Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị để bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước liên tục, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, hiệu lực, hiệu quả.

Sáng 3/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp để giới thiệu nhân sự và bầu Tổng Bí thư.

Căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở định hướng giới thiệu nhân sự của Bộ Chính trị, Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư.

Trong phát biểu trước Trung ương sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hứa sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và "tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh".

Phát biểu trước báo giới trong nước và quốc tế sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư đã đề ra 6 trọng tâm:

Một là giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không ngừng tăng cường đóng góp của Việt Nam vào hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Hai là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ba là tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bốn là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm, phát huy cao nhất giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sáu là ưu tiên tập trung chỉ đạo có hiệu quả, chất lượng các văn kiện; công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội 14 của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Đầu năm 2019, ông được thăng quân hàm lên đại tướng, trở thành người thứ tư trong lịch sử công an nhân dân mang quân hàm cao nhất. Ngày 22/5/2024 ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.  

Sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư, đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã bầu Thường trực Ban Bí thư Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu trước Quốc hội, cử tri và nhân dân, Chủ tịch nước chia sẻ, gần 50 năm phục vụ cách mạng, được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trưởng thành từ người chiến sĩ đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, dù ở cương vị nào, làm nhiệm vụ gì, ông cũng "luôn kiên định, vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ".

Chủ tịch nước khẳng định "sẽ tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".

Ông cho biết sẽ tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xây dựng củng cố thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Chủ tịch nước Lương Cường 67 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ; Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Lương Cường nhập ngũ từ năm 1975. Trong gần 50 năm binh nghiệp, ông chủ yếu phụ trách công tác chính trị, công tác Đảng. Ông từng làm Chính ủy Quân đoàn 2, Chính ủy Quân khu 3. Năm 2011, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và 5 năm sau làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tháng 1/2019, ông Lương Cường được thăng quân hàm lên đại tướng.

Ngày 16/5/2024, Đại tướng Lương Cường được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư.

Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2024, với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn xác định phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đồng thời khẳng định nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn 62 tuổi, quê quán huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, là tiến sĩ Kinh tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng 11, 12, 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 13, 14, 15.

Ông từng làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, Bí thư Tỉnh đoàn Cần Thơ, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tháng 4/2021, ông Mẫn được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Ngày 2/5/2024, ông được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt, năm qua nhiều vị trí lãnh đạo trong các Ban Đảng, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cũng được kiện toàn như: Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Trịnh Văn Quyết; Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính....

Ban Thời sự