Ngồi một mình nơi cầu thang tòa soạn báo, nhà báo Trần Chánh Nghĩa (73 tuổi, TP.HCM) vuốt phẳng tập sách ghi tên mình ở phần tác giả. Gỡ chiếc kính dày cộm, ông nheo mắt nhìn những ánh nắng lấp lánh sau kẽ lá, hoài niệm về ngày còn là cậu bé mê văn chương, thích viết lách của mình.
Ông mê văn chương từ lúc mới vào đệ lục, đệ thất (lớp 6, lớp 7 bây giờ). Nhưng ông không thích văn chương theo kiểu sáng tác. Ông chỉ muốn quăng mình vào thực tế để khám phá, ghi nhận rồi viết ra những điều mắt thấy, tai nghe.
Đề tài của ông lúc bấy giờ là những chuyện vặt trong ngày đi học. Ấy thế mà, dưới ngòi bút của cậu học sinh đệ thất, chúng sinh động, giàu ý nghĩa và được đăng báo. Ngày thấy bài viết xuất hiện trên mặt báo, cậu học trò “sướng rơn”.
Nhưng học tài thi phận. Năm 17 tuổi, ông thi rớt tú tài 1, tương đương lớp 11 bây giờ. Cú trượt ngã khiến Chánh Nghĩa buồn bã. Dẫu vậy, đam mê viết lách trong ông vẫn căng tràn.
Biết Chánh Nghĩa mê nghề báo, một người quen đang công tác ở đài truyền hình nước ngoài có trụ sở tại Sài Gòn xưa giới thiệu ông vào làm thử. Song, được ít tháng, ông bắt đầu chán công việc “vác máy quay”.
Hai năm sau, khi cơ duyên đến, Chánh Nghĩa được nhận, viết tin bài cho một tờ báo Việt ngữ. Đúng đam mê, chàng trai trẻ vui như cá gặp nước, hăng say đi, miệt mài viết.
Thế nhưng ngay trong lần đầu tiên gửi bài, ông đã đón nhận thất bại bẽ bàng. Bài viết dài 2 trang giấy của ông bị vị thư ký tòa soạn xé toang ngay trước mặt.
Hành động ấy khiến ông giật mình. Ông vừa buồn vừa giận nhưng không phản ứng mà lặng lẽ chịu đựng. Ông bình tĩnh, nhờ cấp trên hướng dẫn, chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong cách viết, ghi nhận thông tin để rút kinh nghiệm.
Sau khi được hướng dẫn, ông xin sửa lại sản phẩm. Cuối cùng, bài viết được xuất bản dù chưa tròn trịa, theo đúng ý cấp trên.
Ông kể: “Lúc bị xé bài, tôi giận lắm nhưng đã kịp lấy lại bình tĩnh. Nếu lúc ấy tôi phản ứng tiêu cực, có lẽ tôi đã không có được ngày hôm nay.
Từ cú sốc ấy, tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người được đào tạo bài bản. Tôi đọc bài, nghiên cứu cách viết của họ rồi biến cái hay của từng người thành cái hay của riêng mình”.
Hành trình làm báo của Trần Chánh Nghĩa bắt đầu từ năm 19 tuổi. Thời gian này, ông làm việc cho nhiều tờ báo có trụ sở, văn phòng tại Sài Gòn. Tuy vậy, sau năm 1975, ông dang dở ước mơ văn chương, báo chí.
Ông giã từ Sài Gòn ra tỉnh Khánh Hòa làm đủ thứ nghề cả lao động chân tay lẫn trí óc.
Năm 1990, ông trở lại TP.HCM và trở thành người bỏ mối bia chai cho các quán nhậu.
Ông sắm được xe tải để chở hàng, có thu nhập tốt. Tuy vậy, ông vẫn nhớ nhung nghề báo dù không dám mơ mình có thể quay lại với nghề.
“Những năm tháng đó tôi lăn lộn vào cuộc sống, làm đủ thứ nghề. Nhưng tôi không hối tiếc bởi nó đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống”, ông chia sẻ.
Năm 1999, ông vô tình biết được báo Thanh Niên có mục đường dây nóng. Lửa nghề trong ông sống dậy. Không thể cưỡng lại đam mê, ông bắt đầu đọc các tin bài trên mục này để định hình cách viết, khai thác thông tin.
Khi đủ tự tin, ông gửi tin bài và được báo đón nhận, xuất bản liên tục. Một năm sau, ông chuyển sang công tác tại mục đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ.
Đây cũng là thời gian ông nổi lên với biệt danh “Thổ địa Sài Gòn” khi hầu như mọi ngõ ngách của thành phố đều ghi dấu bước chân ông. Lúc ấy, ông đã ngoài 50 tuổi và thường được đồng nghiệp trẻ gọi "bố", xưng "con" một cách thân thương.
Và, “bố Nghĩa” luôn khiến lớp phóng viên, nhà báo trẻ nể phục. Ông xông xáo, làm việc một cách đầy nhiệt huyết, trách nhiệm. Ông năng động đến nỗi mỗi khi có tin nóng, hầu như ông đều là người có mặt đầu tiên ở hiện trường.
Hơn thế, với cách làm nghề gần gũi, chân tình, ông xây dựng được cho mình một nguồn tin cực mạnh. Nguồn tin của ông có thể đến từ cơ quan chức năng, anh xe ôm, cô quét rác, thậm chí là một cậu bé ăn xin…
Không chỉ khai thác tin nóng, “bố Nghĩa” cũng khiến đồng nghiệp thán phục khi có thể khai thác nhiều mảng đề tài khác nhau. Thời điểm ấy, ông là cộng tác viên thường trực của các tờ báo uy tín như: Lao Động, Pháp luật TP.HCM, Sài Gòn Giải Phóng…
Là một trong những nhà báo cao tuổi nhất từng hoạt động trong làng báo miền Nam, Trần Chánh Nghĩa trải qua nhiều thay đổi của nghề. Tuy vậy, dù trong thời điểm nào, ông vẫn thích ứng và không tụt hậu.
Bí mật của ông không chỉ nằm ở tinh thần trách nhiệm với công việc, tình yêu nghề lớn lao. Ngoài những điều ấy, ông còn trung thành với nguyên tắc riêng mà ông tự đúc kết từ khi vào nghề.
Ông nói: “Sau nhiều năm cầm bút, tôi tự hình thành cho mình nguyên tắc làm báo là không nghe, không thấy, không hỏi thì không viết. Mỗi vấn đề muốn khai thác, viết bài, tôi phải đến tận nơi, xem tận mắt.
Ví dụ điển hình là từ trước đến nay, không ai dám khẳng định chuyện Hắc, Bạch Công Tử đốt tiền nấu trứng là chuyện bịa. Tôi là người khẳng định điều đó. Bởi, tôi đến tận nơi, trực tiếp phỏng vấn con của Hắc Công Tử, gặp người giúp việc của ông.
Tất cả họ đều khẳng định đó là điều không có thật và chỉ là giai thoại, đồn đại của dân gian. Nguyên tắc làm nghề của tôi là phải tôn trọng sự thật, luôn đặt sự thật lên trên hết. Thà mình không nói chứ đã nói thì không được nói dối, nói không có cơ sở, không có sự thật”.
Năm 2009, nhà báo Trần Chánh Nghĩa chuyển sang công tác tại báo VietNamNet, nơi ông tự nhận đã cho mình nhiều ân tình. Một trong số đó là việc ông được ký hợp đồng ở tuổi 60, điều ông chưa từng được trải nghiệm trước đó.
“Đó là điều khiến tôi ấn tượng nhất và không thể nào quên trong suốt chặng đường tác nghiệp của mình. Trước những ân tình đó, tôi bung sức, làm việc hết mình.
Tôi viết rất nhiều và làm đủ mảng. 5-6 năm đầu, tôi viết Thời sự. Sau đó, tôi chuyển sang mảng Đời sống”, ông tâm sự.
Đời sống là ban đã giúp ông phát huy hết thế mạnh của mình. Ông đi và viết bất kể giờ giấc. Ông nhớ lần nhận được cuộc điện thoại báo tin chiếc xe khách ở Đắk Lắk rơi xuống sông vào lúc nửa đêm.
Nhận thông tin, ông bật dậy chuẩn bị máy móc, dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà. Thấy đã khuya, người vợ tào khang của ông không đồng ý cho chồng đi một mình. Bà ngồi sau xe, cùng chồng vượt hơn 300km đường đêm từ TP.HCM lên Đắk Lắk tác nghiệp.
Ông bà đi từ 22h mà 6h sáng hôm sau đã có mặt tại hiện trường. Chứng kiến cảnh vợ chồng lão phóng viên tóc hoa râm có mặt từ sáng sớm, cánh phóng viên trẻ tại địa phương tròn mắt kinh ngạc.
Những năm cuối cùng trong sự nghiệp, ông đi sâu vào từng cảnh đời, ghi lại lát cắt cuộc sống dân sinh của đời thường. Ông tự nhận mình là nhà báo của những đề tài nhỏ, lặt vặt.
Tuy nhiên, ông cũng là người biến các đề tài ấy trở nên sống động, gần gũi với đời sống, có sức hấp dẫn riêng. Đặc biệt, các bài viết về những cảnh đời dung dị của ông lại chạm đến trái tim của người đọc.
Ông tự hào đã giúp được rất nhiều người cải thiện cuộc sống bằng những bài viết. Ông nhớ lần phát hiện, viết về ước mơ của cậu thanh niên theo mẹ đi dọn rác vào những ngày cuối năm.
Nam thanh niên thi đậu vào một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM nhưng không có tiền để học. Ông tìm hiểu, ghi lại nỗi khó khăn, niềm mong ước của em. Sau bài báo, đại diện trường đại học đã đến gặp ông, gia đình cậu thanh niên. Cuối cùng, trường quyết định miễn 4 năm học phí cho em.
Một lần khác, ông nhận được lời cầu cứu của bạn đọc ở huyện Củ Chi (TP.HCM) về việc trường bắn tại đây thường xuyên để đạn lạc ra bên ngoài. Nhiều lần, đạn lạc trúng người, gia súc, gây hư hại tài sản… Người dân ý kiến nhưng chưa được chính quyền địa phương giải quyết.
Ông quyết định tìm hiểu, phản ánh sự thật trên. Sau khi bài viết được xuất bản, tình trạng được giải quyết. Người dân nơi đây cảm ơn lão phóng viên bằng cách đồng loạt kết thân, làm quen với ông. Mỗi khi nhà có đám tiệc, họ đều gọi điện, đến tận nhà mời ông về dự và đối đãi như khách quý.
Ông nói rằng đó là những kỷ niệm khiến ông vui, hạnh phúc nhất trong quãng đời làm báo của mình. Đến khi gác bút, ông tự hào mình trở về cuộc sống thường nhật với một tâm thế thảnh thơi.
Ông chia sẻ: “Sau mấy chục năm theo nghề, tôi cảm thấy mình không mất đi điều gì dù nhiều lần gặp tai nạn trong lúc tác nghiệp dẫn đến thương tật. Ngược lại, tôi thấy mình nhận về rất nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Bằng ngòi bút của mình, tôi giúp được nhiều người. Nghề báo nuôi sống đời sống vật chất, đời sống tinh thần của tôi. Đến bây giờ, tôi tự hào rằng mình không nợ ai và không ai nợ mình bất kỳ điều gì. Tôi giã từ ngòi bút trong sự thanh thản, thảnh thơi của bản thân, bạn bè, đồng nghiệp”.
Những ngày cuối chặng đường làm nghề, ông trải qua biến cố mất người vợ tào khang. Với ông, bà không chỉ là vợ mà còn là đồng nghiệp, người cùng chiến tuyến bởi mỗi khi đi tác nghiệp, ông đều chở bà theo.
Một thời, cánh phóng viên trẻ đều gọi bà là mẹ và xem bà là người giữ xe uy tín trong những giờ tác nghiệp. Bởi, khi đến hiện trường, họ đều thấy bà đã ở đó, đang trông xe cho chồng. Cứ thế, những phóng viên đến sau mặc định dựng xe nơi bà đang đứng. Bà trở thành nhân viên giữ xe bất đắc dĩ, không công.
Từ ngày bà ra đi, ông quay quắt trong nỗi nhớ người, nhớ nghề. Cũng từ đó, tâm trí ông bỗng nhiên trống rỗng. Ông muốn viết nhưng chữ nghĩa như bay biến khỏi trí óc.
Ông muốn đi, muốn khám phá nhưng đường cứ xa diệu vợi, thời gian cứ dài lê thê... Cuối cùng, ông quyết định khép lại hành trình làm báo của mình bằng tập sách Đất và người phương Nam với 2 cuốn Một thuở Saigon; Dấu chân xuôi ngược do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành.
Tập 1 - Một thuở Saigon tập hợp các bài viết hấp dẫn về những nhân vật, giai thoại, địa danh… từng là biểu tượng của Sài Gòn xưa như: Hồ Con Rùa, lăng Cha Cả, cầu Mống, người đẹp giang hồ Lệ Hải, vua lúa gạo Quách Đàm, vũ nữ Cẩm Nhung…
Tập 2 - Dấu chân xuôi ngược tập hợp những bài viết của ông về đất và người Nam Bộ. Các bài viết này là kết quả của những chuyến đi và viết về địa danh, điển tích, nhân vật… tưởng chừng đã quá quen thuộc ở nơi ông đi qua.
Câu chuyện, thông tin được “lão phóng viên” giới thiệu bằng cách viết khúc chiết, ngôn từ gần gũi. Đó là những trăn trở của ông về: di tích “nhà trăm cột” đang kêu cứu; di tích Nhà Tây núi Thị trước nguy cơ thành phế tích; cầu Ghềnh mới và nỗi lo những cây cầu trăm tuổi…
.
Ngoài ra, ông cũng ghi lại những giai thoại nổi tiếng bằng góc nhìn mới mẻ, đầy nhân văn như: Bạch Công tử, tay chơi bậc nhất trời Nam; 44 năm nuôi xác chết trong nhà ở An Giang, Dạ cổ hoài lang, bài hát 100 năm vẫn trong lòng người…
Ngày 12/4/2023, báo VietNamNet tổ chức buổi ra mắt sách Đất và người phương Nam của nhà báo Trần Chánh Nghĩa tại Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP.HCM. Buổi ra mắt giới thiệu những dấu ấn nhiều năm theo nghề của tác giả Trần Chánh Nghĩa.
Đó là những bài viết, tác phẩm báo chí đã tạo được ấn tượng mạnh với độc giả báo VietNamNet suốt những năm qua. Các tác phẩm cũng thể hiện tình yêu, sự trân quý của tác giả dành cho mảnh đất phương Nam và Sài Gòn xưa.
Đây cũng là hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 sắp diễn ra.
Hai tập của sách Đất và người Phương Nam sẽ giúp độc giả nhận thấy nét đẹp đặc sắc, hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử của phương Nam và Sài Gòn xưa. Tập sách như tài liệu quý giá cho những ai đam mê du lịch và yêu thích khám phá những điều mới mẻ.
Buổi ra mắt sách diễn ra trong không khí vui vẻ, thân tình. Tại đây, tác giả Trần Chánh Nghĩa kết nối gần gũi cùng các khách mời, đồng nghiệp, độc giả.
Kể lại những kỷ niệm với nhà báo Trần Chánh Nghĩa, ông Lê Thế Vinh - Phó Tổng biên tập VietNamNet xúc động:
"Có những ngày anh chạy tin nóng, có mặt ở tất cả các vụ việc nóng. Anh luôn xuất hiện trước cánh PV trẻ, trước cả PV địa phương. Một Trần Chánh Nghĩa máu lửa, hừng hực trong chạy tin tức thời sự.
Nhưng còn một Trần Chánh Nghĩa khác, để có 2 tập sách ra mắt ngày hôm nay. Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề, đi nhiều, gặp nhiều, ngoài tin tức ra, anh luôn ghi nhớ những địa danh, con người, vùng đất, câu chuyên hay, bí ẩn, chưa có lời đáp vốn đang dần bị mai một. Và những thứ đó thôi thúc, dằn vặt anh. Đó là một Trần Chánh Nghĩa sâu lắng, hoài niệm và có trách nhiệm với mai sau. Với người có nhiều kỷ niệm với đất và người Phương Nam như anh Trần Chánh Nghĩa, 2 tập sách không chỉ cho anh, mà còn lưu giữ lại cho những ai yêu mến, muốn khám phá và trải nghiệm đất phương Nam.
Khi anh dừng bút trên mảng Thời sự của VietNamNet, rất nhiều độc giả yêu mến anh đã gọi đến đường dây nóng, hỏi anh đi đâu, lâu không thấy xuất hiện. Và có thể, 2 tập sách này sẽ trả lời cho độc giả thấy vì sao anh vắng bóng, và trở lại ấn tượng với “Đất và người Phương Nam”.
Bài: Hà Nguyễn
Ảnh: Huế Nguyễn, Nhân vật cung cấp
Thiết kế: Phạm Luyện