Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tính đến ngày 30/10, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý 247 tổ chức đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc liên quan đến vụ án Phúc Sơn, tập đoàn Thuận An, Công ty AIC.

Trong đó, chỉ riêng liên quan đến các vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An và tập đoàn Phúc Sơn đã thi hành kỷ luật 58 tổ chức đảng, 86 đảng viên, trong đó có 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố 3 bị can là cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ngoài ra, các cơ quan đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm, trong đó có vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty, đơn vị có liên quan (giai đoạn 2).

Vụ án này vừa được đưa ra xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm. Trong đó, tổng hợp hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan phải nhận án tử hình.

Đáng chú ý, trong số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật trong năm 2024, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Bộ Chính trị đã kỷ luật cảnh cáo 2 nguyên lãnh đạo chủ chốt. Đó là nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cụ thể, ngày 13/12/2024, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật 3 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ông Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật cảnh báo.

Lý do là ông Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Trước đó, vào đầu năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng - an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã họp bất thường thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, ngày 21/11/2024, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Lý do là trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Trước đó, ngày 26/4/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15.

Ngày 2/5/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng vừa kỷ luật cảnh cáo ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai (nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Bà Mai cũng đã thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, nghỉ công tác, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 vào giữa tháng 5/2024.

Những con số, những trường hợp bị kỷ luật kể cả nguyên lãnh đạo chủ chốt cùng với các đại án tham nhũng được đưa ra xét xử trong năm 2024 là minh chứng cho quyết tâm “nói và làm” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"; "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Sự quyết tâm, tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Ngày 14/8, tại phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 3 yêu cầu:

Một là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ba là, đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Tại cuộc họp vào cuối tháng 10/2024, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã công bố các quy định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực (bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống lãng phí với trọng tâm của phòng chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công).

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó là xây dựng văn hóa, chống lãng phí trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá là rất đúng, rất trúng và mong chờ sớm chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.