Đặng Lê Gia Uyên là học sinh Trường THCS Phú Đô (Nam Từ Liêm). Vài ngày trước, Uyên đã hoàn thành bài thi vào trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn và Chuyên Sư phạm. Chưa hài lòng với bài làm của mình, Uyên quyết tâm dồn sức vào kỳ thi ngày mai. Nguyện vọng 1 của nữ sinh là vào Trường THPT Mỹ Đình. Năm ngoái, mức điểm chuẩn vào trường này là 40, khá cao so với các trường trong khu vực.

“Giai đoạn nước rút, em đi học thêm khá nhiều, mỗi tuần khoảng 13 – 14 buổi”, Uyên nói. Nhiều ca trong số đó, nữ sinh học 1 kèm 1 với gia sư. Có ngày, Uyên học tới 3 ca liên tiếp. Sau khi về nhà, nữ sinh tiếp tục tự học tới 2 – 3 giờ sáng. “Không còn thời gian để ngủ” là tình trạng Uyên thường xuyên gặp phải trong giai đoạn này.

Nhà ở khu An Khánh (Hoài Đức), cách trường hơn 10km, nữ sinh nói thường xuyên phải tranh thủ ăn và ngủ trên xe khi bố mẹ đưa đón.

“Giai đoạn này quả thực rất mệt và đuối, nhưng đổi lại để đỗ được vào ngôi trường mong muốn, em cũng chấp nhận”, Uyên nói.

Ngày mai, Uyên và gần 110.000 học sinh khác tại Hà Nội bắt đầu bước vào kỳ thi lớp 10 đầy cạnh tranh. Còn một ngày trước “giờ G”, thay vì nghỉ ngơi, Uyên quyết tâm tận dụng thời gian còn lại để không hoài phí.

“Hôm qua, em đã học nốt buổi học thêm cuối cùng của môn Toán. Tối nay, em vẫn còn ca học tiếng Anh để chuẩn bị cho buổi thi ngày mai. Vì không gian ở nhà khó tập trung nên em đã xin mẹ và cô cho ra quán cà phê ngồi học”, Uyên kể.

Những ngày này, giống như nhiều phụ huynh khác, bố mẹ Uyên cũng “bật chế độ” đi nhẹ, nói khẽ để không làm phiền con ôn luyện.

“Mẹ chăm lo cho em từ chế độ sinh hoạt đến việc ăn uống. Thực đơn trong các bữa cũng được mẹ thay đổi đa dạng với nhiều món em thích. Em rất biết ơn bố mẹ vì đã đồng hành cùng mình trong giai đoạn đầy căng thẳng này”, nữ sinh Trường THCS Phú Đô nói.

Thi lớp 10   giáo dục   Hà Nội (22).jpg
Thí sinh tranh thủ học bài trong buổi làm thủ tục thi vào lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Thạch Thảo)

Giống như Uyên, Lê Trần Anh Thư, học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung cũng bận rộn không kém. Đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Hưng Đạo – ngôi trường có tỷ lệ chọi cao thứ 3 của Hà Nội năm nay, Thư phải lên “dây cót” ôn tập từ cuối năm lớp 8.

“Lịch học của em giai đoạn nước rút này khá dày đặc. Ngoài hai buổi ở trường, tối nào em cũng đi học thêm, trừ Chủ nhật. Về nhà, em cũng chỉ dám nghỉ một chút rồi lại ngồi vào bàn, có hôm tới 1 – 2 giờ sáng mới đi ngủ”.

Nhà gần trường, nhưng sợ con không đảm bảo sức khỏe, thay vì để con tự đi bộ, mẹ Thư luôn chủ động đến trường đón con. Trước 18h30, chị dọn sẵn cơm canh, hoa quả để con nghỉ ngơi, ăn uống sau đó tiếp tục đi học thêm.

Thư nói mình may mắn vì nhà gần nên vẫn có thời gian ngơi nghỉ. Nhiều bạn học của em do nhà ở xa, thường tranh thủ ăn bánh mì, xúc xích ngoài cổng trường hoặc ăn ngay trên xe, lúc di chuyển tới lớp học thêm. Dẫu vậy, vì ôn thi căng thẳng, Linh vẫn giảm gần 3kg. Thi thoảng, nữ sinh cũng bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa.

Nhưng thời gian này, Thư cảm thấy may mắn vì có bố mẹ đồng hành. “Trước đây, bố mẹ hay vào phòng em, còn giai đoạn gần thi, bố mẹ rất ít vào hoặc khi vào sẽ gõ cửa để không làm ảnh hưởng đến việc học của em. Mẹ cũng thường hỏi em muốn ăn gì để mẹ nấu. Thi thoảng, bố mẹ còn đưa cả nhà đi ăn ngoài để em cảm thấy vui vẻ, không áp lực vì chuyện thi cử”.

Dẫu có mệt mỏi, Thư nói vẫn cố gắng tranh thủ ôn tập đến ngày cuối cùng để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn.

Còn với Vũ Xuân Thành, học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình), lại lựa chọn nghỉ ngơi trong giai đoạn sát ngày thi.

“Những ngày này, kiến thức như bị bão hòa, em học mãi không vào nên quyết định không học nhiều nữa, để tâm trạng được thả lỏng và thật thoái mái”, Thành nói.

Có nguyện vọng vào Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), ngôi trường có tỷ lệ chọi cao nhất ở Hà Nội năm nay, dù lo nhưng Thành vẫn tin tưởng “nếu giữ vững phong độ, em nghĩ mình có cơ hội đỗ”.

Trước đó, Thành cũng “dồn sức” cho các môn quan trọng. Nhưng không chọn cách thức khuya như nhiều bạn, Thành phân bổ thời gian học theo ca và tranh thủ học trong các khoảng thời gian rỗi. “Mỗi ngày, em học khoảng 12 – 13 tiếng. Sau khi tan học ở trường, em sẽ tạt về nhà ăn tối rồi tiếp tục đi học thêm”.

Năm cuối cấp, Thành tăng hơn 1kg vì được mẹ bồi bổ nhiều và không phải làm việc nhà. “Tuy nhiên, cũng vì chỉ tập trung ngồi học, ít vận động nên cảm giác cơ thể của em cũng chậm chạp, ì ạch hơn”.

Nam sinh kỳ vọng, bằng việc “thả lỏng người, không tạo căng thẳng”, em sẽ giữ phong độ và làm thật tốt bài thi ngày mai.

Sáng mai (8/6), kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội bắt đầu với môn Ngữ văn (hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút). Buổi chiều cùng ngày thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ (hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút). Sáng ngày 9/6, thí sinh dự thi môn Toán (hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút). Với gần 110.000 em đăng ký thi lớp 10, chỉ có 81.000 em sẽ vào được các trường công lập.

infoe.jpg

>>>Coi điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 chính thức của các tỉnh<<<