icon icon

Gần 10 năm, TP Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng, cải tạo 60 công viên, vườn hoa trong nội thành, nhưng đến nay do thiếu vốn, thiếu chủ đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng, nhiều dự án vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’.

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 

Từ nhiều năm qua, Hà Nội luôn nằm trong những thành phố có tỷ lệ công viên, cây xanh trên đầu người thấp nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các quận nội thành do bụi mịn, xăng xe, khói rơm rạ… vào nhiều thời điểm ở mức báo động đỏ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Để giải quyết những bất cập trên, từ năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030. Quy hoạch đặt mục tiêu, TP Hà Nội có trên 13.543ha cây xanh đô thị, trong đó khu vực nội đô có 710ha, đạt 3,9m2/người (70% không gian xanh, 30% phát triển đô thị).

Theo Sở Xây dựng, quy hoạch, cải tạo Công viên Thống Nhất đến nay không còn phù hợp

Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trong các quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, một phần quận Tây Hồ) có 60 công viên. Trong đó, Hà Nội xây mới 18 công viên; cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa.

Để đạt được mục tiêu trên, TP Hà Nội đã vạch ra kế hoạch cụ thể như nâng cấp các công viên chuyên như Bách Thảo, vườn thú Hà Nội (công viên Thủ Lệ). Đồng thời, triển khai dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên Đống Đa, Thống Nhất. TP Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu dành quỹ đất sau khi di dời nhà máy, bệnh viện, trường đại học… ở khu vực quận Đống Đa cho không gian xanh.

Nằm giữa nội thành, nhưng Công viên Thống Nhất luôn vắng vẻ

Đối với khu vực nội đô mở rộng (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, một phần quận Tây Hồ, Hà Đông, huyện Thanh Trì và quận Nam - Bắc Từ Liêm) cũng được xây mới hàng loạt công viên.

Cụ thể, Hà Nội tận dụng tự nhiên sẵn có khu vực Hồ Tây để phát triển công viên văn hóa gắn với du lịch. Hà Nội lấy hạt nhân là khu Liên hợp thể thao Quốc gia để xây dựng các công viên, vườn hoa ở khu vực Mỹ Đình. TP Hà Nội cũng tận dụng quỹ đất 150 ha và hồ Yên Sở để phát triển công viên văn hóa tổng hợp kết hợp vui chơi giải trí.

Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang trong tình trạng dang dở

Ở các huyện ngoại thành, ngay từ năm 2014, TP Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch xây dựng 7 khu vực đặc thù. Cụ thể, như ở huyện Mê Linh sẽ phát triển một công viên sinh thái nông nghiệp, duy trì làng nghề trồng hoa cây cảnh. Khu vực Cổ Loa (Đông Anh) hình thành công viên văn hóa, sinh thái. Ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội sẽ phát triển công viên tổng hợp đa chức năng…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện nay có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích khoảng 300 ha, chiến 2% diện tích đất. Trong đó, bốn quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, đạt 2,08 m2/người.

Tính từ năm 2014 đến 2030, kế hoạch đạt 710 ha cây xanh đô thị trong nội thành của TP Hà Nội đã đi qua được nửa chặng đường, thế nhưng phần lớn dự án còn nằm trên giấy hoặc khởi công xong rồi ‘đắp chiếu’.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kinh phí sửa chữa, khắc phục các hạng mục hư hỏng, xuống cấp trong công viên trên địa bàn hiện nay còn hạn chế. Với 9 công viên đã khởi công nhiều năm qua nhưng tồn tại hàng loạt bất cập dẫn đến chậm tiến độ.

Công viên Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai)  trong tình trạng xuống cấp, ngập rác thải

Đối với Công viên Thống Nhất, theo Sở Xây dựng, những khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay là về quy hoạch và xác định nguồn gốc đất trong công viên. Cụ thể, quy hoạch cải tạo nâng cấp công viên này được xây dựng từ năm 2009 đến nay đã không còn phù hợp nên cần phải thay đổi. Các hộ gia đình đang sử dụng đất nằm trong dự án có nguồn gốc thuộc sở hữu cả nhà nước và tư nhân nên việc xác nhận nguồn gốc còn nhiều khó khăn.

Với Công viên Thủ Lệ, Sở Xây dựng cho biết, cơ sở hạ tầng hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ vui chơi, nghỉ ngơi phục vụ người dân. Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm giao Sở Xây dựng chỉ có giới hạn và mục đích, yêu cầu sử dụng vốn chỉ được thực hiện cho công tác sửa chữa nhỏ. “Vì vậy, việc cải tạo để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tại Vườn thú Hà Nội cần phải được thực hiện theo tính chất của dự án đầu tư”, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Chưa hết, sau nhiều năm khai thác, sử dụng, hệ thống vật kiến trúc trong Công viên Bách Thảo cũng đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Cụ thể, cầu sang đảo sàn gỗ bị mục, trụ cầu sắt bị rỉ; hệ thống các chuồng nuôi bị rỉ, mái che bị mục, không đảm bảo điều kiện nuôi nhốt theo quy chuẩn. Các nhà vệ sinh trong công viên xây gạch, nhà vệ sinh bằng thép đều đã xuống cấp, một số thiết bị vệ sinh hỏng, không sử dụng được… Ngoài ra, công viên thiếu các hệ thống đèn chiếu sáng, đèn cảnh quan, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Nhiều hạng mục trong công viên Bách Thảo đã bị xuống cấp

Với 9 công viên xây mới, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ rõ hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ mới có thể thúc đẩy tiến độ xây dựng. Điển hình trong đó là Công viên Thiên Văn Học (Dương Nội, Hà Đông) đến nay đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao, cho người dân vào sử dụng. Nguyên nhân là do còn vướng mắc về các chỉ tiêu quy hoạch, thủ tục giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng.

Công viên Thiên Văn Học dù đã hoàn thành nhưng vẫn "kín cổng, cao tường"

Công viên Hà Đông (phường Kiến Hưng và Hà Cầu), dù đã giải phóng mặt bằng nhưng bị ‘đắp chiếu’ là do chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Điều đáng nói, hiện nay, 12 đơn vị được ‘sử dụng tạm’ hàng chục ha đất công viên này nhưng chỉ có 1 công ty chịu trả lại đất, thanh lý hợp đồng. 11 nhà đầu tư đầu tư còn lại không đồng ý thanh lý hợp đồng, do số tiền đầu tư lớn, chưa kịp thu hồi vốn.

Loạt nhà xưởng, kho, nhà hàng "mọc" trong đất công viên thể thao cây xanh Hà Đông

Công viên hồ điều hòa CV1, thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, rộng 27,7h, được khởi công từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đến nay dự án chưa hoàn thành do còn hơn 1.300m2 đất chưa giải phóng mặt bằng, việc kết nối hạ tầng (giao thông, thoát nước) với khu vực xung quanh gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo, xây mới công viên, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng về đầu tư, cơ chế, chính sách, kinh tế - xã hội của Thành phố làm đầu mối, chủ trì tiếp tục nghiên cứu các cơ chế liên quan đến chính sách, tài chính, đất đai, văn hóa… để thu hút đầu tư.

Kỳ tiếp: Ủng hộ kế hoạch của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về làm sống lại công viên trong năm 2023, các nhà khoa học lưu ý, TP phải lấy người dân làm trung tâm khi cải tạo, xây mới công viên.  Mời quý độc giả đón đọc bài 9... 

Tin nổi bật

Đi đến trang sự kiện