Ngay sau khi kết thúc môn thi Tiếng Anh, chiều 29/6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông tin về công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả các điểm trên toàn quốc. Bộ GD-ĐT cho biết, các buổi thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Các thí sinh và giáo viên đều đánh giá đề nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, vừa sức thí sinh và có sự phân hóa phù hợp.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Về vụ việc lọt đề thi môn Toán và Ngữ văn, Bộ GD-ĐT thông tin, dù nguy cơ sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử đã được dự báo, nêu ra ở nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn, nhưng vẫn có thí sinh cố tình sử dụng thiết bị công nghệ cao chuyển đề thi ra ngoài.

“Đây là hành vi sai phạm của cá nhân thí sinh, không gây ảnh hưởng đến cả kỳ thi”, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Cụ thể, với đề thi môn Ngữ văn, Bộ GD-ĐT thừa nhận đề thi xuất hiện trên mạng khoảng 8h, tức chỉ 30 phút sau thời gian thí sinh bắt đầu làm bài.

Về nghi vấn lọt đề thi môn Toán, Ban Chỉ đạo thi Quốc gia đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

Hình ảnh đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 lan truyền trên mạng xã hội vào khoảng 8h ngày 28/6, tức chỉ khoảng 30 phút sau thời gian thí sinh bắt đầu làm bài.

Bộ Công an xác nhận, việc lọt đề thi Ngữ văn và Toán xuất phát từ thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái, đều vi phạm cùng dạng thức là sử dụng thiết bị chụp gửi đề thi ra ngoài trong thời gian đang tổ chức thi. Cả hai thí sinh này đều bị đình chỉ thi theo quy chế và không được tham gia các bài thi còn lại. 

29/06/2023 | 18:48

18h30: Chưa tính đến việc để các tỉnh tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi này có nhiều đổi mới trong quy trình ra đề thi. Các thành viên trong ban đều được lựa chọn từ những giáo viên THPT có nhiều kinh nghiệm, trực tiếp đứng lớp, được cân đối đều giữa các vùng miền… cho đến các thầy cô bậc đại học, để đảm bảo tính toàn diện. Vì thế, đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề thi môn Văn như đề cũ, đề nặng nề với thí sinh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, đó là những ý kiến, quan điểm của từng cá nhân. Bộ GD-ĐT ghi nhận, tiếp thu để phục vụ cho công tác chuyên môn tiếp theo. “Có thể thấy, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết, từ chương trình, sách giáo khoa đến nội dung thi cử. Tuy nhiên, dù đổi mới vẫn phải trải qua giai đoạn giao thời nhất định”, ông Thưởng nói.

Trước câu hỏi: “Bộ GD-ĐT sẽ duy trì kỳ thi “hai trong một” này đến khi nào?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết chủ trương chung trong mọi vấn đề là phân cấp. Thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa tính đến việc để các tỉnh tổ chức kỳ thi này vì chưa phù hợp. 

“Đây là kỳ thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả), có đến 60% trường sử dụng kết quả để xét tuyển vào đại học. Nếu mỗi tỉnh ra một đề thi có mức độ khó – dễ khác nhau, liệu có đảm bảo công bằng? Ngoài ra, để cho từng tỉnh tổ chức kỳ thi cũng không đơn giản”, Thứ trưởng nói.

Thu gọn
29/06/2023 | 18:20

18h20: 40 trường hợp sử dụng điện thoại di động, cho thấy nguy cơ phát tán đề thi rất cao

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay có 41 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có đến 40 trường hợp sử dụng điện thoại di động, cho thấy nguy cơ phát tán đề thi rất cao. Trong số 40 trường hợp này, có 2 trường hợp phát tán đề thi ra ngoài, 38 trường hợp do các cán bộ coi thi chủ động phát hiện và ngăn ngừa.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

“Đây là trường hợp cá biệt, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Tuy nhiên, với hơn 1 triệu thí sinh tham gia thi, đây là điều khó tránh khỏi”, Thứ trưởng nói. Thứ trưởng cũng khẳng định, đối với những trường hợp vi phạm, xét theo mức độ phức tạp, ảnh hưởng đến kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án xử lý nghiêm minh.

Thu gọn
29/06/2023 | 18:10

18h10: Đề thi bị truyền ra ngoài tại Yên Bái, Cao Bằng không làm ảnh hưởng kết quả thi

Thiếu tướng Trần Đình Chung - Thành viên Ban chỉ đạo thi, Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ ̣(A03), Bộ Công an, nói về việc đề thi bị truyền ra ngoài.

Thiếu tướng Trần Đình Chung

Với những trường hợp lọt đề, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay cơ quan công an đã nhanh chóng phối hợp xác minh ở các địa phương xảy ra và cũng đã xác định được những người kết nối ở bên ngoài. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục làm rõ, xác minh kết hợp với những khai báo của các đối tượng liên quan khác để xác định xem có lời giải chuyển vào hay không.

“Nhưng theo như hiện nay thì chưa có lời giải được chuyển vào, không làm ảnh hưởng đến kết quả thi. Hiện tại, chỉ có 2 trường hợp xảy ra, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kỳ thi cũng như công tác đảm bảo an ninh, an toàn”, ông Chung nói.

Thu gọn
29/06/2023 | 18:00

18h: Đề Văn thi tốt nghiệp THPT không trùng đề lớp 10 của Hà Nội

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia, nói về thông tin dư luận cho rằng đề Văn thi tốt nghiệp THPT trùng với đề lớp 10 ở Hà Nội.

"Hội đồng thi tốt nghiệp THPT vào làm việc từ 2/6, khi kỳ thi lớp 10 chưa diễn ra, nên chúng tôi không có thông tin về đề Văn của Hà Nội. Nhưng Bộ GD-ĐT khẳng định, ngữ liệu và lệnh hỏi của 2 đề là khác nhau. Về vấn đề trùng lặp đề của Nghệ An, đây là trường hợp Bộ GD-ĐT không có dữ liệu, vì không tìm được đề này trên mạng nên hệ thống không thể quét được để tránh".

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia 

Trước nhiều ý kiến băn khoăn đề thi chưa đảm bảo sự phân hóa, GS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định, Bộ GD-ĐT trong quá trình ra đề thi luôn chú trọng việc đề thi phải đảm bảo tính công bằng, thể hiện qua việc phải phân hóa được học sinh. Cụ thể, đề thi năm nay có 50% là mức độ thông hiểu, 25% là mức độ nhận biết, 25% là vận dụng và vận dụng cao.

Để tránh xảy ra sự cố giống như năm 2021, “cán bộ có thể thao túng đề thi”, ông Hà cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy trình thông qua một số biện pháp. Mặc dù thầy cô ra đề là đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn tập huấn lại công tác ra đề thi, đảm bảo đề đáp ứng 4 cấp độ thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. “Khi thầy cô nắm kỹ nguyên tắc này có thể tạo ra một đề thi mang tính phân hóa”.

Ngoài ra, việc ra đề phải đảm bảo tính bảo mật. Vì thế, những người giới thiệu đề, soạn đề, lựa chọn câu hỏi vào ngân hàng đề phải là những người khác nhau

GS Nguyễn Ngọc Hà trả lời về băn khoăn đề thi chưa đảm bảo sự phân hóa:

Thu gọn
29/06/2023 | 17:50

17h50: Sẽ xử lý việc điểm thi đánh trống sớm, phải bù giờ cho thí sinh

Nói về đổi mới đề thi, ông Huỳnh Văn Chương chia sẻ, đến năm 2025, đề thi có thể sẽ có tính mở nhiều hơn.

 Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT

Ông Chương cũng trả lời về vấn đề phát sinh tại Hội đồng thi Hà Nội (điểm thi Yên Hòa, Cầu Giấy) khi thí sinh làm bài thi muộn hơn so với thời gian thi do trưởng điểm thi đánh trống sớm 5 phút nên điểm thi này đã bù giờ cho thí sinh.

Ông Chương cho hay việc xử lý hoàn toàn sẽ do Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Hà Nội theo phân cấp. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu Ban chỉ đạo thi Hà Nội báo cáo vấn đề này.

Thu gọn
29/06/2023 | 17:35

17h35: Đề môn Văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 không trùng đề thi thử ở Nghệ An

Phóng viên đưa ra thắc mắc về Phần nghị luận xã hội của đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023 trùng với đề thi vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị luận văn học trùng với đề thi thử của Nghệ An.

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi, cho biết đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát trùng lặp nội dung đã thi, bằng cách sử dụng các phần mềm. Cụ thể, số lượng dữ liệu Bộ GD-ĐT thu thập được lên tới 120Gb, bao gồm các đề đã thi, câu hỏi tìm kiếm được thông tin trên mạng và các cơ sở giáo dục gửi tới.

Tất cả các môn thi đều sử dụng cách thức này nên đã hạn chế rất nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào dữ liệu chúng ta có. Với thông tin trùng lặp đề thi Ngữ văn của tỉnh Nghệ An, ông Hà cho biết, phần ngữ liệu có thể trùng lặp, tuy nhiên lệnh hỏi khác nhau.

Điều này là bình thường với môn Văn vì chương trình có 17 tác phẩm, trong đó chỉ sử dụng được 15 tác phẩm (2 tác phẩm không thuộc phần giao của chương trình giáo dục thường xuyên). Mỗi tỉnh có 2-3 lần thi thử nên không tránh khỏi việc trùng dữ liệu. Điều quan trọng là lệnh hỏi khác nhau.

Thu gọn
29/06/2023 | 17:10

17h10: Họp báo bắt đầu

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng 

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Bộ GD-ĐT thông tin có 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 3 thí sinh. Trong đó, 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi). Số cán bộ coi thi dừng thực hiện nhiệm vụ: 6 cán bộ.

Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…): 40 trường hợp. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Ông Chương cho hay, sáng nay ở Hội đồng thi Vĩnh Phúc, đã có 1 thí sinh phát hiện có việc sử dụng công nghệ cao để gian lận thi và đã chủ động báo với Hội đồng thi. Đại diện Bộ GD-ĐT đánh giá cao việc làm này của thí sinh.

Bắt đầu từ ngày mai, Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn bị cho công tác chấm thi.

Toàn cảnh buổi họp báo tại Bộ GD-ĐT
Thu gọn