2022 là năm đầu tiên bắt đầu giảm chu kỳ điều hành giá xăng từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm âm lịch 2022 lại trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.  Do đó, kỳ điều hành giá ngày 1/2/2022 được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo là ngày 11/2/2022.

Trước đó, tình hình cung ứng xăng dầu đã bắt đầu có dấu hiệu bị gián đoạn. Ngay sau khi lùi thời điểm tăng giá xăng dầu, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi tăng giá vào kỳ điều hành ngày 11/2/2022, nguồn cung vẫn chưa trở lại bình thường.

Nguyên nhân lúc đó được chỉ ra một phần do thiếu hụt xăng dầu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Nhà máy này phải giảm công suất các tổ máy nên không đủ để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Sau giai đoạn này, đến giữa năm việc cung ứng xăng dầu vẫn trong cảnh “phập phù”. Việc thiếu xăng dầu cục bộ vẫn diễn ra, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Hình ảnh các cây xăng đồng loạt treo biển hết xăng, bán cầm chừng, người dân ùn ùn xếp hàng dài ở các cây xăng… đã tạo ra nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Sau đó, tình trạng cây xăng treo biển “hết xăng” lan ra cả Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.

Lúc này, nguyên nhân lại được nhắc đến là do các doanh nghiệp đầu mối không nhập hàng từ nước ngoài về vì nhập là lỗ, còn cửa hàng xăng dầu “càng bán càng lỗ” nên cũng không mặn mà nhập về bán cho dân. Nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu không theo kịp thực tế khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn…

Tình hình thiếu xăng dầu đến cuối năm 2022 tuy có bớt căng thẳng, nhưng nguy cơ thiếu trên diện rộng vẫn hiện hữu.

Ngày 12/11, Bộ Công Thương đã phải gửi văn bản đến các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố đề nghị cho ý kiến về những điều cần sửa đổi liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Cụ thể như: vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu; về quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Việc sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP liệu có giúp thị trường xăng dầu trong nước hoạt động trơn tru hơn hay không là điều rất quan trọng cho năm 2023. Bởi lẽ, xăng dầu là máu của nền kinh tế, không thể để tái diễn tình trạng này.