Phóng viên báo VietNamNet phỏng vấn ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital.

BCG Energy đang có kế hoạch xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện tại TP. HCM. Sau điện gió, điện mặt trời, vì sao BCG chọn điện rác để đầu tư giai đoạn này, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn:

BCG Energy, công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, đang triển khai kế hoạch xây dựng Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM. Đây là dự án trọng điểm được chúng tôi mua lại từ CTCP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, đánh dấu bước tiến chiến lược của BCG Energy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bên cạnh điện gió và điện mặt trời.

Trước khi M&A dự án của Tâm Sinh Nghĩa, chúng tôi cũng đã xem xét một loạt dự án trên thị trường, sau cùng quyết định chọn dự án này. Bởi vì dự án này đang có hoạt động hiện hữu và có giấy phép, như vậy sẽ giúp thời gian xây dựng và phát triển dự án đó được rút ngắn. Nếu phát triển dự án mới cần rất nhiều thời gian, nhanh thì cũng phải mất 6-8 tháng, thậm chí là 1-2 năm. Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn của Việt Nam, quỹ đất dành cho các dự án xử lý rác thải rất khó có thể được dành cho các dự án mới vì các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường rất phức tạp. 

Vì sao BCG chọn điện rác? Chúng ta đều thấy tất cả các thành phố lớn đều đối mặt với câu chuyện xử lý rác thải. Ở TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo và rất nhiều tỉnh thành gặp tình trạng muốn làm nhà máy xử lý rác đều phải được người dân đồng thuận vì không ai muốn sinh sống cạnh các bãi xử lý rác thải. Chúng tôi muốn xây dựng một nhà máy điện rác hoàn toàn đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân ở lân cận.

Thứ hai, điện rác là ngành có tiềm năng kinh tế hấp dẫn, nguồn thu của một dự án điện rác rất đa dạng, ngoài doanh thu từ dịch vụ xử lý rác còn có doanh thu đến từ việc bán điện, và nguồn thu trong việc bán tín chỉ carbon từ lượng khí CO2 cắt giảm được. Hiện tại, giá bán điện cộng với chi phí xử lý rác đang ở mức hợp lý, nhà đầu tư dựa vào các biến đó để tính toán mô hình tài chính và đưa quyết định đầu tư một cách phù hợp.

Thứ ba, hiện nay Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng đang rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển dự án xử lý điện rác. Điều này thể hiện ở giá mua điện, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và chính quyền địa phương không ngừng sát sao, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển dự án điện rác.

Đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến, song trong quá trình đốt rác có thể thải ra các khí thải độc hại, ô nhiễm. Vậy BCG xử lý vấn đề này thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường?

Đúng là một số người lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường do khí thải độc hại từ quá trình đốt rác. Tuy nhiên công nghệ ngày càng phát triển giúp giải quyết hiệu quả vấn đề rác chưa được phân loại, chưa tiền xử lý, nhiệt trị thấp như ở Việt Nam. Ở Nhật Bản, vì sao các nhà máy đốt rác phát điện được xây dựng ngay gần thành phố, cạnh nhà dân, sát các khu trung tâm đông đúc? Bởi vì họ có công nghệ và quy trình khép kín.

Tôi đã đi tìm hiểu nhà máy đốt rác phát điện ở bên Nhật, họ còn xây dựng đường hầm dành riêng cho các xe trung chuyển rác. Sau khi vận chuyển rác vào nhà máy, họ đổ luôn vào bể rác. Rác sẽ nằm trong bể đó từ 5-7 ngày để nước lắng đọng xuống dưới và rác khô dần. Sau đó, họ chuyển rác đã khô vào lò đốt. Sau quá trình đốt, tro xỉ còn lại sẽ qua quá trình tách chất thải đáy lò để tái sử dụng để làm gạch nung và các sản phẩm khác… Phần tro bay tiếp tục có quy trình xử lý khép kín gồm rất nhiều hệ thống túi lọc và đồng thời có công nghệ phun hoá chất vào để lắng đọng lại, loại bỏ các hóa chất có hại cho môi trường. Cuối cùng, phần tro thải ra môi trường chỉ còn chiếm 3-5% và được chôn lấp tại các bãi chôn lấp vĩnh cửu có quy trình chống ô nhiễm nghiêm ngặt. Phần nước thải cũng có quy trình xử lý rất chặt chẽ và hầu hết tuần hoàn ngược lại cho nhà máy để làm mát hệ thống phát điện và các tua bin.

Toàn bộ hệ thống là quy trình khép kín, gần như không có gì thải ra ngoài và khí thải phát ra nằm trong ngưỡng cho phép với sức khỏe con người, đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải khắt khe nhất trên thế giới.

Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng ở Nhật có quy trình phân loại rác nên họ làm được điều đó. Vậy chúng ta hãy nhìn sang Trung Quốc – thị trường tỷ dân với nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam. Trong 10 năm nay, Trung Quốc đã xử lý rất tốt việc đốt rác phát điện. Chúng tôi cũng đã đi khảo sát công nghệ ở các nhà máy ở Trung Quốc, thực ra dây chuyền của họ cũng giống các dây chuyền được lắp ở Nhật cả, họ chỉ cải tiến để xử lý được luôn rác chưa phân loại. Ở Trung Quốc, các nhà máy đốt rác phát điện được xây dựng rất nhiều. Những năm gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc đã mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy tại các thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam, vì thị trường Trung Quốc đã bão hòa.

BCG hiểu rõ vấn đề chống ô nhiễm trong quá trình đốt rác và đã chủ động nghiên cứu, so sánh lựa chọn giữa các công nghệ khác nhau để chọn ra công nghệ tiên tiến nhất cho các dự án của mình. Các thiết bị và hệ thống xử lý ô nhiễm của các dự án là mới 100%, được giám sát chế tạo và đảm bảo chất lượng bởi nhà cung cấp công nghệ lớn trên thế giới.

Vậy phát triển một dự án điện rác hiện nay ông thấy vướng gì nhất?

Khi chúng tôi xác định sẽ xây dựng nhà máy ở Củ Chi, chúng tôi cũng có kiến nghị với Thành phố. Về mặt pháp lý, dự án chưa nằm trong quy hoạch về ngành, có quy hoạch về khu xử lý rác thải rắn Tây Bắc nhưng chưa có quy hoạch về đốt rác phát điện nên Thành phố sẽ phải cập nhật. Tất nhiên việc cập nhật đó sẽ mất thời gian, tuy nhiên Thành phố đã hỗ trợ tổ chức rất nhiều cuộc họp giữa các sở ban ngành với vướng mắc của nhà đầu tư.

Ngoài ra, về mặt quy hoạch ngành, dự án muốn triển khai thì phải nằm trong quy hoạch điện VIII. Các dự án như ở Cần Thơ, Hà Nội, Huế thực hiện được là do đã nằm trong quy hoạch điện VII.

Ngày 1/4/2024, Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII mới được ban hành. Khi kế hoạch thực hiện điện VIII được quy định chi tiết hơn, cụ thể là bổ sung cập nhật danh mục các dự án điện sản xuất từ rác, thì sẽ tạo ra khung pháp lý để cho các tỉnh, thành phố đồng bộ quy hoạch và thực hiện việc phê duyệt, cấp phép.

Ngoài ra, chúng tôi thấy một vướng mắc khác rất quan trọng liên quan đến quy trình hiện tại của Việt Nam.

Khi phát triển một dự án điện rác, các địa phương yêu cầu phải đánh giá công nghệ trước khi phê duyệt. Điều này làm hạn chế rất nhiều tính kinh tế của dự án.

Bởi vì một dự án được phê duyệt công nghệ ngay trong giấy phép thì nhà đầu tư bị bó buộc vào nhà cung cấp. Trên thị trường chỉ có vài dòng công nghệ thôi. Nếu nhà cung cấp họ biết được dự án buộc phải dùng công nghệ của họ, thì họ sẽ ép lại chủ đầu tư về mặt giá cả. Do vậy, chúng tôi đề xuất các địa phương khi muốn phát triển các nhà máy đốt rác phát điện, chỉ nên đưa ra các yêu cầu về đầu ra như chất lượng khí thải, quy chuẩn về công nghệ cũng như là chất lượng nước thải, còn nên để nhà đầu tư chủ dộng trong việc sử dụng công nghệ đạt quy chuẩn đã được bộ Khoa học công nghệ môi trường phê duyệt.

Ví dụ như ở Trung Quốc, cơ  quan quản lý sẽ phê duyệt yếu tố đầu ra trước, như chuẩn về khí thải, nước thải,… ; rồi sau khi nhà đầu tư quyết định chọn công nghệ nào đáp ứng các yếu tố đầu ra này thì cơ quan nhà nước sẽ phê duyệt công nghệ mà nhà đầu tư lựa chọn. Làm vậy dự án triển khai nhanh hơn rất nhiều, chủ đầu tư cũng có thể giữ kín công nghệ của mình cho đến phút cuối, giúp họ có khả năng đàm phán cao hơn các nhà cung cấp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn rằng các hợp đồng cung cấp rác giữa địa phương và nhà đầu tư cần phải được thực hiện nghiêm túc, để đảm bảo cho hoạt động liên tục của nhà máy. Trong tương lai, có thể tính tới xử lý rác theo vùng, bởi vì có địa phương lượng rác thải ra mỗi ngày không nhiều, nếu xây một nhà máy điện rác sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế. Vì thế, xây một nhà máy điện rác xử lý cho cả vùng sẽ phù hợp hơn.

Theo cơ chế giá điện cố định đang áp dụng, các dự án đốt rác phát điện được nhận mức giá là 10,05 UScents/kWh (khoảng hơn 2.500 đồng/kWh). Nhưng nếu cơ chế này không được áp dụng, mà chuyển sang đàm phán giá điện như Bộ Công Thương đang xây dựng thì nhà đầu tư có lo ngại, thưa ông?

Việc thay đổi cơ chế đàm phán giá không phải là để thu hồi các khuyến khích này mà chỉ nhằm giúp giá điện được tính toán phù hợp hơn với đặc thù mỗi dự án.

Lĩnh vực điện rác có cấu phần phí xử lý rác và giá bán điện. Tất cả các thành phố đều mong muốn giá xử lý rác giảm, còn EVN muốn giá thoả thuận hơn là giá FiT.

Thời điểm hiện tại trong nước đang không làm chủ được công nghệ điện rác, nên việc ổn định chính sách sẽ khuyến khích được các nhà đầu tư an tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu không có khung chính sách rõ ràng và ổn định thì sẽ không khuyến khích được nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phức tạp này. Như vậy điện rác sẽ rơi vào gần hết các nhà đầu tư Trung Quốc bởi vì họ có kinh nghiệm, lợi thế công nghệ, khả năng sản xuất thiết bị…

Bên cạnh đó, để đầu tư xây dựng một nhà máy điện rác cần nguồn vốn rất lớn, ví dụ như Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM mà BCG Energy đang triển khai, tổng mức đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 với công suất xử lý rác 2000 tấn/ngày đêm và công suất phát điện 70MW. Hầu hết các doanh nghiệp khi xây dựng nhà máy điện rác đều phải sử dụng nguồn vốn vay bên cạnh vốn tự có. Nếu các chính sách cho điện rác được xây dựng quá ngắn hạn, sẽ có rất ít doanh nghiệp dám mạo hiểm đầu tư.

Do vậy chính sách của Việt Nam cần ổn định, rõ ràng trong 5-10 năm, với tỷ suất lợi nhuận đủ để nhà đầu tư Việt Nam tham gia được, giúp DN đủ thời gian để dần làm chủ công nghệ và nâng cao được nội lực.

Còn nếu chúng ta tiếp tục đưa ra giá theo các mốc thời gian ngắn hạn, như giá FiT với điện gió và điện mặt trời, thì các nhà cung cấp sẽ nâng giá thiết bị lên, ép nhà đầu tư. Như vậy sẽ khó có thể giảm được giá bán điện như mong muốn.

Vậy theo ông, tỷ suất lợi nhuận phù hợp trong điện rác là khoảng bao nhiêu %?

Thực ra bất cứ loại hình đầu tư nào ở Việt Nam, thì tỷ suất lợi nhuận đều rơi vào khoảng 10 - 12% mới đảm bảo được cho nhà đầu tư.

Nhưng nhiệt trị của rác tại các nước phát triển thường tốt hơn của các nước như Việt Nam do đời sống của người dân các nước đó cao hơn Việt Nam. Có nhiều phân tích cho thấy 1 tấn rác của Trung Quốc khi đốt, lượng điện sinh ra từ đốt rác cao gấp khoảng 2 lần của Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức như nào cho bài toán kinh tế của các nhà đầu tư điện rác?

Tại các nước đang phát triển, việc phân loại rác được thực hiện tốt hơn, các chất thải rắn công nghiệp, chất thải y tế, xây dựng được loại bỏ triệt để giúp đảm bảo chất lượng rác đầu vào cũng như nhiệt trị của rác.

Việt Nam chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn, thành phần của rác sinh hoạt chiếm phần lớn là rác thực phẩm, đặc thù của loại rác này là độ ẩm cao, nhiệt trị thấp. Đặc điểm này đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu và lựa chọn công nghệ phù hợp với tính chất của rác thải sinh hoạt tại Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, BCG đã nghiên cứu lựa chọn công nghệ đốt kiểu ghi nhiều tầng, có khả năng đốt cháy hiệu quả rác thải có nhiệt trị thấp và chưa phân loại, chưa tiền xử lý như ở Việt Nam.

Sau cùng, trong đầu tư điện rác, thì theo ông, bài toán xử lý môi trường hay bài toán kinh tế là ưu tiên hơn? Đầu tư vào điện rác, nhà đầu tư sẽ phải cân đối các lợi ích này như thế nào?

Điện rác là giải pháp tiềm năng cho bài toán rác thải và phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư và phát triển bền vững, cần đảm bảo cân bằng giữa lợi ích môi trường và kinh tế.

Về mặt môi trường: Điện rác giúp giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, bảo vệ nguồn nước và đất đai khỏi ô nhiễm. Tuy nhiên, cần áp dụng công nghệ xử lý hiện đại và quản lý hiệu quả để đảm bảo an toàn cho môi trường.

Về mặt kinh tế: Điện rác mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua việc bán điện và thu phí xử lý rác thải. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá điện, giá xử lý rác, chi phí đầu tư,...

Trong đầu tư điện rác, cả hai yếu tố trên không mâu thuẫn mà thậm chí còn bổ trợ cho nhau, không thể tách rời. Giải pháp là cần phải cân bằng giữa lợi ích môi trường và kinh tế. Để làm được điều đó, nhà đầu tư cần lựa chọn công nghệ tiên tiến, quản lý hiệu quả và tuân thủ các quy định, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hơn nữa vào điện rác. Cộng đồng cần được nâng cao nhận thức hơn nữa về lợi ích của điện rác và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Với sự chung tay của các bên liên quan, điện rác có thể trở thành giải pháp hiệu quả cho bài toán xử lý rác thải và phát triển năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Thiết kế: Hồng Anh