Chỉ 2 tháng nữa, vùng nha đam nguyên liệu, với diện tích 10.000 m2 của Hợp tác xã Xuân Phát (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), sẽ cho thu hoạch. 

Ước tính, với sản lượng nha đam khoảng 1.000 tấn/năm, giá nhà máy thu mua tại ruộng 2,5 triệu đồng/tấn, số tiền thu về cho hợp tác xã là 2,5 tỷ đồng. 

Nhưng, để có được diện tích nha đam phủ xanh vùng đất cằn, đầy nắng gió và phát triển kinh tế địa phương như hiện nay, là điều không dễ. Cho đến giờ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food), ông Nguyễn Văn Thứ, vẫn nhớ như in những cái xua tay, từ chối hợp tác trồng nha đam của nông dân Ninh Thuận ngày trước. 

Từ phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại TP.HCM, ông Thứ đã phải đi học làm nông nghiệp và thuyết phục bà con trồng nguyên liệu cho mình.

- Vì sao từ vị trí “sếp” ngân hàng, ông lại quyết định bỏ nghề, chuyển ngang sang làm nông nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Tôi luôn quan tâm về nông sản và thực phẩm. Thứ nhất, Việt Nam có nhiều lợi thế về nông sản. Thứ hai, thực phẩm là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Chúng ta không thể ngừng ăn.

Lúc còn đang công tác tại ngân hàng, tôi dành gần như toàn bộ thời gian thứ Bảy, Chủ nhật đi khảo sát vùng nguyên liệu. Nếu muốn làm nông nghiệp, anh phải hiểu về nó. 

Tôi thường xách ba lô lên tàu, xe khách đi tới các tỉnh/thành. Dịp lễ, Tết luôn là những chuyến đi dài. Tôi đi Tây Nguyên tìm hiểu về khoai mỳ; miền Trung thì đi từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ vào; miền Bắc là Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, những tỉnh trồng nhãn, vải, bưởi,... hay các tỉnh miền núi phía Bắc.

Khi tới Ninh Thuận, tôi biết ở đây có trồng cây nha đam. Thời điểm đó, số lượng ít, chất lượng nha đam thu hoạch không tốt. Người nông dân nhổ bỏ nhiều, họ vứt ra góc vườn, gây mùi hôi thối. 

Sau nhiều lần về Ninh Thuận, tôi ấp ủ việc chế biến sản phẩm từ nha đam. 

Tình cờ, một người bạn bên Nhật Bản cho tôi biết, người dân quốc gia này dùng nha đam rất nhiều và duy trì hàng chục năm nay. Từ đó, tôi quyết định sản xuất thạch nha đam, xuất khẩu sang thị trường Nhật. 

Năm 2011, tôi khánh thành nhà máy nha đam ở Đồng Nai, lấy nguyên liệu từ Ninh Thuận về làm. Năm 2013, chúng tôi bán lô hàng nha đam đầu tiên sang Nhật Bản. Sau đó, công ty mở tiếp nhà máy thạch dừa. 

- Chỉ sau 2 năm, một công ty mới thành lập đã xuất bán được hàng thực phẩm cho Nhật Bản, thị trường vốn nổi tiếng khó tính. Đây có là điều may mắn?  

Ông Nguyễn Văn Thứ: Chẳng có thành công nào là may mắn cả. 

Ngay từ đầu, khi thành lập công ty, tôi không nghĩ mình bán sản phẩm ra chợ nhỏ. Tôi hướng đến xuất khẩu, bán cho doanh nghiệp lớn. 

Đối tác Nhật đã hướng dẫn chúng tôi cách tư duy của họ. Đó là, họ không chỉ nhìn vào sản phẩm mà tìm hiểu quy trình sản xuất đằng sau sản phẩm đó. Nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP... ra sao. Tất cả quy trình phải chuẩn hoá từ đầu vào, các công đoạn thực hiện, hạ tầng xây dựng nhà máy. Đó là lối tư duy sản xuất không thể đại khái. 

Thời điểm năm 2011, rất ít doanh nghiệp làm theo quy chuẩn như vậy. Doanh nghiệp tư nhân lại càng không. 

Chúng tôi có một vị khách, là chủ chuỗi 200 cửa hàng sushi tại Nhật Bản. Họ muốn nhập khẩu thạch nha đam về để đưa vào chai nước uống, phục vụ thực khách.

Họ cho người tới đánh giá nhà máy, thử nghiệm sản phẩm. Họ phải nhìn tận mắt cơ sở sản xuất đã có sẵn quy trình chuẩn chứ không phải cứ khách đến là các doanh nghiệp đi sửa lỗi sai, chắp vá quy trình.

Chưa dừng lại ở đó. Đối tác Nhật không chỉ nói chuyện với ban giám đốc công ty, họ còn phỏng vấn cả quản đốc, tổ trưởng bộ phận. Họ xem nhật ký sản xuất và mời ngẫu nhiên những người có ký tên trên hồ sơ tới để phỏng vấn để biết thông số đó được điền thật hay chỉ làm đối phó.

Đến giờ, khách Nhật vẫn quay lại kiểm tra nhà máy định kỳ 1-2 lần/năm, dù đã lấy hàng từ lâu. Chính sự khó tính và cẩn trọng của đối tác Nhật Bản dạy tôi nhiều điều, giúp doanh nghiệp lớn lên trong kinh doanh. 

Sau Nhật Bản, công ty đã bán hàng qua Hàn Quốc, các nước Trung Đông, châu Âu. Sản phẩm của chúng tôi đang có mặt ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có trong đồ uống ngoại như Meiji, Lottle, Pureplus,... Trong nước, chúng tôi cung ứng hàng cho Vinamilk, Nutifood...

Năm 2022, công ty đạt tổng doanh thu 430 tỷ đồng. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu thu về khoảng 530 tỷ đồng (tương đương hơn 22 triệu USD).

- Từ phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng rồi đi làm nông nghiệp, lĩnh vực hoàn toàn mới. Thời điểm đó, ông có thấy lựa chọn này đầy rủi ro?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Khi rời ngân hàng, tôi 32 tuổi. Tất nhiên, tương lai trong lĩnh vực tài chính còn rộng mở. Gia đình và bạn bè đều ngạc nhiên, nhưng tôi quyết định thay đổi dựa trên suy tính kỹ lưỡng chứ không bột phát.

Tôi không nghĩ làm nông nghiệp là rủi ro, nhưng vất vả là chắc chắn. Vất vả hơn để thành công. Trường hợp xấu nhất, cùng lắm, tôi mất số vốn ban đầu, rồi lại đi làm việc khác.

Ngoài ra, tính tôi vốn cố chấp, dù khó, tôi vẫn sẽ xoay nhiều cách để đạt được mục tiêu.

- Với mục tiêu theo đuổi nông nghiệp như vậy, hành trình sản xuất thạch nha đam của doanh nghiệp ra sao?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Không hề dễ dàng. Chúng tôi gặp khó ngay từ khâu tìm nguyên liệu đầu vào. Nếu không có lá nha đam, chắc chắn không thể sản xuất.

Đó là năm 2009. Những người nông dân Ninh Thuận xua tay từ chối khi tôi đặt vấn đề kết hợp cùng họ trồng nha đam, bao tiêu đầu ra. 

Đừng vội trách họ. Khi tìm hiểu, tôi mới biết, trước đây, một số công ty từng tới và dụ dỗ nông dân. Các doanh nghiệp đó hô hào nông dân trồng hành, tỏi, rau thơm... rồi sẽ bao tiêu. Nhưng, mục đích chính của họ là bán giống, thuốc trừ sâu, phân bón... cho bà con.

Bán vật tư nông nghiệp xong, doanh nghiệp bỏ đi, hứa bao tiêu nhưng không làm. Hoặc, doanh nghiệp chỉ thu mua một ít rồi lấy cớ, chê nguyên liệu kém, không mua nữa.

Nông dân bị lừa và mất niềm tin vào doanh nghiệp. Sau này, khi các công ty đến mua nguyên liệu thì rất khó thuyết phục bà con, nhất là những công ty mới thành lập.

Do vậy, chúng tôi phải ứng trước tiền cho nông dân xây mương, làm hệ thống nước, cung ứng giống. Chỉ ứng tiền trước, nông dân mới chịu làm. Bởi, nếu doanh nghiệp bỏ chạy, sẽ mất luôn số tiền đó.

Cứ 1 sào (1.000m2) trồng nha đam công ty ứng 40-50 triệu đồng, đợt ứng tiền đầu tiên cho các hộ dân đã lên tới 2 tỷ đồng. 

Nhưng ông trời không phụ chúng tôi. Sau 1 năm, diện tích trồng nha đam tăng dần. Nhiều nông dân giờ tự đến đăng ký trồng nguyên liệu. Những hộ dân từng được ứng tiền rồi thì đề nghị công ty ứng thêm vốn để mở rộng diện tích. 

Đến hôm nay, chúng tôi đã sở hữu vùng nguyên liệu trồng nha đam lớn nhất nước, diện tích khoảng 150 ha. Con số này sẽ là 350 ha vào năm 2025. Nhà máy nha đam cũng được chuyển từ Đồng Nai về vùng nguyên liệu Ninh Thuận, sản xuất 15.000 tấn thành phẩm/năm.

- Đấy là quá trình tìm mua nguyên liệu đầu vào. Còn giai đoạn vận hành, thực tế sản xuất sau đó?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Không có con đường nào trải hoa hồng cả. Khó khăn chưa dừng lại. Khi nhà máy mới hoạt động được mấy tháng, 1 lô nha đam bị hỏng do kỹ thuật sản xuất. Đó là năm 2012.

Công ty bị mất số tiền khá lớn, cả trăm tấn hàng phải bỏ đi và đó là công sức của biết bao con người trong một tháng. Nhà máy tạm ngừng sản xuất. Sản phẩm hỏng do bị nhiễm vi sinh. Quá trình quản lý sản xuất chưa chú trọng vệ sinh máy móc, thiết bị, dẫn tới sự cố trên. 

Lúc đó, tôi thực sự mông lung. Có quá nhiều bài toán mình không nắm được lời giải trong tay và không như dự tính. Rủi ro từ liên kết vùng trồng, giá nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất.  

Tôi phải đi gặp rất nhiều người để xin tư vấn. Các doanh nghiệp đi trước nói rằng, cần có chất bảo quản để ức chế vi sinh phát triển mới giữ được sản phẩm. 

Nhưng, chất bảo quản là điều tối kỵ, khách hàng không bao giờ chấp nhận. Còn nếu không dùng, chúng tôi phải đi tìm ra nguyên nhân và xử lý nó. Quá khó khăn. 

Đối tác Nhật Bản lại một lần nữa dạy tôi về sản xuất thực phẩm. Họ nói: “Vệ sinh, vệ sinh và vệ sinh”. Khẩu hiệu này vẫn đang treo ở các nhà máy sản xuất của công ty từ sự kiện đó đến giờ.

Khẩu hiệu trên nghĩa là, vệ sinh trước khi sản xuất, vệ sinh trong quá trình sản xuất, vệ sinh khi kết thúc sản xuất. Ngày hôm sau, quy trình lặp lại.

Trong nhà máy, vệ sinh nền, tường, trần nhà; máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất; trang bị bảo hộ lao động; tay chân người lao động. Ngoài nhà máy, vệ sinh khu vực rác thải, nước thải. 

Đó là một cuộc tổng vệ sinh lặp đi lặp lại, duy trì mỗi ngày trong suốt 10 năm qua. Cứ như vậy, chỉ số vi sinh tự nhiên biến mất sau đó. Bởi, vi sinh chỉ xuất hiện khi môi trường không đảm bảo. 

Hãy hình dung về mô hình vô trùng của một phòng phẫu thuật, bộ phận sản xuất của công ty chúng tôi cũng được hình thành với ý tưởng như vậy để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Tuyệt đối không dùng chất bảo quản.

- Như ông nói, dự kiến năm 2025, công ty sẽ có vùng nguyên liệu khoảng 350 ha, quá trình cải tạo đất đang thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Mọi thứ vẫn diễn ra từng bước theo đúng lộ trình.

Tuy nhiên, giá bất động sản tăng cao, nạn đầu cơ đất đang là cản trở rất lớn cho nông nghiệp. Ở nhiều vùng, giới đại gia mua 1-3-5 ha rồi để đấy. Họ không sử dụng đất làm gì cả nên cỏ mọc hoang, rất lãng phí.

Những khu đất đó lại thường có vị trí rất tốt. Người có tiền sẽ mua đất ở gần đường giao thông, gần hệ thống nước, nhưng chủ đất lại không có khả năng canh tác trên đất. 

Trái ngược, công ty nông nghiệp như chúng tôi muốn phát triển quỹ đất trồng phải đi vào vùng sâu hơn. Doanh nghiệp liên kết với người nông dân gặp bất lợi vì vị trí vận chuyển nguyên liệu xa hơn. Đất trồng ở xa nên việc chăm sóc ruộng khó khăn. 

Trước đây, công ty tính đi mua, tạo quỹ đất nông nghiệp nhưng giá đất tăng cao. Chúng tôi thay đổi chiến lược, doanh nghiệp hướng tới đầu tư tiền cho nông dân phát triển nguyên liệu trên chính mảnh đất của họ. 

Cụ thể, chúng tôi ứng trước tiền để được mua nguyên liệu sau này, ứng tiền cho người dân thi công đồng ruộng, ứng tiền cây giống, cam kết bao tiêu theo giá tối thiểu để nông dân sống được với cây nha đam. 

Nếu bà con muốn tăng diện tích trồng mà thiếu tiền thì công ty sẽ ứng vốn cho họ thông qua các hợp tác xã đầu mối. Tất nhiên, chúng tôi đứng sau, kiểm soát chặt danh sách vị trí ruộng trồng.

Tới nay, công ty đang liên kết với khoảng 500 hộ dân ở 4/6 địa phương của tỉnh Ninh Thuận. Nhiều gia đình đã thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/năm khi trồng nha đam. Đây là con số không nhỏ đối với bà con.

- Nhìn lại quãng thời gian hơn 10 năm gắn bó với cây nha đam và ngành nông nghiệp, ông thấy sao về quyết định chuyển nghề của mình?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Mọi thứ đang tạm ổn. Tôi nghĩ, giá trị gia tăng của ngành nha đam còn nhiều dư địa. Các nước Nam Mỹ, Nhật Bản đã làm rượu nha đam; Hàn Quốc có kem đánh răng, xà bông tắm, dầu gội đầu chiết xuất từ nha đam, xuất khẩu toàn cầu. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở thực phẩm.

Nha đam là loại cây dễ trồng, chịu được đất cát, nắng gió, nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng. Tôi muốn biến vùng đất cát hoang hoá tại Ninh Thuận thành những cánh đồng nha đam. 

Chúng tôi từng cải tạo thành công nhiều vùng đất bỏ hoang, tự làm hệ thống dẫn nước từ bờ sông vào cánh đồng; kéo đường điện; thuê xe ủi đá; đổ đất, mở rộng ruộng. Giờ đây, đó là những cánh đồng nha đam xanh.

Tôi mừng vì doanh nghiệp đang đi đúng mong ước ban đầu. GC Food là từ viết tắt trong tiếng Anh, nghĩa là “Golden Crops” - những vụ mùa vàng. 

Trong ký ức thủa nhỏ của tôi, mỗi mùa lúa chín, cánh đồng ngả màu vàng rất đẹp. Cánh đồng quê đó nuôi tôi lớn, nuôi gia đình tôi. Hình ảnh cánh đồng vàng tượng trưng cho một vụ mùa no ấm, mang lại hạnh phúc cho nông dân. 

Một công ty nông nghiệp tạo ra hạnh phúc cho người nông dân. Đó là đủ. 

Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Thực hiện: Trần Chung, ảnh: Nguyễn Huế, thiết kế: Minh Hoà