ngoài làm bánh chưng vuông truyền thống, ông Phú còn gói cả bánh tày (dáng dài).
Nếu hàng xóm xung quanh nhờ, gia đình cũng sẵn sàng làm bán giá ưu đãi với 40.000 đồng/bánh vuông và 70.000 đồng/bánh tày.
Giống như các gia đình trên, nhà bà Nguyễn Thị Tị còn làm thêm bánh gấc. "Bánh gấc đỏ ăn dịp Tết lấy may. Loại bánh truyền thống này bây giờ ít được bán hơn. Ngày xưa, ở Hà Nội nhà ai cũng có", bà cụ 83 tuổi nói.
Bánh gấc được làm từ cốt gấc nhào với bột, bọc ngoài là lá gai hoặc lá chuối đã hong mềm. Bên trong bánh là nhân đậu xanh trộn dừa.
Trong thời hiện đại, cảnh quây quần gói bánh Tết cổ truyền ở các gia đình không còn nhiều như nhiều năm trước, nhất là tại thành phố.
Bánh chưng được làm nhiều nhân và có kích cỡ lớn hơn để tiện bày biện mâm cúng. "Năm nay không định gói bánh vì nhà ít người nhưng gần Tết lại được tặng nhiều gạo nếp, đậu xanh... nên tôi đem nguyên liệu đi gửi hàng xóm gói giúp cho có không khí", bà Nguyễn Hồng (trái) nói.
Bà Hồng cho biết thêm, không chỉ được làm từ nguyên liệu sạch, đun bếp củi... nhiều gia đình ở Đan Phượng còn trồng thêm lá dong sau nhà để phục vụ dịp Tết nguyên đán.