Kamala Harris
Bà Kamala Harris. Ảnh: UPI

Sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định dừng tái tranh cử và tuyên bố ủng hộ Phó Tổng thống thay thế, bà Harris cuối cùng đã đạt được vị trí mà bà hằng mong đợi lâu nay: trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ và có thể là Tổng thống.

Tuy nhiên, hành trình sắp tới đầy rẫy khó khăn, đặc biệt là trong những tháng gần đây. Theo BBC và Sky News, bà Harris sẽ chỉ có 3 tháng để vận động và đoàn kết đảng cũng như các nhà tài trợ đứng sau bà.

Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi trong vài tuần qua vì đã bảo vệ mạnh mẽ Tổng thống Biden, song một số đảng viên Đảng Dân chủ vẫn lo ngại về hai năm đầu cầm quyền không ổn định của bà Harris cũng như sức nặng của một lịch sử lâu dài về phân biệt chủng tộc và giới tính ở Mỹ.

Không ai biết rõ quá trình chọn một ứng viên Tổng thống mới sẽ thế nào khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhiều đảng viên Dân chủ nói bất kỳ quá trình nào cũng sẽ kết thúc nhanh chóng với việc Phó Tổng thống Kamala Harris là người được đề cử. 

Theo Sky News, bà Kamala Harris đã khẳng định vị thế của mình trong lịch sử chính trị Mỹ khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống cách đây 4 năm. 

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và có nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng tranh cử của Tổng thống Joe Biden, từng có tin đồn rằng chiến dịch tranh cử của Tổng thống đã lặng lẽ đánh giá xem liệu bà Harris có thể tiếp quản vai trò ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ của ông Biden hay không. 

Cùng nhìn lại chặng đường trở thành Phó Tổng thống của bà Harris và tại sao bà lại được coi là lựa chọn hàng đầu khi ông Biden rút lui cũng như phản ứng của bà. 

Trước khi trở thành nữ Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên

Bà Kamala Harris, 59 tuổi, chào đời và lớn lên ở Oakland (California) trong một gia đình có cha là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ. Cha mẹ bà đều là người nhập cư và là những người rất được kính trọng trong lĩnh vực của họ. Mẹ bà Kamala Harris là nhà khoa học về ung thư vú còn cha là giáo sư kinh tế. 

Họ ly hôn khi bà Harris mới lên 7 và bà cùng chị gái được mẹ nuôi dưỡng ở Berkeley. Theo bà Harris, cha mẹ đã đưa bà tới các cuộc tuần hành từ khi còn ngồi trên xe đẩy, khiến bà rất quan tâm đến pháp luật. 

Sau này, bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard và trường Luật thuộc Đại học California. Bà Harris bắt đầu sự nghiệp luật lâu dài của mình tại Văn phòng biện lý quận San Francisco rồi trở thành nữ công tố viên quận đầu tiên của San Francsico vào năm 2004. Tới năm 2010, bà được bầu làm Tổng chưởng lý California và tái đắc cử năm 2014.

Năm 2016, bà Harris giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện, trở thành nghị sĩ đại diện cho California từ năm 2017-2021. Tại đây, bà Harris đã tạo dựng được danh tiếng nhờ công việc công tố viên và thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ trong quá trình thẩm vấn các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump. 

Là người có thể đánh bại ông Trump từ năm 2019

Kamala Harris
Bà Kamala Harris. Ảnh: UPI

Bà Harris đã trở thành một chính trị gia nổi tiếng vào thời điểm phát động chiến dịch giành đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ vào tháng 1/2019 cùng với khẩu hiệu "Kamala Harris vì Nhân dân".

Đảng Dân chủ coi bà là ứng viên tiềm năng có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 song cuối cùng bà đã bỏ cuộc vào tháng 12/2019 vì thiếu tiền. 

Tháng 8/2020, ông Joe Biden chọn bà làm người liên danh, ứng viên Phó Tổng thống và mô tả bà là chiến binh dũng cảm. 

Khi tuyên thệ nhậm chức cùng Tổng thống Joe Biden, bà Harris không chỉ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống Mỹ mà còn là người da màu đầu tiên, người gốc Nam Á đảm nhận vai trò này. Bà cũng là người phụ nữ nắm giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ Mỹ. 

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Phó Tổng thống đắc cử, bà cảm ơn các cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục và hứa cố gắng trở thành Phó Tổng thống giống như ông Biden từng làm dưới thời Tổng thống Obama - là người trung thành, trung thực và sẵn sàng.

Với tư cách là Phó Tổng thống, bà Harris đã vận động ủng hộ quyền phá thai và tập trung nhiều vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico.

Kiên quyết ủng hộ ông Joe Biden tiếp tục tranh cử

Gần đây, Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi có màn thể hiện lép vế trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6. 

Vài phút sau khi cuộc tranh luận kết thúc, bà Harris đã kiên quyết bảo vệ Tổng thống Joe Biden, thừa nhận ông khởi đầu chậm nhưng "toàn đưa ra sự thật" trong khi ông Donald Trump "toàn nói dối".

Những lời kêu gọi đương kim Tổng thống dừng tranh cử càng lớn hơn sau khi ông Biden gọi nhầm Tổng thống Ukraine là Tổng thống Nga tại hội nghị thượng đỉnh NATO, rồi gọi Phó Tổng thống là Donald Trump thay vì bà Harris. 

Các cuộc thăm dò cho thấy, hầu hết đảng viên Dân chủ nghĩ rằng Phó Tổng thống sẽ làm tốt vai trò người kế nhiệm ông Biden. Theo các chuyên gia, bà Kamala Harris sẽ có lợi thế hơn những người kế nhiệm tiềm năng khác vì đã từng giành chiến thắng cùng ông Biden, có được được thiện cảm của các khu vực bầu cử cốt lõi của đảng và có khả năng sẽ kiểm soát một quỹ chiến dịch khổng lồ được tích lũy từ cuộc tái tranh cử của ông Biden.

Bà Harris đã gạt mọi đồn đoán và trung thành với Tổng thống Joe Biden trên con đường tranh cử. Hôm 20/7, bà Harris đã đăng tin trên mạng xã hội để ủng hộ Tổng thống, gọi ông là "nhà lãnh đạo chiến đấu vì người dân Mỹ".

Bà Harris chưa từng để tâm tới những câu hỏi về việc tranh cử Tổng thống nhưng năm 2023 đã bình luận về việc có sẵn sàng thay thế ông Biden nếu nhà lãnh đạo này không thể tiếp tục nắm quyền. "Có, tôi sẽ làm nếu điều đó cần thiết. Tuy nhiên, ông Joe Biden sẽ ổn. Và hãy để tôi nói với bạn điều này: Tôi làm việc với Tổng thống mỗi ngày". 

Tuần trước, ông Biden cho biết, ông cảm thấy bà Harris đủ tiêu chuẩn trở thành Tổng thống. "Đó là lý do tôi chọn Kamala Harris", ông Biden nói trong một cuộc họp báo. Ông cho biết sẽ không nhường bước trừ khi các cuộc thăm dò cho thấy ông không có cách nào có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cho hay: “Không có cuộc thăm dò nào nói lên điều đó”.