Đề thi môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thường sẽ có phần Đọc hiểu và Làm văn (tạo lập văn bản).

Mất điểm vì thiếu, sót ý ở phần Đọc hiểu

Ở phần Đọc hiểu, theo cô Hằng, với câu hỏi đơn giản về hoàn cảnh sáng tác một tác phẩm, thí sinh thường chỉ trả lời năm và hoàn cảnh chung. Thí sinh cần lưu ý chính hoàn cảnh sáng tác riêng lại góp phần tạo nên tư tưởng chủ đề sâu sắc cho tác phẩm.

Đa số thí sinh không nói giá trị thực của ý nghĩa nhan đề của tác phẩm dẫn đến không được điểm tuyệt đối của câu hỏi về phần này. Thí sinh cần lưu ý: từ hiểu biết về cấu tạo ngữ pháp hay nghĩa thực, điều quan trọng trong mỗi nhan đề là nghĩa ẩn dụ, nghĩa biểu tượng. Do đó, trong bài làm của mình, khi khái quát chung, từ nhan đề thí sinh phải nêu được giá trị, ý nghĩa cũng như tư tưởng của tác phẩm.

Cô giáo Phùng Thu Hằng - giáo viên dạy Văn trường THCS Thái Thịnh.

Cô Thu Hằng lấy ví dụ với tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”: Ở cấu tạo nhan đề, tác giả đảo tính từ “lặng lẽ” lên trước từ “Sa Pa” để nhấn mạnh vẻ lặng lẽ của nơi mà mọi người thường nghĩ là chốn nghỉ dưỡng yên bình.

Thế nhưng, đó chỉ là vẻ bề ngoài của vùng đất này. Và điều mà thí sinh cần nhấn mạnh trong bài làm là nhiệt huyết đằng sau sự cống hiến thầm lặng của con người nơi đây, từ đó ca ngợi chủ đề của tác phẩm, con người lao động mới cống hiến trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Những lỗi ở phần Làm văn 

Còn trong phần tạo lập văn bản, thí sinh thường mắc lỗi khi triển khai phân tích phần nghị luận văn học.

Ở câu hỏi phân tích tác phẩm truyện, thí sinh thường sa vào kể lại mà không nêu bật được ý, nội dung đề bài muốn hỏi vì quên đi nghệ thuật, dẫn chứng của tác phẩm.

Cô Thu Hằng lấy ví dụ với câu hỏi "phân tích diễn biến nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân": thông thường, thí sinh kể lại cốt truyện mà không phân tích, không chú ý hoàn cảnh để nhân vật bộc lộ cảm xúc tâm trạng. Thí sinh cũng không nêu được tâm trạng ông Hai bộc lộ qua thời điểm nào, và quan trọng là nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả thể hiện ra sao. Ngoài ra, đoạn văn thí sinh viết không mạch lạc mà chỉ kể sự kiện rời rạc trong tác phẩm cũng sẽ không được người chấm đánh giá cao.

Với thể loại thơ, thí sinh thường mắc lỗi diễn xuôi câu thơ, không phân tích nghệ thuật để tìm ra cái hay cái đẹp trong ca từ, cảm xúc mà tác giả gửi gắm.

Ví dụ như "bài thơ Viếng lăng Bác": thí sinh phải chú ý đến hai hình ảnh sóng đôi là hình ảnh thực và mặt trời ẩn dụ. Trong đó, một là mặt trời thiên nhiên, vĩnh hằng còn mặt trời thứ hai là ẩn dụ cho sự lớn lao, vĩ đại của Bác Hồ. Thường thí sinh quên đi dấu hiệu nghệ thuật, chỉ diễn xuôi đơn giản câu thơ và nếu vậy, các em chỉ có thể được 1/2 số điểm của câu hỏi. 

Với câu nghị luận xã hội: Về mặt hình thức, thí sinh lưu ý đề bài. Nếu đề yêu cầu viết đoạn văn thì phải viết đúng đoạn, còn nếu yêu cầu viết bài văn thì phải viết theo hình thức bài văn ngắn.

Trong quá trình viết, những vấn đề đưa ra trong đề bài sẽ khuyến khích người làm thể hiện quan điểm cá nhân, sự hiểu biết, sáng tạo. Nhưng nhiều thí sinh bị mất điểm vì viết theo lối mòn, không có quan điểm rõ ràng, hiểu biết xã hội hạn chế, mạch bài luẩn quẩn...

Cô Hằng nhấn mạnh "không phải viết dài là nhiều điểm", mà thí sinh phải trả lời trúng những gì đề bài yêu cầu, bài làm mạch lạc, các ý phải rõ ràng và có sự kết nối.

Về việc sắp xếp thời gian trong quá trình làm bài thi, theo cô Hằng, khi cầm đề lên không được bắt tay làm ngay. Thí sinh phải đọc kỹ đề bài ít nhất 3 lần toàn bộ câu hỏi, sau đó làm dàn ý ra nháp, sắp xếp nội dung câu chữ, ý tưởng để trình bày chứ không đặt bút viết luôn vào giấy thi.

"Không ít thí sinh bỏ qua những bước đọc kỹ đề, gạch chân những từ khóa trong đề, lập dàn ý ra nháp... mà vội vàng làm. Điều này sẽ dẫn đến thiếu ý và không được điểm tối đa" - cô Hằng khuyến cáo.

>>>Cập nhật những tin tức thi vào lớp 10 năm 2023 mới nhất<<<