Chia sẻ với PV VietNamNet bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc nhân tài chưa mặn mà về cống hiến cho ngành y Thủ đô.
- Từ năm 2013 khi Nghị quyết 14 HĐND TP Hà Nội về trọng dụng nhân tài được ban hành đến nay, ngành y Thủ đô đã tuyển dụng được bao nhiêu trường hợp theo cơ chế này, thưa bà?
Hà Nội luôn có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài là những thủ khoa xuất sắc ở những trường đại học, học viện và cả chuyên gia giỏi về làm việc ở tất cả lĩnh vực, trong đó có ngành y tế. Riêng ngành y, chúng tôi đã xây dựng đề án phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu các bác sĩ nội trú. Đề án này đã phát huy hiệu quả nhất định trong những năm qua.
Tuy nhiên, các chính sách đãi ngộ nhân tài hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn và không bắt kịp với sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân. Do vậy, chúng ta phải có sự đổi mới chính sách đãi ngộ cho cán bộ ngành y tế.
Thực tế, quan điểm của chúng tôi, dù y tế tư nhân hay công lập cũng đều phục vụ người dân. Tuy nhiên, cơ sở y tế công lập còn có nhiệm vụ phục vụ bệnh nhân nghèo, yếu thế, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ở hệ thống y tế công lập, người dân cũng được đối xử công bằng hơn trong các dịch vụ y tế.
- Báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội cho thấy, những năm qua, thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học, học viện không mặn mà về Thủ đô làm việc. Ngành y tế Hà Nội có cùng chung cảnh ngộ này?
Trong những năm qua, chúng tôi thường xuyên tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao như thủ khoa các trường đại học, sinh viên đạt giải trong kỳ thi của ngành y tế. Tuy nhiên, sau khi tuyển dụng, về làm việc ở Hà Nội được một thời gian, có tình trạng các em xin thôi việc.
Nhiều người có thể họ không ra cơ sở y tế tư nhân làm việc, mà chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương, những bệnh viện chuyên sâu.
- Họ xin nghỉ việc vì lý do gì, thưa bà?
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, cơ hội được thăng tiến, được cống hiến cũng chưa đáp ứng so với mong muốn của nhiều người. Ví dụ, để phát huy hết năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao, cần phải đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế cho bệnh viện.
- Là người đứng đầu ngành y Thủ đô, theo bà, làm cách nào để khắc phục tình trạng nhân tài chưa mặn mà về đầu quân, chuyên gia giỏi chia tay không hẹn ngày trở lại như thời gian vừa qua?
Với mỗi nhân viên y tế ở bất cứ môi trường nào, dù công lập hay tư nhân, kể cả tuyến huyện hay trung ương, họ luôn mong muốn làm công tác chuyên môn, phục vụ người bệnh.
Do vậy, nếu chúng ta xác định được rõ nguyên nhân, tìm ra được giải pháp căn cơ thì tôi tin rằng những khó khăn về nhân lực của ngành y tế sẽ được khắc phục.
Với các cơ sở y tế công lập cần phải có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thu hút nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, ngoài những chính sách về mặt tài chính, cũng cần môi trường làm việc văn minh; chính sách đãi ngộ về vị trí việc làm, như việc cân nhắc bổ nhiệm cũng rất quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải biểu dương, khích lệ những cán bộ có thành tích trong công việc.
Khi cởi được nút thắt về tài chính, chính sách đãi ngộ, thì việc thu hút nhân tài, nhân lực cho ngành y tế dễ dàng hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn bà!