Như thiền sư Thích Minh Niệm đã từng nói: 

“Cuộc đời là chuỗi tập hợp những điều như ý và bất như ý.

Hãy trân trọng những giây phút tĩnh lặng trong lòng, vì trong đó chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn.

Hãy nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất trong mọi thứ xung quanh bạn và để niềm vui lan tỏa đến mọi người”.

Bởi vậy, đôi khi, những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng có thể truyền cảm hứng, đem lại động lực thúc đẩy tinh thần cho những người đang rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.

Tết Giáp Thìn vừa “gõ cửa”, VietNamNet xin đăng tải loạt bài “Điều giản dị”: Từ việc đi tìm và khai thác câu chuyện bên lề ở các bệnh viện khi tìm cách nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân, tuyến bài mong muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của liệu pháp tinh thần trong điều trị. Đầu năm mới, đây sẽ là những câu chuyện dung dị nhưng tích cực gửi đến độc giả.

Bài 1: ‘Đừng tuyệt vọng! Cuộc sống cũng như điện tâm đồ’

Bài 2: Chốn bình yên bên trong Bệnh viện Chợ Rẫy

Bài 3: ‘Góc sốt ruột' ở bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc

 

Còn 15 phút nữa mới đến giờ nhưng bà Nguyễn Thị Hằng đã có mặt, đặt thảm ngay cạnh vị trí giáo viên, sẵn sàng cho buổi tập yoga ở không gian văn hóa, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội).

Từ 3-4 giờ chiều từ thứ 3 đến thứ 6 là khoảng thời gian bà Hằng, 53 tuổi, quê Bắc Ninh, trông chờ nhất trong những ngày điều trị ở Khoa Thần kinh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội). 

Xoay mình, vặn người, bà nghiêm chỉnh ôn lại những động tác khởi động đã học, tập ở buổi trước. Đây là bệnh viện thứ 2 bà điều trị từ ngày căn bệnh mất ngủ không rõ nguyên nhân ập đến cách đây nửa năm. 

“Bắt đầu là những đêm chỉ ngủ vài tiếng, rồi 1-2 tiếng, có những đêm trằn trọc không tài nào chợp mắt. Tình trạng đó diễn ra khoảng 10 ngày, tôi đi khám, rồi bắt đầu chuỗi ngày điều trị”, bà Hằng kể.

Mất ngủ, bà Hằng được khuyên tìm đến yoga. Nửa năm qua, bà học, rồi tự tập tại nhà. Những ngày điều trị ở cơ sở y tế trước, bà tập “bập bõm” bữa được bữa không. Bệnh không giảm, lại kèm chứng đau lưng nhức nhối. “Nhớ yoga lắm!”, bà tâm sự. 

Giữa tháng 1, bà chuyển sang Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Nghe tin ở viện có lớp yoga vào buổi chiều mỗi tuần, ánh mắt bà sáng lên. Được học yoga, bà Hằng rèn luyện thói quen ngồi thẳng lưng, ưỡn ngực, hóp bụng, dù rất khó so với những người cùng độ tuổi. 

“Quan trọng nhất là giấc ngủ đã tìm về với tôi, bệnh đau lưng cũng giảm dần. Tôi ngồi thẳng lưng mà không một chút đau đớn nào”, bà tự hào. 

Nhìn những động tác tập chỉn chu, đúng kỹ thuật của bà Hằng, cô giáo yoga Vũ Thị Hoa tươi cười, nhận xét bà Hằng là một trong những học viên "chuyên nghiệp" nhất ở lớp, luôn chia sẻ kinh nghiệm tập với các học viên khác.

Chị Hoa, 40 tuổi, là một trong hai huấn luyện viên gắn bó lâu nhất với lớp yoga đặc biệt tại bệnh viện duy nhất dành cho người cao tuổi ở Hà Nội. Tháng 10/2020, ngay khi có lời mời từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương làm giáo viên yoga miễn phí cho bệnh nhân, chị nhận lời ngay.

Từ đó đến nay, đều đặn mỗi tuần một buổi, chị lặn lội chạy xe máy từ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), cách bệnh viện 20km, chỉ để được “truyền tình yêu yoga và truyền năng lượng sống khỏe”.

Theo chị, bệnh nhân, đặc biệt người cao tuổi mắc các bệnh cần điều trị dài ngày ở viện, cần môi trường để sinh hoạt, họ phải nằm nhiều thường hay đau mỏi các cơ, khớp, xương… cảm giác rất tù túng. 

“Các bác rất buồn vì phải xa nhà, bệnh tật cũng khiến tinh thần đi xuống. Yoga không chỉ giúp sức khỏe thể chất mà còn giúp tâm trí được thoải mái. Những giáo viên yoga như chúng tôi chỉ muốn chia sẻ, lan tỏa năng lượng tích cực với các bệnh nhân”, chị chia sẻ. 

Vì niềm đam mê truyền cảm hứng đó, theo chị Hoa, chỉ duy nhất đợt giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 là cô giáo và các học viên đặc biệt không được gặp nhau. Vì thế, cô giáo liền gửi clip cho bệnh nhân để họ tập ngay tại giường bệnh tùy theo khả năng từng người.   

Ở lớp yoga của cô giáo Hoa chiều cuối năm có khoảng 15 người. Những ngày trước đó, số lượng có thể nhiều hơn, có khi số thảm chuẩn bị còn không đủ. Đa số học viên đều là người cao tuổi mắc các bệnh như mất ngủ, trầm cảm, huyết áp cao, di chứng tai biến mạch máu não, suy giảm trí nhớ... Ngoài ra, còn có người nhà bệnh nhân hoặc một số người yêu thích yoga tham dự.  

Một trong những học viên kiên trì, chăm chỉ nhất là cụ bà Trần Thị Phúc Mai, 95 tuổi. Cụ Mai điều trị dài ngày ở viện, coi nơi đây như ngôi nhà thứ 2. Mỗi ngày, cứ chiều chiều, mỗi khi gần đến giờ “đặc biệt”, cụ lại giục người nhà đẩy xe lăn đến. 

Không chỉ là học viên lớn tuổi nhất của 4 lớp mỗi tuần, cụ Mai còn đặc biệt ở chỗ đi tập yoga nhưng chưa bao giờ ngồi thảm tập, bởi bệnh tật không cho phép cụ rời xe lăn. Tai đã yếu, khả năng nghe giảm nhiều, nhưng cụ vẫn miệt mài tập theo theo từng tiếng hô “Đưa hai tay hướng thẳng lên trời” của giáo viên.  

Ông Phạm Văn Tế, 78 tuổi, quê Quảng Ninh, lần đầu được con gái đến lớp học nên khá rụt rè, ngồi ở góc lớp. Chị Hương, con gái ông Tế kể, sau đợt tai biến mạch máu não, ông khó nói, khó vận động, mất khả năng đọc. Đọc tài liệu biết yoga rất tốt trong quá trình tập phục hồi chức năng cho người bị di chứng sau tai biến, nên nghe tin bệnh viện có lớp học yoga miễn phí, chị đẩy xe lăn đưa bố tới lớp ngay, biết đâu lại rèn luyện cho ông khả năng ghi nhớ, làm theo, mong ông chóng bình phục. 

Quan sát bố nghe và làm theo hiệu lệnh của giáo viên được khoảng 70%, chị Hương mừng lắm, vội cầm điện thoại ghi lại khoảnh khắc người cha gần 80 tuổi lóng ngóng làm theo lời cô giáo, bối rối không nhớ ra kịp tay trái, chân phải…, hướng mắt nhìn về phía con gái không giấu được vẻ ngượng ngùng rồi quay ra tập tiếp.

Thấy vậy, cô giáo Hoa liền tới lại gần, hướng dẫn học viên nam từng động tác rất nhỏ. Cụ ông mỉm cười. Nhìn nụ cười của cha, chị Hương xúc động, biết quyết định đưa ông tới lớp yoga là chính xác. 

Lớp học yoga ở bệnh viện đặc biệt ở chỗ học viên không cố định như các lớp ở ngoài, bởi bệnh nhân ra - vào viện liên tục. Những bài tập chị Hoa và các huấn luyện viên khác thiết kế cho mỗi giờ lên lớp phần lớn nhẹ nhàng, đơn giản, giúp người bệnh tăng khả năng vận động và các giác quan. Ngoài ra, một số bài tập “nâng cao” hơn dành cho người nhà, người chăm sóc bệnh nhân yêu thích yoga, giúp họ kích thích niềm hứng thú tập luyện và khả năng vượt qua thử thách.  

Điều khiến những huấn luyện viên như chị Hoa gắn bó thời gian dài với lớp học đặc biệt nơi giếng trời bệnh viện này là niềm vui, sự thoải mái hiện lên trên gương mặt học viên sau mỗi giờ tập. 

“Gần đây thôi, có hai học viên ngoài 60 tuổi, là hai vợ chồng chăm nhau ở viện. Bác trai bị bệnh, không giơ được tay chân lên, vậy là bác gái cùng ngồi trên một thảm để tập chung, đỡ đần nhau. Lại có bệnh nhân xuống lớp tập, tay còn cắm dây truyền dịch; có bác bị Parkinson, tay chân run rẩy vẫn quyết tâm tập từng động tác nhẹ nhàng”, chị Hoa kể. 

Không gian văn hóa nơi diễn ra lớp yoga tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương vốn là quán cà phê, nhưng rồi tháng 7/2020, nhận thấy nhu cầu được thư giãn, trị liệu tinh thần của bệnh nhân, người nhà tại bệnh viện, lãnh đạo cơ sở này quyết định thu hồi mặt bằng nhằm tạo một không gian chung để người bệnh, người nhà đến đọc sách, chơi cờ… miễn phí.

"Chúng tôi cố gắng tối ưu hóa không gian trong điều kiện diện tích bệnh viện rất hạn chế", Thạc sĩ Phan Việt Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết. 

Đây cũng là không gian để bệnh viện tuyến cuối này tổ chức nhiều hoạt động hướng tới người bệnh như: các chương trình Lễ hội xuân, Vu lan báo hiếu, Quốc tế người cao tuổi, Các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe đến người bệnh… Với mỗi chương trình, cảnh quan trang trí cũng được thay đổi để phù hợp, gần gũi, ấm áp hơn đối với người bệnh.  

Một trong những người tiên phong đề xuất ý tưởng mở lớp yoga trong bệnh viện, Thạc sĩ Đỗ Thị Minh Nhâm, Phó trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chia sẻ, bệnh viện chủ yếu đón bệnh nhân là người cao tuổi đến điều trị, với đặc thù thường mắc đa bệnh lý và ngại vận động, bệnh nhân ra vào viện liên tục nên để lớp yoga hoạt động phải thường xuyên tuyên truyền, vận động.

"Dù vậy, thời gian đầu, nhiều hôm giáo viên đã đến, thảm tập được trải ra sẵn sàng, nhưng chỉ có 2-3 bệnh nhân xuống tham gia. Anh chị em lo lắm, chỉ sợ lớp không duy trì được. Nhưng rồi chúng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng, khuyến khích các cô/bác người bệnh vượt qua ngại ngùng để tham gia lớp học. Giờ, nhìn lớp học duy trì được số lượng từ 12-15 học viên mỗi ngày, các cô/bác vui vẻ, thoải mái sau mỗi buổi tập, đó là động lực to lớn cho chúng tôi quyết tâm duy trì lớp học đặc biệt này”, chị Minh Nhâm chia sẻ.  

Lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương hy vọng thông qua các hoạt động luyện tập, sinh hoạt văn hóa và truyền thông giáo dục sức khỏe, người bệnh được cải thiện tinh thần, tăng cường thể chất, góp phần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, giảm thiểu những nguy cơ bệnh lý.