Tàu SE1 Hà Nội- TP.HCM khởi hành lúc 22h20, là chuyến tàu cuối cùng rời ga trong đêm 30 Tết. Theo số liệu thống kê của Ga Hà Nội, tàu chở hơn 90 hành khách. Trong đó, đến Huế 27 người, TP.HCM 2 người, Đà Nẵng 2 người. Số hành khách còn lại chủ yếu đi Vinh, Nam Định, Thanh Hoá, Đồng Hới…
Ngồi chờ tàu, vợ chồng anh chị Hồ Ngọc Hùng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, anh chị tiễn con ra sân bay Nội Bài ra nước ngoài làm việc. Con lên máy bay lúc 6h20, anh chị vội vã trở về Ga Hà Nội, kịp mua vé chuyến tàu cuối cùng khởi hành lúc 22h20.
“Lúc đi, cả nhà đi ô tô giường nằm nhưng lúc về nhà xe đã nghỉ Tết. May tàu còn chạy. Theo lịch, tàu sẽ đến ga Vinh lúc 3h30 sáng Mùng 1 Tết. Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi đón giao thừa trên tàu”, anh Hùng cho hay.
Nhà anh chị tại Vinh đang khoá cổng, không có người thắp hương lúc giao thừa nhưng vợ chồng anh Hùng cảm thấy rất háo hức.
“Con có công việc ổn định. Bao năm gia đình đón giao thừa theo phong tục truyền thống. Năm nay, do hoàn cảnh, chúng tôi lại được đón thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới theo cách chưa từng trải qua. Cũng thú vị đấy chứ”, anh Hùng nói.
Trái với cảnh háo hức đón năm mới trên tàu, chị Nguyễn Thị Xuân Phúc (Nha Trang) lại chỉ mong tàu rời ga sớm để về với các con.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Phúc phiêu bạt từ Nha Trang ra Hà Nội bán hàng tại một siêu thị gia đình. 18h chiều nay, chị mới được nghỉ làm. Lập tức, chị vội vã ra ga mua vé tàu về với 3 con đang ngóng mẹ nơi quê nhà.
Đây là năm đầu tiên chị Phúc không ở bên các con trong thời khắc giao thừa. Trong lúc nói chuyện với phóng viên, điện thoại chị liên tục reo. Các con chị Phúc chỉ có một câu hỏi: Bao giờ mẹ về?.
Rơm rớm nước mắt, chị Phúc kể, mức lương tháng chưa đến 10 triệu nhưng chị tiết kiệm gửi về nuôi các con. Những ngày cận Tết, siêu thị tăng lương gấp đôi nên chị Phúc cố ở lại làm thêm. Ban đầu, chị cũng định ở lại Tết ở Hà Nội để tiết kiệm chi phí.
“Trước Tết, nhiều lần các con hỏi, tôi chỉ bảo mẹ có thể bận không về được. Nhưng đến chiều nay, siêu thị đóng cửa, tôi quyết định về với các con. Tiền có thể thiếu nhưng các con vắng mẹ thương lắm”, chị Phúc nói, nước mắt ứa ra.
Là người có thâm niên 22 năm gắn bó với công việc lái tàu, anh Phạm Văn Thúc (51 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội) cho biết, chừng ấy năm làm việc thì có hơn 10 năm anh đón giao thừa dọc đường.
“Lúc mới vào nghề thì đi thường xuyên, có năm về nhà vào Mùng 1, có năm đón Tết với gia đình vào Mùng 2. Lúc mới vào nghề, thời khắc giao thừa nhiều cảm xúc lắm. Đi nhiều, làm nhiều đến giờ lại thấy vui khi được tham gia cùng tổ máy đưa đón những hành khách trở về nhà, đi chúc Tết hay du xuân”, anh Thúc nói.
Những ngày Tết như thế này, vợ ở nhà thay anh lo chu toàn mọi việc hiếu nghĩa nên anh Thúc yên tâm nhận nhiệm vụ khi được phân công.
Thậm chí, anh còn cảm thấy tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Hai năm liên tiếp gần đây, anh Thúc đón giao thừa trên đường. Năm ngoái, thời khắc giao thừa là khi tàu anh vừa qua đèo Hải Vân. Năm nay dự kiến ở Nam Định.
“Nghề lái tàu – nghề phục vụ, lúc giao thừa mọi người được quây quần bên gia đình còn mình ở ngoài đường. Nói không buồn thì không đúng nhưng cũng không ít niềm vui, tự hào. Ví như năm ngoái, khi chúng tôi đến đèo Hải Vân được anh em trực ban, trưởng ga gọi điện chúc Tết. Họ bật điện sáng, đứng dưới ga vẫy chào ban lái tàu… đó là nguồn động viên to lớn nhưng cũng là niềm tự hào mà không phải ai cũng được trải qua”, anh Thúc chia sẻ.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trực tiếp kiểm tra công tác điều động, chạy tàu, thăm khu bán vé, chia sẻ, tặng quà, động viên cán bộ, CNVC-LĐ ngành Đường sắt đang trực tiếp làm nhiệm vụ trong ngày 30 Tết. Báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo Tổng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết công tác bán vé tàu Tết đã được triển khai từ rất sớm với nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân mua vé. Tính đến thời điểm này, sản lượng hành khách đạt 70% so với trước dịch, trung bình trong các ngày cao điểm này có khoảng hơn 6 nghìn hành khách đi/ tới Ga Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận những nỗ lực của ngành đường sắt trong thời gian qua. Theo đó, cơ sở vật chất tại ga được nâng lên, các vụ tai nạn đường sắt giảm thiểu, sau mấy năm Covid-19 năm nay công ty có lãi. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành đường sắt phải ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chặt chẽ công tác tàu chạy, đổi mới hơn nữa cơ sở vật chất, hạ tầng. Bên cạnh việc đi lại thuận tiện, việc đảm an toàn là tối quan trọng, bao gồm cả an toàn chạy tàu, an toàn phương tiện và an toàn cả cho những người phục vụ. Ông yêu cầu ngành đường sắt phải quan tâm đồng bộ các khâu từ phục vụ vận tải, bảo trì cầu đường, đến thông tin tín hiệu, toa xe, đầu máy. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ban Quản lý vốn để tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho đường sắt trong thời gian tới. |