“Tôi nhớ hồi còn bé, lúc đó máy tính còn khá mới mẻ. Tôi ngồi trước chiếc máy tính với rất nhiều chương trình cần khám phá, và không biết cơ chế hoạt động đằng sau của máy tính như thế nào nên quyết tâm chinh phục nó. Vì vậy, ngay khi 14 tuổi, tôi đã bắt đầu theo học lập trình và quyết tâm theo đuổi lập trình. Đến giờ, dù tôi đã là quản lý, nhưng lập trình đã giúp tôi rất nhiều”, Nguyễn Trần Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu Viettel mở đầu câu chuyện như vậy.

Linh kể rằng vì là con gái nên bố mẹ muốn định hướng cho cô đi theo ngành nghề nào đó phù hợp với phụ nữ. Vì thế, ngay từ năm học lớp 4, bố mẹ đã cho cô vào học lớp chuyên văn. Khi cô quyết định xin thi sang học chuyên toán và bắt đầu đi học lập trình, cả thầy giáo và bố mẹ cô đều rất bất ngờ. Chưa dừng lại ở đó, đến năm lớp 12, do có thành tích đoạt giải quốc gia nên Linh được quyền lựa chọn các trường đại học.

“Tôi thích làm ngược lại với những định kiến và không mong muốn đi theo một định hình nào đó đã được vạch sẵn. Lúc đó, bố mẹ vẫn muốn định hướng cho con gái mình vào các ngành nghề khác, nhưng tôi lại vẫn kiên định với quyết định từ nhỏ của mình, đó là lựa chọn Khoa CNTT - Đại học Quốc gia”, Linh chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, Linh bắt tay khởi nghiệp cùng với một công ty nhỏ. Sau hai năm, Linh quyết định thử sức mình ở công ty lớn hơn để phát huy thế mạnh của mình. Sau khi đầu quân vào Viettel năm 2010, Linh thấy đây là nơi cho mình rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Cũng chính thời gian khởi nghiệp trước đây đã giúp Linh luôn có tinh thần sáng tạo của những người khởi nghiệp. Ở Viettel, tinh thần khởi nghiệp luôn được khích lệ để tạo ra sản phẩm sáng tạo. Trong suốt quá trình 14 năm làm việc ở Viettel, Linh luôn cảm nhận được điều đó.

Khi mới vào Viettel, Linh được trao cơ hội ở vị trí lập trình viên, sau đó là trưởng nhóm công nghệ Web Framework.

Năm 2012, lãnh đạo Viettel định hướng sẽ nghiên cứu phát triển bigdata. Lúc đó, công nghệ này khá mới trên thế giới, thậm chí, những cộng đồng mà Linh tham gia cũng đưa ra nhiều vấn đề mà họ chưa giải quyết được. 

Đến năm 2013, Linh được tham gia dự án xây dựng nền tảng cho hệ thống kho dữ liệu kinh doanh tập trung Viettel BI. Cô được giao trọng trách nghiên cứu công nghệ bigdata để phục vụ giải quyết yêu cầu lượng dữ liệu ngày càng gia tăng và bài toán xử lý phức tạp hơn với lĩnh vực viễn thông Viettel.

“Tôi nhớ đến năm 2015, lúc đó chúng tôi đã hoàn thành sản phẩm lớn là Viettel BI. Đây là hệ thống điều hành tổng hợp số liệu từ hàng trăm hệ thống, giúp Viettel có thể điều hành, tương tác đến hàng chục nghìn nhân viên trải rộng 63 tỉnh thành. Trong 10 năm qua, tôi đã tập trung cho công nghệ này rất nhiều và bigdata cũng đã đem lại cho tôi những kết quả ứng dụng tốt tại Viettel”, Linh chia sẻ.

Ngoài bigdata, Linh đã bắt tay nghiên cứu AI từ những năm 2018. Đây đang là lĩnh vực mới và có xu hướng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi ChatGPT ra đời. 

“Đối với AI, chúng tôi thực hiện sản phẩm phân tích dữ liệu, điều hành trên số liệu, đưa ra quyết định điều hành kinh doanh dựa trên số liệu. Thậm chí, hệ thống này còn phải dự báo được một số dữ liệu nào đó bất thường cần phải điều hành. Đây chính là điểm thành công mà giải pháp AI của chúng tôi nghiên cứu đã hỗ trợ cho tập đoàn Viettel phát triển. Sau đó, chúng tôi cũng phát triển nhiều sản phẩm AI như trợ lý ảo, callbot, chatbot… như một con người thật ở đằng sau để chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông của Viettel”, Linh nói.

“Tôi luôn cảm thấy biết ơn Viettel, bởi không có Viettel thì không có tôi ngày hôm nay. Nếu Viettel không có chiến lược đầu tư vào con người, đầu tư máy móc nghiên cứu thì không thể có kết quả thực tế. Viettel luôn cho chúng tôi những bài toán lớn, những thử thách, bài toán thực tế mới để mình phát triển. Qua đó, tôi đã học được rất nhiều và đưa ra những sản phẩm tốt đến tay khách hàng”, Linh chia sẻ thêm.

Năm 2021, Linh là một trong những đại sứ tham gia hội nghị Women in Data Science (Phụ nữ trong ngành khoa học dữ liệu). Đây là tổ chức được sáng lập năm 2015 bởi Stanford University và đã tạo ra một phong trào toàn cầu nhằm truyền cảm hứng, nâng cao năng lực của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học dữ liệu.

Chia sẻ về lý do tham gia Women in Data Science, Linh cho biết, trong công ty, các đồng nghiệp nam thường cho rằng phụ nữ chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng. Vì vậy, với dự án công nghệ thông tin, những việc lớn như thiết kế hệ thống thường được giao cho các đồng nghiệp nam, thế nhưng cô lại muốn tham gia. Thực tế, cũng có những đồng nghiệp nữ tham gia vào các công việc khó này nhưng lại bỏ dở giữa chừng để tìm công việc nào đó nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, có những bạn nữ lập trình viên khi có gia đình thì bỏ nghề không theo đam mê của mình nữa.

“Women in Data Science là tổ chức có hơn 150 nước tham gia với mục tiêu ủng hộ những phụ nữ làm công nghệ. Nó rất phù hợp với ngành khoa học dữ liệu mà tôi yêu thích. Khi tham gia Women in Data Science, tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn nữ, hãy đặt mục tiêu cao cho mình và đi đến cuối con đường mà mình yêu thích lựa chọn. Tôi muốn lan tỏa tinh thần đó để cho ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào ngành khoa học này, đặc biệt là những người phụ nữ làm chuyên sâu. Hiện tỷ lệ phụ nữ làm trong lĩnh vực công nghệ rất ít và những người còn theo đuổi đam mê chuyên sâu để lên vị trí lãnh đạo còn ít hơn nữa. Tổ chức Women in Data Science đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30% phụ nữ làm trong lĩnh vực công nghệ khi mới ra trường. Cá nhân tôi vẫn theo đuổi và nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ chương trình”, Linh chia sẻ.

Linh kể rằng bản thân cô cũng thấy nhiều tấm gương phụ nữ đam mê làm công nghệ và theo đuổi nó như PGS.TS Lương Chi Mai - người phụ nữ một mình nghiên cứu chuyên sâu về xử lý ngôn ngữ Việt Nam, làm nền tảng cho xử lý AI. Họ đã truyền cảm hứng cho Linh để Linh truyền tiếp đi ngọn lửa đam mê cho những người phụ nữ làm công nghệ.

“Cộng đồng Women in Data Science có rất nhiều cuộc thi và gửi đi thông điệp rõ ràng để truyền cảm hứng cho những người phụ nữ làm công nghệ. Tại Viettel, chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều và thường có các chương trình hội thảo, giao lưu trên mạng xã hội để chia sẻ định hướng, bài toán thách thức trong lĩnh vực công nghệ cho các bạn nữ theo ngành công nghệ thông tin. Cũng có bạn nữ theo ngành này như một xu hướng thời thượng, nhưng khi bước vào gặp phải rất nhiều vấn đề như công nghệ thay đổi liên tục, đã không biết mình phải đi đến đâu. Qua các chương trình, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, định hướng cho các bạn nữ, đặc biệt là các bạn sinh viên bước tiếp con đường này với định hướng rõ hơn”, Linh cho hay.

Khi được hỏi về truyền cảm hứng, Linh cho biết cô hay chia sẻ với các bạn nữ đam mê công nghệ rằng, hãy tập trung vào quyết tâm đạt mục tiêu cao và đừng quan tâm đến định kiến xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, vẫn còn định kiến rất nặng nề với những người phụ nữ làm công nghệ, nên tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này rất thấp.

“Cá nhân tôi cho rằng những phụ nữ nếu yêu thích ngành công nghệ thì nên theo đuổi chứ không nên đi theo xu hướng, bởi xu hướng sẽ thay đổi và chỉ có đam mê mới thành công”, Linh nói.