Video: Bệnh viện dã chiến 2.4 vượt khó trong huấn luyện

Ngày cuối tháng 4, Thiếu tá, bác sĩ Bùi Thị Thu Trang (khoa Phụ Sản, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) bận rộn với những công việc riêng trước khi chị phải “cấm trại” để chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ vào giữa tháng 5/2022.

Thiếu tá Bùi Thị Thu Trang là một trong 12 nữ quân nhân thuộc đội hình Bệnh viện dã chiến 2.4 chuẩn bị xuất quân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Trải qua thời gian học tập, huấn luyện nghiêm khắc, các bác sĩ có đầy đủ năng lực cũng như kiến thức chuyên môn, chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lực lượng quân y thuộc Bệnh viện dã chiến 2.4 nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình có người đã tham gia hai lần, nhưng phần lớn mới tham gia lần đầu. Có người còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 - đang đặt những bước chân đầu tiên trên con đường cứu người nhưng cũng có người đã tuổi tứ tuần - độ tuổi vừa chín của sự nghiệp như Thiếu tá Thu Trang. Nhưng tựu chung lại họ vẫn nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng và không ngại dấn thân dù biết sẽ có muôn vàn gian khó phía trước.

Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, từ khi ngồi trên ghế nhà trường chị Trang đã có ước mơ trở thành bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ về phụ sản và nhi. “Tôi thích trẻ con, thích được nhìn thấy những em bé ra đời, rồi khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của những người cha, người mẹ chào đón thành viên mới, niềm hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt họ khiến tôi không khỏi xúc động. Vì thế, ngay từ khi học cấp 3 tôi đã định hướng cho bản thân theo nghề y, quyết tâm sau này phải làm bác sĩ”, chị Trang nói về cơ duyên đến với nghề cứu người.

Tốt nghiệp trường THPT chuyên Lương Văn Tụy nổi tiếng ở Ninh Bình, với thành tích học tập xuất sắc, cô gái nông thôn chuyên hóa Bùi Thị Thu Trang được tuyển thẳng vào ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội. 6 năm trên giảng đường hăng say với những bài giảng, vươn sức trẻ với những hoạt động đoàn hội, chị Trang đã có được bảng điểm mà chị khiêm tốn nhận là “khá ổn”. Đặc biệt, tại kỳ thi tốt nghiệp niên khóa đó chị là một trong hai người nhận được điểm 10.

Năm 2006-2007, trước chủ trương thu hút nhân lực ngoài khối quân đội của bệnh viện Quân đội 108, chị Trang quyết định nộp hồ sơ, thử thách bản thân mình với hy vọng được phục vụ trong quân ngũ. Ban giám đốc bệnh viện ấn tượng với thành tích khi còn đi học cùng với khả năng trả lời lưu loát lúc phỏng vấn, cô nữ sinh vừa ra trường chính thức trở thành bác sĩ quân y. Đến nay chị đã có gần 15 năm trong nghề, là “bà đỡ mát tay” đưa hàng nghìn thiên thần nhỏ đến với các gia đình.

Bố mẹ Thiếu tá Thu Trang tự hào vì từ trước tới nay trong gia đình chưa có ai công tác trong lĩnh vực quân đội.

Nói về việc tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, người mẹ 3 con bày tỏ “tôi đã 40 tuổi so với hàng ngũ các đồng nghiệp cũng không phải trẻ, các con tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng khi Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiệm vụ, tôi sẵn sàng lên đường”.

Mạnh mẽ không kém những đồng nghiệp, nhưng ngoài đời chị cũng như bao người phụ nữ khác, cũng là mẹ, là vợ của gia đình. Bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ, không tránh khỏi băn khoăn lo lắng việc ở nhà. Nhưng chị may mắn hơn khi có “hậu phương” vững chắc, gia đình luôn là điểm tựa để chị yên tâm lên đường.

“Chồng tôi lúc đầu nhận tin có hơi sốc một chút nhưng cũng thông cảm vì bình thường công việc của tôi cũng bận rộn nhiều. Các con tôi lúc đầu không muốn tôi đi nhưng sau khi nghe tôi giải thích các bạn dần chấp nhận.

Bố tôi cũng thế, lúc đầu cụ cũng không yên tâm nhưng nhận thấy đây là niềm vinh dự không phải ai cũng có được, nên ông hiểu và vô cùng tự hào. Em trai tôi thuộc lớp người trẻ lại ủng hộ tôi nhiệt tình và cho rằng đây là cơ hội để tôi thử thách bản thân, là sự trải nghiệm đáng nhớ”, chị Trang nói đến những người thân yêu khi biết tin chị nhận nhiệm vụ.

Để nỗi lo các con thiếu vắng mẹ vơi bớt nên trước khi đi chị đã tìm hiểu gói cước di động 50 USD mỗi tháng liên lạc nói chuyện với các con hàng ngày.

Là người nhận quyết định tham gia bệnh viện dã chiến 2.4 cuối cùng trong số 70 sĩ quan, chị Trang cũng là nữ bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

“Thân gái dặm trường” đến một đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, môi trường làm việc, chưa kể nơi ấy tiếng súng nhiều hơn cơm gạo, đói nghèo, những khó khăn ấy đều đang chờ đợi những nữ quân nhân Việt Nam như chị Trang.

Nhưng phụ nữ Việt Nam đâu yếu đuối, họ vốn mạnh mẽ vô cùng, sẵn sàng tạm gác hạnh phúc cá nhân, vững vàng đảm đương sứ mệnh đặc biệt của những chiến sĩ mũ nồi xanh ở một địa bàn mà ngay cả với nam giới cũng không phải dễ dàng gì. 

“Tôi nhận quyết định vào ngày 15/7/2021, như vậy trong khi những đồng nghiệp huấn luyện từ 1 năm đến 1,5 năm, còn tôi chỉ có vài tháng để học hết những kỹ năng, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc”, chị Trang kể.

Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, những y bác sĩ phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài, không có sự phân biệt nam nữ. Từ những kiến thức, quy định của Liên Hợp Quốc về quyền con người, cấp cứu bệnh nhân trong thảm họa, Luật giao tranh, Luật quốc tế, kỹ năng sinh tồn, tìm hiểu về văn hóa chính trị nước sở tại… Khó khăn càng thêm khi dịch Covid-19 ảnh hưởng không ít đến việc huấn luyện của các y bác sĩ.

Đến vùng đất đang nội chiến với khí hậu khắc nghiệt, có khi lên tới hơn 50 độ C, nhiều dịch bệnh, chị Trang cùng các y bác sĩ, cán bộ bệnh viện dã chiến được huấn luyện khả năng sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm. Đợt tập huấn có vai trò quan trọng trong công tác chuẩn bị đánh giá khả năng của lực lượng trước khi các bác sĩ lên đường. Họ quan niệm “hôm nay thao trường đổ mồ hôi, ngày mai chiến trường ít đổ máu”.

Ngoài yếu tố chuyên môn, các y bác sĩ còn phải vượt qua những bài kiểm tra tiếng Anh gắt gao. Mục tiêu của họ là có thể sử dụng ngôn ngữ này thành thạo để trực tiếp trao đổi với bệnh nhân, chuyên gia nước ngoài. Đây cũng là trở ngại lớn nhất với Thiếu tá Bùi Thị Thu Trang. Nữ bác sĩ 40 tuổi trước kia chỉ được học tiếng Pháp, nay học thêm tiếng Anh chị gần như bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên nhờ sự cố gắng “học ngày học đêm, trong suốt 4 tháng”, sự giúp đỡ từ đồng nghiệp chị đã hoàn thành được mục tiêu và đang học thêm, nói chuyện được với giáo viên, đọc được tài liệu nước ngoài.

Không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ các nữ quân nhân của bệnh viện dã chiến mang đến cho sự mến mộ, cảm phục bởi các chị còn có những năng khiếu, tài lẻ khác nhau.

Trước khi lên đường, các chị được học một khóa với những tiết mục dân tộc đủ 3 miền Bắc-Trung-Nam... Hành trang mang theo trước lúc lên đường không thể thiếu là những tà áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, những điệu múa, các tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Chị cho biết: "Vào những ngày lễ của Liên Hợp Quốc, của các đơn vị bạn hay những ngày truyền thống của dân tộc Việt Nam, chúng tôi sẽ biểu diễn, múa để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế". Những tiết mục như trống đồng, nhảy sạp của đồng bào dân tộc phía Bắc, vũ khúc gà rừng của đồng bào Tây Nguyên... được các sĩ quan luyện tập công phu.

Mục đích của hoạt động này là giúp các nữ quân nhân tự tin tham gia biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ trong hoạt động giao lưu với sĩ quan quân đội các quốc gia khác, có các kỹ năng mềm thể hiện những nét đặc trưng, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhiều tài năng.

Năm nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 còn có điểm mới hơn so với những bệnh viện triển khai trước, khi các y bác sĩ được học thêm những khóa ngắn hạn về làm các sản phẩm bưu thiếp giấy, tranh lụa vụn… Mục đích để tặng bạn bè quốc tế, ngoài ra còn có thể hướng nghiệp cho phụ nữ sở tại, người nhận có thể không nhớ mặt, nhớ tên các chị nhưng họ biết đó là món quà từ người Việt Nam.

Những nữ quân nhân như chị Trang đã tạm gác lại vai trò của người mẹ, người vợ, mang theo tinh thần người lính, trái tim nhân hậu, yêu thương của người phụ nữ Việt Nam lên đường nhận sứ mệnh cao quý của người thầy thuốc quân y, của lực lượng gìn giữ hòa bình. Họ chính là những “cô Tấm” thời nay với các phẩm chất thủy chung, dịu dàng, đằm thắm, trí tuệ và bản lĩnh với lòng nhân hậu, bao dung…

Trần Thường - Ảnh: Phạm Hải, Cục GGHB Việt Nam - Video: THQP

Thiết kế: Nguyễn Ngọc

Phút chia xa của cặp vợ chồng cùng lên đường gìn giữ hòa bình

Phút chia xa của cặp vợ chồng cùng lên đường gìn giữ hòa bình

Nhiều sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam phải gửi con cho ông bà hoặc nhờ vợ "vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm con" để lên đường làm nhiệm vụ ở châu Phi.
Chủ tịch nước bắt nhịp cùng hát với 247 sĩ quan mũ nồi xanh, căn dặn 'ra quân thắng lợi'

Chủ tịch nước bắt nhịp cùng hát với 247 sĩ quan mũ nồi xanh, căn dặn 'ra quân thắng lợi'

Chủ tịch nước nhắn nhủ 247 sĩ quan lên đường nhận nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc "chân cứng đá mềm, vạn dặm bình an và ra quân thắng lợi, tiếp tục làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế”.
Chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam là sứ giả của hòa bình và tiến bộ

Chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam là sứ giả của hòa bình và tiến bộ

Người dân ở các nước Châu Phi ghi nhận những nhận sĩ quan Việt Nam là lực lượng cao cả, vì sự tiến bộ, vì hòa bình của đất nước họ.