Ông Dương Quốc Cường, Trạm phó Trạm tiếp viên đường sắt Hà Nội (Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) cho biết, tối giao thừa năm nay có 8 tổ tàu với hơn 160 cán bộ, công nhân viên (lái tàu, thợ kỹ thuật, nhân viên phục vụ ăn uống, nhân viên phục vụ hành khách) đón giao thừa trên đường.
Tàu SE1 Hà Nội- TP.HCM khởi hành từ ga Hà Nội lúc 10h20 là chuyến cuối cùng trong đêm giao thừa. Tàu có 90 hành khách, trong đó 27 người đi Huế, 1 người đi Sài Gòn, 2 người đi Đà Nẵng, còn lại đi Vinh, Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Bình…
Chuẩn bị cho đoàn tàu khởi hành, 11 nhân viên mặt đất phải khẩn trương dọn vệ sinh, thay chăn ga mới, kiểm tra máy móc… trong 2 giờ đồng hồ để kịp đón khách.
Theo ông Cường, anh em nhân viên cũng có tâm tư vào đêm cuối năm nhưng do đặc thù công việc nên đều tuân thủ, chấp hành. Năm nay, khách đi tàu nhiều hơn, lịch đi làm nhiều hơn nên anh em được nghỉ Tết với người thân, gia đình ít đi. Thế nhưng, họ đã nhận được sự động viên từ các cấp công đoàn, chuyên môn nên vui vẻ nhận nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Văn Đúng (sinh năm 1973, quê Nam Định) cho biết, anh làm công việc thay chăn ga trên tàu 10 năm, chưa năm nào anh đón giao thừa cùng vợ con.
“Tôi cũng muốn như bao nhiêu người khác, mong Tết được đoàn viên bên gia đình. Thế nhưng công việc không cho phép. Nhiều lúc con hỏi 'Tết bao giờ bố về?', tôi thường hay đùa con bảo 'Bao giờ tàu hết chạy thì khi đó Tết bố mới được ở nhà'", anh Đúng chia sẻ.
Vợ chồng anh chị Phạm Đình Trưởng (trưởng tàu phụ trách an toàn) và Trương Thị Phương (nhân viên khách vận) cưới nhau năm 2015. Sau hơn 7 năm về chung một nhà thì có tới 6 năm vợ hoặc chồng, hoặc cả hai đón giao thừa trên đường.
“Mọi người đi với nhau nhiều năm, đón giao thừa trên tàu nhiều lần nên cũng quen, dù có chút hơi buồn khi ở thời khắc ấy vắng bố mẹ, các con ”, chị Phương nói.
Hai con của chị Phương ở với ông bà nội ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Sau mỗi chuyến tàu hai vợ chồng chị Phương lại chở nhau trên chiếc xe máy đi hết hơn 1 giờ đồng hồ trở về với các con.
Để chuẩn bị cho gia đình trong những ngày Tết, chị Phương tranh thủ những ngày nghỉ ít ỏi sau mỗi chuyến tàu Bắc Nam để mua sắm trước hàng tháng trời.
“Con lớn 6 tuổi lắm lúc cứ hỏi 'Sao Tết mẹ không ở nhà với con?'. Những lúc như thế mình chỉ biết nói với con rằng 'Mẹ phải đi làm'. Thú thực trong lòng cũng cảm thấy áy náy nhưng công việc như thế, chẳng còn cách nào”, chị Phương tâm sự.