Năm 2022 cả thế giới rơi vào vòng xoáy lạm phát và tiền tệ. Việt Nam không nằm ngoài biến động chung. Tuy nhiên, nhiều chính sách linh hoạt đã giúp ổn định các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất là tỷ giá và lạm phát.

Trong năm 2022, thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đây là hậu quả bong bóng tài sản sau đại dịch Covid-19, căng thẳng tại Ukraine, cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung, Trung Quốc đóng cửa kinh tế và việc Mỹ tăng mạnh lãi suất (từ 0-0,25% lên vùng 3,75-4%) để chống lạm phát….

Trong năm, nhiều đồng tiền lao dốc. So với đầu năm, USD có lúc tăng 20% so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt. Bảng Anh giảm 22%, còn euro giảm 15,3%. Đồng yen Nhật có thời điểm bốc hơi hơn 30%. Không ít đồng tiền khác mất 40-60%, dẫn tới tình trạng tháo chạy của dòng vốn ngoại.

Lạm phát tăng cao kỷ lục. Nhiều nước EU ghi nhận lạm phát trên 20%. Lạm phát ở Anh lên cao nhất 41 năm, ở mức 11,1% (tháng 10). Khu vực EU là 10,7%. Lạm phát Mỹ có lúc lên 9,1%.

Nước Anh ghi nhận thêm cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu. Trung Quốc khủng hoảng cả ở thị trường bất động sản.

Tại Việt Nam, tình hình được kiểm soát khá tốt. Lạm phát tháng 11 là 4,37%. USD tại Vietcombank chỉ tăng hơn 8%. Tăng trưởng GDP quý III/2022 lên 13,67%.

Dù vậy, thị trường chứng khoán giảm mạnh. Chỉ số VN-Index giảm từ hơn 1.520 điểm hồi đầu tháng 4 xuống còn 873 điểm hôm 16/11 trước khi hồi phục lên 1.080 điểm hôm 2/12. Thị trường bất động sản trầm lắng. Nhiều cổ phiếu nhóm ngành này giảm 80-90%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, phát hành mới tụt giảm. Nhiều doanh nghiệp phải chi khoảng hơn 152 nghìn tỷ đồng để mua lại trước hạn trái phiếu trong chưa tới 11 tháng.

Đối phó với diễn biến khó lường trên thị trường tài chính thế giới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có các chính sách khá uyển chuyển và linh hoạt để kiểm soát tỷ giá, lạm phát, trong khi nỗ lực duy trì tăng trưởng, nhằm tránh cú sốc như 2009 (khi tỷ giá buộc phải điều chỉnh 1 lần tăng 9%; lạm phát sau đó tăng cao).

Về chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các chính sách phải “mỗi thứ 1 ít, nhịp nhàng và phải nghệ thuật”.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc điều hành chính sách tiền tệ lấy mục tiêu là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống cũng như đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối. Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản.

Hôm 17/10, NHNN chủ động nới biên độ tỷ giá USD/VND lên từ mức +/-3% lên +/-5%.

Về lãi suất, NHNN có 2 lần điều chỉnh hôm 23/9 và 25/10, nâng lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 6%/năm…

Bên cạnh đó, hoạt động bơm hút tiền được kết hợp nhịp nhàng nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống. Lãi suất qua đêm cuối tháng 11 ổn định trở về ngưỡng 5-6%/năm.

Với kênh trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính hôm 16/9 áp dụng Nghị định 65 thay thế Nghị định số 153, với nhiều quy định chặt chẽ, với mục tiêu nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm lắng, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt nhóm bất động sản) gặp căng thẳng về dòng tiền, qua đó tác tiêu cực lên hệ thống ngân hàng.

Cuối năm, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét nới “room” tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.

Mới đây nhất, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.