Chiều 21/7, Bộ NN-PTNT tổ chức "Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam". Tại sự kiện, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã đề cập về câu chuyện kháng sinh trong con tôm.

Theo đó, Việt Nam bị các nước nhập khẩu kiểm tra kháng sinh với tỷ lệ cao. Cụ thể, Nhật Bản kiểm tra 100% chỉ số kháng sinh của con tôm Việt. Các lô hàng phải đưa vào nhập kho, lấy mẫu kiểm, thủ tục nhập khẩu hàng vào nước bạn rất mất thời gian. Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản e ngại nhập khẩu tôm từ Việt Nam, khiến sản lượng xuất đi của chúng ta giảm. Trong khi, Thái Lan và Ấn Độ lại chỉ bị kiểm kháng sinh với tỷ lệ từ 20-30%.

Ông Quang kiến nghị, nhà chức trách cần làm việc với các nước, có chương trình gỡ bỏ hàng rào xuất khẩu này, bởi tự thân doanh nghiệp nội địa đã kiểm kháng sinh rất kỹ, lấy mẫu tận ao tôm, đảm bảo sản phẩm an toàn khi xuất khẩu.

Còn ông Lương Văn Tài, tùy viên thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho hay, một số lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam dính lỗi kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn.

Doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam không hề thua kém so với các quốc gia khác. 

Đây là lỗi thường gặp nhất của các doanh nghiệp. Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm nên hàng thuỷ sản Việt Nam có vi phạm cao trong nhóm các nước xuất khẩu thuỷ sản sang nước bạn.

Phản hồi các ý kiến trên, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Tiệp thông tin, cơ quan này thường xuyên lấy mẫu giám sát ở các vùng nuôi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mẫu vi phạm giảm nhiều, thể hiện tiến bộ tại các vùng nuôi.

Theo ông Tiệp, mỗi nước có chế độ kiểm tra khác nhau, Nhật Bản áp dụng kiểm tra tỷ lệ 100%, thì doanh nghiệp phải cung cấp báo cáo số liệu giám sát vùng nuôi, cộng với dữ liệu từ Bộ để chứng minh chất lượng con tôm cho người Nhật. Từ đó, cơ quan nước bạn mới thấy được tôm Việt Nam an toàn, không nên áp dụng chế độ kiểm kháng sinh 100% như hiện tại.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng khẳng định, Bộ thường xuyên kiểm tra hoặc nhận được thư của cơ quan chức năng từ các nước gửi về, nhất là từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm vi phạm an toàn thực phẩm bị nước bạn trả về là rất nhỏ, chỉ một vài doanh nghiệp. Số tôm không đảm bảo an toàn, gặp vấn đề dư lượng khi xuất khẩu ra thế giới có tỷ lệ rất nhỏ.

Dẫu vậy, ông Nam lo ngại, những lỗi nhỏ của tôm xuất khẩu Việt Nam đang bị thổi phồng, ảnh hưởng tới cạnh tranh quốc gia của ngành. Trong khi đó, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam không hề thua kém quốc gia nào, doanh nghiệp Việt đáp ứng ở tầm thế giới, đảm bảo quy trình công nghệ.

"Đừng có lấy tỷ lệ tôm vi phạm thấp mà đánh đồng toàn bộ chất lượng ngành tôm Việt Nam. Tham tán thương mại tại các nước cần trao đổi lại thông tin, bảo vệ hình ảnh sản phẩm tôm", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, diện tích nuôi tôm của Việt Nam khoảng 700.000ha. Từ đầu năm tới nay, chúng ta đã sản xuất khoảng 467.000 tấn tôm, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Dự báo, từ nay đến cuối năm, có trên 500.000 tấn tôm nữa được sản xuất.

Hiện, Bộ tập trung chỉ đạo truy xuất nguồn gốc tôm, xây dựng nguồn nguyên liệu, cấp mã số vùng nuôi, nhằm đảm bảo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu quốc tế.

Nguyễn Trần Chung, Phạm Duy Linh, Trương Thị Minh Hưng, Lê Thị Thúy Hồng