{keywords}
 

Sau những phấn chấn về một ngày khai giảng đặc biệt và cũng là ngày đầu tiên đưa con đến trường, chị Mai (Lò Đúc, Hà Nội) mới bắt đầu cùng con học những bài đầu tiên (bộ sách Cánh Diều).

Là cựu học sinh giỏi quốc gia môn Văn, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại (2006) và cũng từng là giáo viên, chị Mai đặc biệt chú ý đến SGK môn Tiếng Việt nên đã lật từng trang sách để xem tổng thể.

“Tôi không tin vào mắt mình nữa. Những câu chữ trúc trắc, phải nói là rất khó đọc. Ví dụ: “Ba Hà để bể cá ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ”; “Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ”… Rồi trong một bài khác, thỏ lại “nhá cỏ, nhá dưa”… - Chị Mai kể lại.

Câu chuyện này không phải cá biệt, bởi SGK Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều đã khiến dư luận “dậy sóng”, trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội, trên báo chí với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên, phụ huynh.

{keywords}
 

Việc đổi SGK xuất phát từ yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội (2014) về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Sau gần 2 năm kể từ ngày Bộ GD-ĐT chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tháng 9/2020, những bài học đầu tiên của 5 bộ SGK lớp 1 đã vượt qua vòng thẩm định được giảng dạy trên toàn quốc. Đây là sự khởi đầu cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên toàn quốc.

Từ rất lâu trước thời điểm này, những nhà biên soạn sách, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã bày tỏ nhiều kỳ vọng.

Người đứng đầu ngành giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - khẳng định, trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông lần này là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Theo Bộ trưởng Nhạ, SGK lần đổi mới này cũng sẽ không còn nặng nề, pháp lệnh như trước đây mà chỉ là tài liệu để theo đó giáo viên đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Giáo viên sẽ được thỏa sức sáng tạo, chủ động xây dựng bài giảng, khắc phục tình trạng giáo án “rập khuôn” như trước.

Ở mỗi môn học sẽ có sự thay lớn, không còn bó hẹp trong những nội dung nặng về lý thuyết mà tăng tính thực hành, thực tiễn, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương pháp mô phỏng, đồ họa trong thiết kế bài giảng để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Chương trình mới còn hứa hẹn sẽ giảm tải so với trước, giảm số môn học và hoạt động giáo dục; Giảm số tiết học; Giảm kiến thức kinh viện; Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn; Thực hiện phương pháp dạy học mới; Đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.

"Thay đổi ở đây chủ yếu là sàng lọc, chọn lọc những kiến thức thiết thực, đổi mới cách tổ chức dạy học để phát huy năng lực của học sinh và tăng cường khả năng thực hành”, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ và khẳng định, chương trình mới sẽ phải trả lời câu hỏi “Học xong thì học sinh biết làm gì?”.

Ông Thuyết còn cho hay đã tính đến việc phù hợp với thực tiễn dạy học Việt Nam, kế thừa chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm thế giới, vì vậy “…chương trình mới không phải là một cái gì đó cắt đứt khỏi giáo dục hiện tại”.

{keywords}
 


Những vướng mắc đầu tiên về SGK đã xuất hiện ngay sau ngày khai giảng. Đầu tiên là việc mua sách có vẻ khó khăn hơn trước. 

Nhiều phụ huynh ‘trót’ không đăng kí mua sách qua trường phải chật vật tìm sách cho con học. Ngay tại thủ đô, có nơi thổi giá 1 bộ sách lớp 6 gấp 3- 5 lần.

Còn tại TP.HCM, một tuần sau lễ khai giảng, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Quận 2) bật khóc: “Hôm nay, tôi phải chạy vòng vòng thành phố, chắc phải tới 50 cây số, để mua sách cho con. Tôi vào nhiều nhà sách nhưng đều hết... Tôi sốc quá vì cứ chủ quan, nghĩ rằng bây giờ làm gì có chuyện hiếm SGK như thời bao cấp”.

Cũng thời gian này, phụ huynh bắt đầu râm ran về việc “chương trình mới dạy nhiều thứ trong một tiết học quá, không biết làm sao con theo nổi”, “sách mới dạy vùn vụt", “tối nào cả nhà cũng đánh vật”…

Một cô giáo tiểu học ở Nam Định với 21 năm dạy lớp 1 thẳng thắn nhìn nhận cách tiếp cận của chương trình phổ thông mới hơi gấp gáp. Trong khi đó, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học không có các tuần “đệm” để trẻ làm quen trước khi bước vào năm học mới.

Theo lí giải của Bộ GD-ĐT tại cuộc họp báo tháng 9/2020, môn Tiếng Việt ở chương trình phổ thông mới, về mặt kiến thức, không cao hơn so với chương trình cũ. Song, thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết...

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh - thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách Cùng học để phát triển năng lực trả lời báo chí: Lý do của việc tăng này là bởi muốn cho học sinh có thể nhanh biết đọc, viết để có công cụ học các môn học khác. Nếu trẻ chưa biết đọc thì không thể đọc được đề Toán, bài Tự nhiên xã hội, bài Đạo đức,...

Bà Hạnh còn cho rằng, phụ huynh muốn biết chương trình lớp 1 nặng hay nhẹ cần phải có một sự hiểu biết nhất định, chứ không phải “nhắm mắt kêu”.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, phụ huynh và cả thầy cô có thể đang lẫn lộn giữa 2 khái niệm “chương trình” với “sách giáo khoa”.

{keywords}
 

Khi mà những tranh luận về ‘nặng’ hay ‘không nặng’ còn chưa ngã ngũ, thì chỉ ít ngày sau, dư luận chính thức “dậy sóng” khi những sai sót về ngữ liệu của SGK Tiếng Việt 1, chủ yếu là của bộ sách Cánh diều được phát hiện và đưa lên mạng xã hội.

Đây là bộ sách quy tụ hầu hết các chuyên gia của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều bài học được lôi ra “mổ xẻ” với những bình luận vô cùng gay gắt, một số bài học bị cho là khó hiểu, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi, hay có từ ngữ được cho là chưa phù hợp như ‘nhá’, ‘chén’, ‘nom’, ‘hý hóp’… Ngoài ra, sách vắng bóng những tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học của Việt Nam. Điều này, theo chị Mai là “vô cùng đáng tiếc”.

Những bài học Tiếng Việt 1 cách đây nhiều năm bỗng “hot” trở lại. Những hình ảnh giản dị và những bài tập đọc một thời được chia sẻ trên mạng xã hội, gây thương nhớ cho nhiều người. Thậm chí, có trang mạng đã scan, bán với giá 500.000đ/bộ nhưng vẫn có khá nhiều người sưu tầm.

Các nhà làm sách lên tiếng, nhiều giáo viên cũng chỉ ra những điểm tích cực của sách như cách tiếp cận có căn cứ khoa học trong giảng dạy ngôn ngữ, hình ảnh, video minh họa sinh động…

Mặc dù vậy, tất cả những tiếng nói đó không đủ để thuyết phục được số đông dư luận. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu rà soát.

Cuối cùng thì Hội đồng thẩm định và tác giả sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT thừa nhận “nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) chưa được phù hợp”.

Nhiều bất cập khác trong việc triển khai SGK mới cũng được nêu ra, như khâu thí điểm, thực nghiệm, tập huấn cho giáo viên... đều được triển khai quá gấp gáp.

{keywords}
 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhìn nhận cần phải rút kinh nghiệm từ câu chuyện SGK lớp 1. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng SGK lớp 2 và lớp 6, ông đề nghị các tác giả, nhà xuất bản chú trọng các khâu từ biên soạn đến phát hành mẫu SGK.

“Ngôn ngữ sách phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp lứa tuổi... bởi đây là vấn đề vô cùng quan trọng. Cố gắng không có "sạn" về văn hóa, chính trị, tín ngưỡng… nên phải sàng lọc rất kỹ”, Bộ trưởng Nhạ lưu ý.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tham gia vào khâu thực nghiệm. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị mỗi Sở chọn 10 giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết góp ý nội dung từng môn học; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội với các bản mẫu…

Thận trọng là vậy, nên cho đến thời điểm này, tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh diều vẫn chưa được ban hành. Còn với SGK Tiếng Việt lớp 2, sau 2 vòng thẩm định, vẫn chưa cuốn sách nào được đánh giá “Đạt”.

Chia sẻ tại một cuộc gặp với các giáo viên tiêu biểu trong dịp 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, đặc điểm của ngành giáo dục có liên quan đến từng người, từng nhà và được nhân dân rất quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến con em và sự học tập suốt đời của chính từng người dân. Và “… bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”.

“Tôi trước hết cũng là một người thầy. Nhưng tôi là đại diện của các thầy cô, được Đảng và Nhà nước giao phụ trách lĩnh vực này. Áp lực vô cùng…” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng động viên những đồng nghiệp của mình: “Trước thách thức giữa mong đợi, kỳ vọng của người dân, xã hội và những gì đang có, thì chúng ta phải vượt qua”.

{keywords}
 

Đổi mới giáo dục phổ thông sẽ không chỉ là câu chuyện riêng về đổi mới sách giáo khoa. Đây chỉ là sự khởi đầu và là một "phép thử" cho ngành giáo dục.

Để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực của người học thì sự đổi mới sẽ diễn ra đồng bộ, tác động đến mọi đối tượng và cấp học, từ chương trình, sách giáo khoa, rồi cơ sở vật chất cho đến các thủ tục hành chính…  

Song, năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo – những người vừa được trao quyền tự chủ về nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh… mới là linh hồn của cuộc đổi mới này. 

Với những thách thức đó, áp lực đặt lên vai ngành giáo dục và Bộ trưởng là vô cùng lớn.

BAN GIÁO DỤC 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục

“Bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”, Bộ trưởng Nhạ nói và cho rằng các nhà giáo cũng phải đối mặt với điều này.