Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12 cho thấy, GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất từ 2007 đến nay.

Nhìn dãy số liệu tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay, có thể thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022 trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái. 

Trong quý I/2022, quý II/2022 và quý III/2022 tốc độ tăng GDP lần lượt đạt 5,05%, 7,72% và 13,67%; quý IV tăng 5,92%.

Mức tăng trưởng GDP 8,02% như ước tính kể trên đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam mới đạt được con số này.

Kể từ sau năm 2007 (với mức tăng trưởng GDP trên 8,4%), tăng trưởng GDP có xu hướng giảm. Ngoại trừ năm 2018 có mức tăng trưởng GDP 7,08%, tăng trưởng các năm còn lại đều dưới 7%.Tính cả giai đoạn 2016-2020 Việt Nam lại tăng trưởng 5,8%/năm thấp xa so với mục tiêu đặt ra là 7%/năm.

Tăng trưởng GDP cũng góp phần khiến số thu ngân sách tăng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt khoảng 1,61 triệu tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3%) so với dự toán, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021. Điều này đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán, đồng thời tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Tăng trưởng GDP cũng góp phần khiến số thu ngân sách tăng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt khoảng 1,61 triệu tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3%) so với dự toán, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021. Điều này đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán, đồng thời tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, những dấu hiệu khó khăn bắt đầu xuất hiện trong những tháng cuối năm 2022. Đó là những bất ổn từ thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lãi suất tăng cao, tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu “đói” đơn hàng, giải ngân đầu tư công chậm, đầu tư nước ngoài suy giảm...

Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức do diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia suy giảm, thậm chí rơi vào suy thoái, tạo áp lực lên công tác điều hành giá, lãi suất, tỷ giá.

Do đó, tính toán cho năm 2023, Chính phủ cũng thận trọng đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%. Con số này được đưa ra trên cơ sở ước thực hiện năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao, trong khi đó dự báo bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát và suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nước.