Nhân đây, xin có ý chia sẻ cùng bạn đọc. 

Một là, đề thi môn Toán gồm 8 bài với 15 câu hỏi nhỏ, thời gian làm bài 120 phút, bình quân mỗi câu thí sinh hoàn thành trong 8 phút mới kịp “thi đấu”. Học sinh lớp 9 có kinh nghiệm “ra trận” chưa nhiều, kỹ năng làm bài thi nhìn chung còn ở “tuổi 15”, thì đề ra như thế là dài.

Áp lực kỳ thi tăng hơn, do học sinh đối mặt với những câu hỏi khó, lạ, đánh đố.

Chẳng hạn, bài 6 là bài toán “truyền thống” của môn Vật lý lớp 10 (Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Khi học Chuyển động thẳng, các em mới hiểu đủ, đúng các khái niệm như tốc độ, tốc độ trung bình, tốc độ tức thời, vận tốc, quãng đường đi, độ dịch chuyển. Việc xác định thời điểm, vị trí hai vật chuyển động gặp nhau, đối với khá đông học sinh lớp 10 (mà môn Vật lý là môn học tự chọn) là việc không dễ. Do đó, bài 6 vô hình trung gây khó, vì học sinh mới qua lớp 9 chưa học một cách hệ thống nội dung này. 

Thầy cô dạy Toán không có nhiều thời gian luyện tập những bài toán tích hợp kiến thức môn Lý. Và khi dạy, phần cơ học, giáo viên Lý cũng khá vất vả khi lên lớp, huống gì thầy cô không chuyên. Vậy thì, hiểu và ra đề thi sao đây?

Nếu giải bài này theo cách của người ra đề, thí sinh đúng là theo kiểu "chân không về nghĩa", lắp ráp theo công thức một cách đơn điệu, chứ đòi hỏi các em tư duy thì… duy ý chí. Việc thí sinh khóc than sau thi Toán có nguyên nhân từ đây.

Hay như bài 5, học sinh chỉ học đầy đủ khối cầu, hình trụ ở bậc THPT. Đành rằng đề thi cho hai công thức tính thể hình khối cầu, diện tích toàn phần hình trụ để thí sinh vận dụng nhưng rõ ràng là “đi trước”. Cá nhân tôi cho rằng câu này tham kiến thức, đánh đố các em. 

Đề thi Toán có 8 bài, trong đó có cả nội chưa được dạy thấu đáo thì dẫu là thi tuyển sinh, tôi vẫn cho rằng đây là điều đáng tiếc. Còn về cách nói có câu học sinh lớp 5, lớp 6 làm được thì học sinh lớp 9 làm được thì thực tình, tôi không thông.

W-học sinh 10 TPHCM 56.jpg
Học sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Hai là, việc thi cử góp phần điều chỉnh cách dạy và cách học, nói nôm na là “thi thế nào, dạy học thế ấy”. Tuy nhiên, vận dụng kiến thức đến đâu trong đề thi cần cẩn trọng. Đối với kỳ thi “khốc liệt” như thi tuyển sinh vào lớp 10 ở địa bàn TP.HCM lại càng tuyệt đối cẩn trọng.

Cơ quan quản lý phải đặt lộ trình đổi mới ra đề, trên cơ sở năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chất lượng học sinh, điều kiện phối hợp của phụ huynh học sinh, tình hình triển khai chương trình môn học, sách giáo khoa... Việc áp dụng cũng phải từ từ, "dạy người" mà. Quá trình này nếu để cảm xúc dẫn dắt, chỉ thấy các trường vùng thuận lợi thì sa vào “bẫy” của đổi mới dạy học. 

Ba là, đề thi tuyển sinh lớp 10 được yêu cầu bám sát mục tiêu phân hóa, nhằm chọn học sinh tiếp tục theo học THPT. Chúng ta nên nhớ rằng khi học sinh biết, hiểu rồi vận dụng kiến thức, các em bộc lộ năng lực cá nhân, Và thầy cô, qua chấm bài thi, ghi nhận thông tin một cách khách quan, chính xác.

Muốn phân loại thí sinh cho từng nhóm trường (cùng mặt bằng chất lượng), nội dung đề thi phải nâng dần từ thấp lên cao, dễ đến khó, qua một vài bước đơn giản rồi mới nghĩ đến lập luận sắc sảo, thông minh. Học sinh thuộc top nào, qua qua bài làm, sẽ được phân loại bằng điểm số tương ứng, giúp xét tuyển dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả.

Chứ ra đề khó và lạ, nhiều em mắc kẹt trong “đường hầm” thời gian dài rồi hoang mang, đến câu dễ câu quen nhìn cũng hoa mắt. Khi từ bài 1 đến bài 8 chỉ dành cho học sinh trung bình trở lên, đòi hỏi tư duy (theo cách người ra đề), thì thử hỏi, tính phân hóa có đạt được không?

Bốn là, khi dạy học chính khóa, giáo viên căn cứ theo tiến trình để hoàn thành kế hoạch bài dạy. Giáo viên không thể xoáy vào một yêu cầu cần đạt rồi buông lỏng các yêu cầu còn lại. Dạy học, dù trong bối cảnh nào, còn là hành trình truyền thụ kiến thức. Học sinh ngoài học Toán còn học nhiều môn học khác, môn nào cũng… đổi mới, khiến học trò xoay như con vụ. Cho nên, từ bài thi mà mang ra "soi" cách giảng dạy của giáo viên là chưa đúng và trúng.

Năm là, để đánh giá học sinh (và những người liên quan) sau 9 năm học hành, đề thi còn cần có tính nhân văn. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đôi khi hơn kém 0,25 điểm là sự học của một học sinh sẽ rất khác, đường đến tương lai có thể hoàn toàn thay đổi. Do đó, mọi chủ trương và ý định, khi dự tính khi đặt lên đôi vai học sinh (ở đây là những thí sinh), nhất quyết không thể cứng nhắc.

Sáu là, đề thi Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM như vừa qua có thể dẫn đến việc phát sinh phong trào học Toán thực tế. Nhưng thực tế thiên hình vạn trạng, vận dụng đến đâu và yêu cầu thế nào qua dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nếu không có “hệ đo”, tôi e rằng từ trường đến trung tâm luyện thi… sẽ trăm hoa đua nở. Thầy cô, học sinh, phụ huynh sẽ lao đao công sức, tiền bạc mà đích đến khá mông lung.

TS Nguyễn Hoàng Chương

Kỳ thi lớp 10 tại TPHCM đã khép lại nhưng những tranh cãi quanh đề thi Toán vẫn chưa dứt. Mời quý độc giả đóng góp ý kiến về vấn đề này. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: tphcm@vietnamnet.vn.

>>>Tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2024 theo SBD đơn giản trên VietNamNet<<<