Đây là lần thứ 2, ông Trump bị luận tội. Tại phiên tòa đầu tiên diễn ra từ tháng 1 đến tháng 2/2020, ông cũng được tuyên trắng án.
Cả hai lần luận tội đều nhằm loại ông Trump khỏi nhiệm sở. Họ bắt đầu nỗ lực luận tội ông thậm chí từ trước khi ông nhậm chức năm 2016 và cứ tiếp tục vài tháng lại khới vấn đề lên một lần. Sau đó là các cuộc điều tra hình sự, kiện tụng và các phiên điều trần tại quốc hội nhằm phế truất ông, làm sao để ông ấy không thể tái xuất trong cuộc đua Tổng thống năm 2024.
Ngày 6/1/2021, ông Trump phát biểu trước nhiều ngàn người ủng hộ trong cuộc tuần hành phản đối cuộc bầu cử được cho là có gian lận. Ông bị cáo buộc kích động nổi dậy - gọi đó là một nỗ lực bạo lực nhằm lật đổ chính phủ Mỹ.
Một nhóm trong số những người biểu tình đã tiến tới điện Capitol, áp đảo cảnh sát bảo vệ khu vực, tràn vào phá phách bên trong tòa nhà và đe dọa các thành viên Quốc hội.
Cuộc tấn công vào điện Capitol là một sự lăng mạ đối với nền dân chủ Mỹ, và có thể được coi là một sự sỉ nhục nghiêm trọng nhất đối với nước Mỹ. Không một người có lý trí nào có thể tin rằng vụ tấn công bạo lực - khiến 1 cảnh sát và 1 thành viên của nhóm bạo loạn thiệt mạng - có thể được biện minh bằng bất kỳ lý lẽ nào. Và những người có liên quan sẽ phải đối mặt với các mức án tù nặng nề.
Ông Trump bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm hình sự về vụ bạo động, tội “lơ là trách nhiệm” khi không kêu gọi những kẻ bạo loạn ngừng lại và chấm dứt bạo động.
Ông cũng bị đổ lỗi vì đã không điều động lực lượng Vệ binh quốc gia hoặc An ninh nội địa để bảo vệ điện Capitol.
Ông Trump chính thức rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2021 - cũng là ngày ông Biden chính thức trở thành Tổng thống. Ông rời Nhà Trắng đúng ngày hôm đó, không tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden. Các cựu Tổng thống Bill Clinton, George Bush và Barack Obama đã tham dự để thể hiện sự đoàn kết và quá trình chuyển giao quyền lực đã được thực hiện một cách hòa bình.
Động cơ đằng sau của việc luận tội lần thứ hai là ngăn chặn việc ông Trump có thể tái tranh cử Tổng thống hoặc ra tranh cử cho bất kỳ vị trí nào tại các văn phòng công cộng.
Một số người muốn thông qua việc luận tội để gửi thông điệp đến các tổng thống tương lai rằng số phận tương tự sẽ chờ đợi họ nếu họ cố gắng lật đổ chính phủ. Một số khác làm như vậy vì muốn trả thù cho niềm tin của mình rằng ông Trump đã đánh cắp chiến thắng bầu cử năm 2016 của bà Hillary Clinton. Nhưng lý do chung của hầu hết những người đối lập là không thích phong cách điều hành, tính cách và chính sách của ông Trump.
Chuẩn mực tố tụng đối với việc luận tội Tổng thống yêu cầu: Thu thập bằng chứng từ các nhân chứng, tài liệu, hồ sơ, video và những thứ tương tự; tổ chức các phiên điều trần để lập hồ sơ vụ án; đưa ra bằng chứng và cho phép ông Trump cùng các luật sư của ông phản biện; và nếu đa số tại Hạ viện bỏ phiếu luận tội, thì Hạ viện sẽ chuyển các cáo buộc lên Thượng viện để mở phiên xét xử.
Nhưng quá trình luận tội ông Trump đã không có bước nào trong quy trình tố tụng như đã nêu trên.
Đa số Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông Trump. 10 dân biểu của đảng Cộng hòa cũng bỏ phiếu cùng. Một trong số 10 người này là bà Liz Cheney, nhân vật quyền lực thứ 3 của phe Cộng hòa tại Hạ viện!
Vào thời điểm cáo buộc kích động nổi dậy được đưa ra thì ông Trump đã rời nhiệm sở. Bất chấp điều đó, phiên tòa vẫn được tiến hành.
Hình phạt duy nhất cho người bị kết án với những tội danh dẫn đến bị luận tội là sẽ bị phế truất khỏi chức vụ đang nắm giữ. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp Mỹ. Nhưng vấn đề được giải quyết không trên cơ sở hiến pháp mà bằng cách bỏ phiếu để có thể xét xử ông Trump ngay cả sau khi ông ấy đã rời nhiệm sở - điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Theo quy định của Hiến pháp, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ chủ trì phiên tòa luận tội. Chánh án Roberts không đời nào lại làm việc này. Quả thực, ông đã từ chối làm thẩm phán phiên tòa. Thay vào đó, vị trí này được giao cho một người luôn đối kháng mạnh mẽ với ông Trump: Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. May mắn là ông Leahy đã hành xử đúng mực.
Một số chuyên gia bình luận cho rằng, phiên tòa luận tội ông Trump không phải là một phiên tòa thực sự, mà là một chiến dịch quảng cáo của phe đối lập.
Bằng chứng quan trọng mà họ đưa ra trong phiên tòa là một đoạn video cho thấy ông Trump kêu gọi những người ủng hộ ông hãy tiến về điện Capitol và “đấu tranh” để Thượng viện không chứng nhận ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Trước khi phiên tòa tại Thượng viện bắt đầu, mỗi thượng nghị sĩ đều thực hiện nghi thức đưa ra lời thề trong phiên tòa luận tội: "Tôi sẽ thực hiện công lý khách quan theo Hiến pháp và pháp luật. Cầu xin Chúa che chở cho con”.
Phán quyết của toà: Ông Trump trắng án. Quy định của Hiến pháp là cần 2/3 hoặc 67 thượng nghị sĩ bỏ phiếu kết tội thì ông Trump mới mang án.
Phiên tòa kết thúc và bên chiến thắng là phe đối lập. Họ đã hoàn thành sứ mệnh gây thiệt hại cho ông Trump cả ở phương diện chính trị và cá nhân.
Giờ đây, họ có thể ngồi yên và xem đảng Cộng hòa đối mặt với tình cảnh nội bộ bung bét đến mức độ khó có thể phục hồi trong nhiều năm tới. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện của đảng Cộng hòa đã công khai lên án ông Trump về cuộc bạo động ở điện Capitol giống như một số đảng viên Cộng hòa khác đã làm trước đó. Đã có những lời kêu gọi thành lập một đảng chính trị mới.
Ông Trump tiếp tục chịu các cáo buộc hình sự, bị mở cuộc điều tra về công tác quản lý dịch Covid-19 - những việc này rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc luận tội khác.
Nếu bạn nghĩ rằng nước Mỹ sắp tự hàn gắn, hãy suy nghĩ lại. Mọi việc chỉ mới bắt đầu.
Tiến sĩ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy
Thiết kế: Huệ Nguyễn
Nước Mỹ đang bị hủy hoại bởi sự chia rẽ
Thay vì đoàn kết lại với nhau, lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa lại đang âm mưu chia rẽ nước Mỹ ở mức độ tồi tệ. Rất khó thấy viễn cảnh hai đảng hợp tác hay đoàn kết.