Sau loạt bài “Chìa khóa thu hút và giữ chân nhân tài”, Báo VietNamNet phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về những hiệu ứng của loạt bài cũng như các nội dung cốt lõi trong dự thảo đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài sắp được ban hành.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về câu chuyện thu hút và trọng dụng nhân tài mà các bộ ngành, địa phương đã triển khai trong thời gian qua?

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ nét trong thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ, trong hoạt động khoa học – công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Các chính sách này cũng đã được thể chế hóa tại các luật, nghị định, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.

Nhiều địa phương đã căn cứ tình hình thực tiễn để xác định trọng tâm thu hút nhân tài về làm việc phù hợp với nhu cầu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; thường tập trung vào lĩnh vực như y tế, kỹ thuật – công nghệ, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục… với những ưu đãi cụ thể như chính sách tuyên dương, vinh danh; chế độ tuyển thẳng không qua thi tuyển; ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, trợ cấp ban đầu...

Một trong những chính sách ưu đãi đang được nhiều tỉnh, thành triển khai đó là mức lương hấp dẫn bên cạnh nhiều ưu đãi khác và môi trường làm việc tốt; có địa phương áp dụng mức đãi ngộ khá cao so với mặt bằng chung để thu hút nhân tài về làm việc.

Có thể nói, chính sách thu hút nhân tài thời gian qua tại các địa phương bước đầu giúp thu hút được ngay người có trình độ cao về làm việc, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho một số ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thu hút, trọng dụng nhân tài tại nhiều địa phương hiện nay chưa đạt kết quả như mong muốn.

Tỷ lệ người có tài năng được thu hút vào làm việc chưa cao; việc giữ chân người tài ở lại làm việc cũng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, số lượng nhân tài người Việt Nam trở về nước làm việc còn rất hạn chế; tình trạng chảy máu chất xám trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Nguyên nhân thì có nhiều, một trong số đó là cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự đủ mạnh để thu hút nhân tài cả ở trong nước và từ nước ngoài về nước làm việc.

Vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài để thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Từ chủ trương của Đảng, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến trình cấp có thẩm quyền trong năm 2023.

Bộ trưởng có thể giới thiệu một số nội dung cốt lõi của dự thảo đề án này?

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, Bộ Nội vụ đã rất khẩn trương, thận trọng trong việc xây dựng đề án này. Đây là đề án khó, đề án tích hợp của 3 đề án thành phần; có phạm vi rộng, đối tượng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.

Đến nay, dự thảo đề án đã nhiều lần được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, bộ ngành, địa phương và đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới.

Dự thảo đề án đã đưa ra khái niệm thống nhất về nhân tài; từ đó, xác định rõ nguồn tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ 4 nhóm.

Một là học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hai là những người có học vị, học hàm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn.

Ba là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ.

Bốn là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.   

Với quan điểm việc xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện về môi trường làm việc, bố trí, sử dụng, đãi ngộ đối với nhân tài, trong đó chính sách trọng dụng là mấu chốt để thu hút nhân tài, chúng tôi đề xuất xây dựng khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài một cách toàn diện.

Khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài mà Bộ Nội vụ đề xuất trong dự thảo đề án gồm những gì, thưa Bộ trưởng?

Theo dự kiến, khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được áp dụng đối với các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý; kinh tế; khoa học - công nghệ; an ninh - quốc phòng; ngoại giao; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa - nghệ thuật; thể dục - thể thao.

Trong đó bao gồm các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng nhân tài, đặc biệt lưu ý đến việc bố trí công việc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với tài năng, cống hiến của nhân tài cũng như các chính sách đột phá trong quy hoạch, bổ nhiệm đối với nhân tài làm việc trong hệ thống chính trị.

Ngoài ra, còn có các chính sách về khen thưởng, tôn vinh; ưu đãi, đãi ngộ nhà ở, chế độ tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú đối với nhân tài Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc...

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới, cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu quả, thực tài để xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại để nhân tài sau khi được thu hút gắn bó làm việc lâu dài.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất nghiên cứu cơ chế hợp đồng phù hợp để nhân tài Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hợp tác, làm việc ngắn hạn hoặc lâu dài tại Việt Nam; cơ chế để nhân tài Việt Nam tại nước ngoài hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước nhằm tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới..

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề án đặt ra, đưa các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực chất, theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp gì?

Giải pháp trên hết, trước hết theo tôi là phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là của người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong sử dụng, thực hiện chính sách đối với nhân tài.

Trong đó, phải nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và đất nước; thấy rõ vị trí, vai trò, cống hiến và đóng góp to lớn của nhân tài; phải thật sự coi trọng nhân tài, phát huy tính tích cực, năng lực sáng tạo, đổi mới của nhân tài; cần có quy định trách nhiệm trong phát hiện, tiến cử nhân tài.

Tiếp theo là cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài như tôi đã đề cập.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời các trí thức, thanh niên, sinh viên người Việt Nam tại New York trong chuyến công du đến Mỹ vào tháng 5/2022: “Để thu hút được nhân tài vào khu vực công phải giải quyết 2 vấn đề quan trọng. Đó là lợi ích về vật chất và tinh thần của người đi làm. Nếu nơi nào giải quyết 2 vấn đề này thì thu hút được nguồn lực chất lượng cao”.

Do đó, chúng tôi cho rằng, các chính sách đãi ngộ phải thực sự đủ mạnh; đi đôi với đó là phải đổi mới công tác bố trí, sử dụng, tôn vinh nhân tài; tạo lập môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại; để từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất về vật chất, tinh thần để nhân tài yên tâm, có động lực làm việc, cống hiến.

Vừa qua VietNamNet triển khai loạt bài “Chìa khóa thu hút và giữ chân nhân tài”, trong đó có nhiều đề xuất khá tâm huyết gửi đến Bộ Nội vụ. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những góp ý, đề xuất đó trong loạt bài này?

Các câu chuyện cũng như những đề xuất nêu trong loạt bài của Báo VietNamNet cũng chính là chất liệu thực tế, là những vấn đề mà chúng tôi trăn trở, đặt ra trong dự thảo đề án. Trong đó, tôi đồng tình với quan điểm là phải có chính sách đãi ngộ vượt trội đối với nhân tài.

Tuy nhiên, tiền lương, thu nhập chưa phải là tất cả để thu hút, giữ chân nhân tài; các yếu tố như môi trường sống, môi trường làm việc, các cơ hội phát triển, nhu cầu cống hiến và sự công nhận… là những yếu tố quan trọng không kém để thu hút, giữ chân nhân tài.

Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Nhân tài là lớp người rất đặc biệt nên cách thức sử dụng nhân tài phải "khéo”.

Tất cả những vấn đề nêu trên chúng tôi đang cố gắng để cụ thể hóa một cách đầy đủ nhất tại Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mong muốn huy động, phát huy được sự đóng góp, cống hiến của nhân tài Việt Nam cả trong và ngoài nước vào quá trình phát triển đất nước. Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra là đến năm 2045, đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ Nội vụ và ngành nội vụ, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, phối hợp rất tốt của các phương tiện truyền thông, báo chí và nhất là Báo VietNamNet đối với những áp lực, khó khăn cũng như những nỗ lực của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ thời gian qua.

Tôi hy vọng, Báo VietNamNet sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Nội vụ, ngành nội vụ trong công tác thông tin, tuyên truyền tới Nhân dân, bạn đọc về các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, trong đó có vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài.

Thu Hằng thực hiện

Thiết kế: Cúc Nguyễn 

Ảnh: Hoàng Hà - Nhật Bắc

Phải thu hút nhân tài từ trong 'trứng nước'

Phải thu hút nhân tài từ trong 'trứng nước'

Việc thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt “nhân tài trẻ” cần phải có sự chú trọng nhất định. Khi giải quyết được những điểm nghẽn về thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến và sáng tạo thì “cánh cửa” cho nhân tài mới thực sự rộng mở.