"Cùng nhau, hai người Mỹ tuyệt vời này sẽ mở đường cho chính quyền của tôi phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang", ông Trump cho biết trong một thông báo tối 12/11.
Theo hãng tin CNN, việc chọn lựa ông Ramaswamy và đặc biệt là “ông trùm công nghệ” Musk, người đứng đầu các công ty có những hợp đồng trị giá cao với chính phủ, làm lãnh đạo một bộ đặt ra câu hỏi tức thì về nguy cơ xung đột lợi ích. Hiện vẫn chưa rõ bộ mới sẽ “cung cấp lời khuyên và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ" cho chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ hoạt động như thế nào.
Trong danh sách các kế hoạch kinh tế được công bố hồi tháng 9, ông Trump đề xuất thành lập một ủy ban chuyên trách tính hiệu quả của hoạt động chính phủ. Vào thời điểm đó, ông Trump tiết lộ, tỷ phú Musk đã đồng ý lãnh đạo ủy ban này nếu ông tái đắc cử vào Nhà Trắng.
Tuyên bố ngày 12/11 của ông Trump vào tối thứ Ba trích dẫn lời ông Musk nói, "điều này sẽ gây chấn động toàn hệ thống và bất kỳ ai liên quan đến sự lãng phí của chính phủ, vốn bao gồm rất nhiều người!".
Trong một thông điệp riêng rẽ trên mạng xã hội X, ông Ramaswamy đã nhắc lại khẩu hiệu bản thân thường sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 của mình để kêu gọi xóa bỏ các cơ quan liên bang: "Hãy đóng cửa chúng đi".
Ông Ramaswamy từng đối đầu ông Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, nhưng đến tháng 1 năm nay đã lên tiếng ủng hộ cựu tổng thống đại diện đảng chạy đua vào Nhà Trắng. Chính khách này đã đưa việc cắt giảm lãng phí trong chi tiêu của chính phủ trở thành một nền tảng chính sách quan trọng cho chiến dịch tranh cử của mình, đồng thời hứa sẽ xóa bỏ Bộ Giáo dục, Ủy ban Quản lý hạt nhân và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nếu thắng cử. Năm ngoái, ông Ramaswamy từng công bố một báo cáo phác thảo khuôn khổ pháp lý sẽ cho phép tổng thống xóa bỏ các cơ quan liên bang nhất định.