Điện rác có ưu điểm gì?
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, côn trùng...
Tại tờ trình gửi Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất quy mô công suất điện sản xuất từ rác đến năm 2030 ở Bắc Bộ là 493 MW, Bắc Trung Bộ là 122 MW, Trung Trung Bộ là 60 MW, Nam Bộ 448 MW... Tổng công suất điện rác các vùng miền là 1.212 MW.
Hiện nay một số tỉnh sau khi nhận được thông tin này đều thấy công suất cho điện rác là quá thấp so với nhu cầu thực tế và đề xuất trước đó của tỉnh. Nhiều tỉnh, thành đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương đề nghị tăng quy mô công suất nguồn điện rác (như Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa…).
Các chuyên gia cho rằng, điện rác là dự án đặc thù, đặc biệt hơn so với tất cả các loại điện khác như thủy điện, điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời… Bởi các nhà máy điện dạng này chỉ hoạt động khi bên mua là EVN trả tiền điện. Nếu EVN không cần điện thì không cần đầu tư.
Trong khi đó điện rác hoàn toàn khác. Nhà máy điện rác thực chất phải gọi là nhà máy đốt rác phát điện bởi đốt rác thải sinh hoạt (xử lý môi trường) là chính, phát điện tạo ra nguồn năng lượng tái tạo là phụ trợ để tận dụng nguồn thu, giảm giá thành xử lý rác.
Dù EVN không cần điện hay các nhà máy này không cần phát điện thì vẫn phải đầu tư để xử lý rác bởi các loại công nghệ xử lý rác khác như chôn lấp hay làm phân vi sinh compost… đều chứng minh rằng không hiệu quả, để lại hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Các nước phát triển đều lựa chọn loại hình đốt rác phát điện thay cho việc chôn lấp rác. Cho nên Việt Nam đi sau cần theo con đường này. Có thể nói, đốt rác phát điện là tất yếu trong xử lý rác sinh hoạt.
Đốt rác phát điện: Giảm ô nhiễm, tăng nguồn thu, tiết kiệm ngân sách
Một dự án đốt rác phát điện sẽ có hai nguồn thu. Một là ngân sách địa phương trả cho việc xử lý rác, hai là nguồn thu được EVN chi trả từ mua điện. Đây là hai nguồn thu nhà đầu tư dựa vào để tính toán điểm hòa vốn và lợi nhuận định mức theo quy định.
Nếu EVN không mua điện thì ngân sách sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để trả cho việc xử lý rác. Thay vì mức phải trả bình quân 21–25 USD/tấn như bây giờ thì chi phí xử lý rác có thể lên 30 – 50 USD/tấn. Lượng nhiệt sinh ra từ đốt rác nếu không được tận dụng sẽ phải xả bỏ, gây lãng phí, đi ngược lại với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đang được Chính phủ kêu gọi.
Vì vậy công suất của điện rác không nên giới hạn ở mức thấp như dự thảo Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.
Mặt khác, việc giới hạn công suất quá thấp sẽ khiến các tỉnh không thể phê duyệt được các thủ tục để đầu tư. Ví dụ tỉnh Khánh Hòa có 1,2 triệu dân, lượng rác phát sinh của tỉnh dự kiến đến năm 2030 là 1.300 tấn/ngày đêm. 1 tấn rác sau khi đốt có thể sinh ra được hơn 500 kWh điện.
Như vậy công suất nguồn điện từ điện rác của Khánh Hòa cần khoảng 27 MW. Tuy nhiên, theo dự thảo Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII của Bộ Công Thương, tỉnh này chỉ được cấp phép 16MW. Có nghĩa, còn khoảng 11 MW điện không tận dụng được, gây lãng phí.
Chính vì vậy, tỉnh và nhà đầu tư đang rất lúng túng bởi nếu yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án 27MW thì không phê duyệt được Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Thiết kế cơ sở vì công suất điện được quy hoạch chỉ là 16MW.
Còn nếu chỉ thực hiện dự án 16MW thì 11MW này nếu không được phát điện, lượng hơi và nhiệt được sinh ra phải xả bỏ ra môi trường, vừa gây ảnh hưởng đến môi trường vừa gây lãng phí. Chưa kể ngân sách địa phương phải bỏ thêm tiền chi trả do chi phí xử lý rác tăng lên. Ngân sách tỉnh cũng chính là ngân sách nhà nước, nguồn từ tiền thuế của dân.
Theo một số chuyên gia về ngành điện, tính toán 1 tấn rác sau khi đốt sinh ra được 500kWh điện chỉ là cho thời điểm hiện tại. Kinh nghiệm của một số nước phát triển, GDP càng tăng thì nhiệt trị của rác càng lớn.
Như Trung Quốc hiện nay 1 tấn rác có thể sinh được 700kWh điện. Một nhà máy đốt rác phát điện thông thường có vòng đời hoạt động từ 30 – 50 năm, cho nên nhà đầu tư phải đầu tư sẵn các thiết bị như lò hơi, tuabin phát điện… với tầm nhìn công suất lâu dài, để khi nhiệt trị tăng, lượng rác tăng, nhà đầu tư không phải phá lò, phá nhà máy ra xây lại khi chưa hết khấu hao hoặc chưa hết vòng đời khai thác của nhà máy.
Cũng theo tính toán, công suất đặt của hệ thống điện là 80.000 MW. Nếu các tỉnh trên cả nước đều xây dựng nhà máy điện rác thì lượng điện phát từ đốt rác chỉ chiếm khoảng 3.000 MW tính cả tỷ lệ phát triển dự phòng 20%, tức chiếm chưa đến 1% tổng nguồn điện. Trong khi các dự án này lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý rác, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững.
Vì thế, với việc quy hoạch điện rác cần tính toán tăng lên phù hợp với thực tế hiện tại và có dự phòng phát triển. Có như vậy, giá thành xử lý rác mới thấp, tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước do giảm được số tiền phải trả cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, Chính phủ, Bộ Công Thương có thể cho phép các tỉnh căn cứ vào thực tế số dân, khối lượng rác thải phát sinh để bố trí công suất điện đủ (không vượt quá) cho các dự án điện rác, giống như cách tính thông thường của Trung Quốc và một số nước phát triển hiện nay sẽ dự phòng thêm 30 - 33MW/1 triệu dân để bố trí cho công suất điện rác.