Môn Ngoại ngữ

Cô Nguyễn Thị Mai Hương (giáo viên Tiếng Anh trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, việc có được kỹ năng làm bài sẽ giúp các học sinh tự tin và chắc chắn hơn với mỗi lựa chọn của mình. 

Để có được điểm số tối ưu, cô Hương cũng lưu ý một số điều các em cần chuẩn bị trước cũng như trong quá trình làm bài thi. Trước khi thi, thí sinh cần:

- Nghỉ ngơi trước ngày thi, đặc biệt cần ăn ngủ đủ giấc để đầu óc đủ tỉnh táo vào ngày thi.

- Chuẩn bị đồ dùng: Bên cạnh các giấy tờ tuỳ thân, các em đừng quên 3 loại đồ dùng bắt buộc phải có với môn tiếng Anh gồm bút bi, bút chì (loại đã dùng quen, có thể tô đủ đậm), tẩy (loại tẩy thật sạch).

W-IMG_9789.JPG.jpg
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Thanh Hùng.

Khi vào phòng thi, thí sinh sẽ nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, nháp và đề thi. Các em cần lưu ý các bước như sau:

- Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm và nháp: Mỗi học sinh chỉ được phát 1 phiếu trả lời trắc nghiệm, nên hãy chờ hướng dẫn rõ và điền thông tin theo yêu cầu của giám thị. 

- Khi nhận được đề thi: Cần kiểm tra các thông tin về số trang; mã đề trên các trang phải khớp nhau; các câu hỏi phải được in rõ, không bị in mờ, in lỗi; ghi và tô mã đề vào phiếu trả lời trắc nghiệm ngay trước khi làm bài.

- Khi làm bài: Luôn đọc kỹ đề và 4 đáp án (gạch chân keywords, loại trừ từng đáp án. Thí sinh lưu ý bài thi có 45 câu, thời gian làm bài 60 phút nên không cần vội vàng; câu nào khó quá hãy bỏ qua nhưng nhớ đánh dấu lại, còn thời gian sẽ quay lại làm sau. Các em cũng có thể làm trực tiếp vào đề, sau đó chuyển câu trả lời vào phiếu trả lời trắc nghiệm. 

- Khi làm xong bài, cần dành khoảng 5 phút cuối để soát bài và những thông tin sau: Thông tin cá nhân và mã đề; đáp án có bị tô lệch hay không; có tô hơn 1 đáp án cho mỗi câu hỏi hay không (mỗi câu hỏi chỉ có 1 đáp án đúng); có tô sót câu nào hay không.

Môn Toán

Với môn Toán, thầy Đặng Văn Thủy (giáo viên trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho hay, các sĩ tử không nên làm theo trình tự lần lượt các câu trong đề mà ưu tiên làm các câu dễ và quen thuộc trước. Sau đó, các em mới làm các câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Làm đến đâu, các em chú ý sửa các lỗi bản thân hay mắc phải, đã được chỉ ra trong quá trình ôn tập và qua các bài kiểm tra khảo sát.

“Sau khi làm hết các câu dễ, quen thuộc thí sinh cần kiểm tra lại tổng thể một lần nữa, khi chắc chắn rồi mới chuyển sang các câu khó hơn. Khi gặp câu hỏi khó, lạ, học sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, liên hệ với những gì đã được học để tìm điểm chung, điểm tương tự; từ đó tìm ra hướng giải”, thầy Thủy nói. 

Thầy Thủy khuyên các sĩ tử cần chú ý 'nhặt điểm', bởi đáp án chia nhỏ đến 0,25 điểm nên cần cố gắng làm để lấy từng mốc 0,25 điểm, chứ không nhất định phải làm được trọn vẹn câu nào đó mới viết vào bài thi. 

Môn Văn

Cô Ngô Thu Mỹ (giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khuyên thí sinh cần ý thức làm bài cẩn trọng trong từng khâu, từng bước, để tránh mất ‘oan’ những điểm số, dù nhỏ nhất.

Với bài thi chính thức, các em cần tỉnh táo đong đếm, tính toán cho từng dạng câu hỏi. Các em cần tập trung thời gian, trí tuệ hơn cho những câu nhiều điểm.

Sĩ tử lưu ý trình tự trong từng bước làm bài: Đọc đề, xác định yêu cầu, xây dựng ý trả lời trước khi chính thức viết vào bài thi. 

“Bởi nếu viết xong các em mới phát hiện ra mình quên một hay một vài ý nào đó thì thật tệ hại”, cô Mỹ nói.

Đặc biệt các em cần chuẩn thao tác viết, không bổ sung tùy tiện. “Nếu điều gì đó không thực sự quan trọng, các em viết xong là xong. Bởi bổ sung thêm chẳng khác nào bạn ‘vạch áo cho người xem lưng’. Các thầy cô giáo thường ưa thích các học trò làm việc khoa học và các bài thi cũng vậy. Vì vậy, các em chỉ cầm bút viết vào bài thi khi đã chắc chắn câu trả lời. Các em nên nhớ rằng thời gian thi 120 phút là đủ cho các em cẩn trọng”.

>>>Tra cứu kết quả thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<