Môn Lịch sử

Nhận định về đề thi môn Lịch sử, cô Đinh Thị Trang Nhung - Trưởng bộ môn Lịch sử Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, đề thi giống với cấu trúc đề thi các năm trước.

Phần kiến thức lớp 11 (4 câu), Thế giới (8 câu), Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến nay (28 câu). Nội dung bám sát với kiến thức sách giáo khoa. Các câu hỏi nhận biết ít phương án gây nhiễu. Học sinh chỉ cần nắm chắc những kiến thức cơ bản trên lớp có thể đạt mức 7 điểm trở lên. Tuy nhiên, đề thi có nhiều câu hỏi mức độ nhận biết liên quan đến mốc thời gian học sinh cần ghi nhớ chính xác.

Đánh giá đề thi so với năm trước mức độ dễ hơn. Các câu vận dụng cao cũng “dễ thở” hơn. Dự kiến điểm trung bình môn năm nay sẽ cao hơn năm trước và dự đoán mức điểm trên 9 sẽ nhiều. Mức điểm dưới 5 giảm. Phổ điểm trung bình từ 6 đến 7 điểm.

TS. Hoàng Thị Hồng Nga, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá đề môn Lịch sử có cấu trúc tương tự mọi năm, khoảng 32 câu đầu ở mức độ nhận biết thông hiểu, còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Đề thi đảm bảo yêu cầu dùng đề đánh giá năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT về kiến thức, kỹ năng nhận thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, đồng thời đề đảm bảo yêu cầu phân hóa học sinh, dành cho các trường cần tuyển lựa các em học sinh có tư duy, kỹ năng về môn Lịch sử nói riêng và hướng các ngành xã hội nói chung.  

Trong đề có những câu các em cần phải đọc kỹ, phân tích làm rõ các thuật ngữ, nội hàm các phương án, từ đó mới loại bỏ được phương án nhiễu và chọn được phương án đúng. "Tổng quan, đề thi năm nay khó hơn năm ngoái một chút vì các em học sinh phải tiệm cận với một số câu hỏi dài hơn, dẫn dắt phức tạp hơn khi dẫn đoạn trích và đọc hiểu để làm", cô Nga nói.  

Ngoài ra, cô Nga ấn tượng với một số câu hỏi tiệm cận theo dạng mới như đưa đoạn trích và buộc học sinh phải vận dụng kỹ năng đọc hiểu để làm. "Đó là những dạng thức câu hỏi sử dụng các đoạn sử liệu trích dẫn từ các nguồn trong SGK và trong các nguồn tư liệu lịch sử đáng cậy. Từ việc đọc hiểu các đoạn trích, học sinh vận dụng kiến thức đọc hiểu sử liệu trong hoàn cảnh cụ thể của từng câu để có thể lựa chọn được đáp án đúng.  

Nếu như đề thi kiểu cũ mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra câu dẫn từ chủ quan của người ra đề thì đề năm nay đã có những dạng thức trong câu dẫn là các đoạn văn bản để liên kết ý được hỏi vởi sử liệu. Do đó năng lực của học sinh cần được nâng lên một bước là cần đọc hiểu, khắc phục cách học vẹt, học máy móc, học thụ động", TS Nga cho hay.

Với đề thi này, cô Nga cho rằng những các học sinh khá có thể đạt từ 5 - 7 điểm; học sinh giỏi có thể đạt 8-9 điểm; học sinh chuyên, học sinh xuất sắc vẫn có thể được 10. Tuy nhiên, vì đề vẫn còn nhiều câu dài, phức tạp nên điểm trung bình môn Sử có thêt vẫn không cao.