Chiều 30/1 (mùng 9 tháng Giêng), Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) thu hút đông đảo du khách tham dự.

Lễ hội này có điểm đặc biệt là màn đánh trống của các thanh niên mặc trang phục phụ nữ, dân gian thường gọi là "Con đĩ đánh bồng". Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc đã nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Sau này, điệu múa trở thành đặc trưng trong Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm. 

Ngay từ 13h, 18 thanh niên tham gia múa bồng sửa soạn, tô son phấn, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ.

Nguyễn Văn Chí Hiếu (Triều Khúc) đã có gần 10 năm tham gia múa bồng, điệu múa được tiếp nối từ đời ông tới bác và giờ đến thế hệ của cậu và bạn bè.

Mở đầu lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch, tế lễ,… 

Sau đó là lễ rước kiệu Bố Cái Đại vương Phùng Hưng về đình làng.

Dẫn đầu đoàn rước có 6 cặp trai giả gái mặt hoa da phấn, nhảy điệu múa bồng uyển chuyển, mềm mại. Họ đều phải có ngoại hình ưa nhìn, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo.

Điệu múa đánh bồng chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng vẫn thể hiện được tinh thần cực phóng khoáng, dứt khoát, mạnh mẽ.

Những chàng trai mắt lúng liếng đưa tình, miệng cười xinh trong những bước nhảy linh hoạt, thướt tha hòa cùng nhịp trống dồn dập khiến người xem thích thú.

Được biết đây là một trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long.

Bên cạnh màn múa “Con đĩ đánh bồng” đặc sắc còn có các điệu múa lân, múa rồng.

Nghi lễ rước kiệu Bố Cái Đại vương Phùng Hưng về đình làng diễn ra long trọng trong sự thành kính của người dân làng Triều Khúc.

Những mâm lễ được người dân sắp đặt dọc đường rước khi kiệu đi qua.

Lễ hội nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng.