Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận trên 9 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), trên 8,5 triệu người khỏi bệnh, gần 11 nghìn ca tử vong.

Đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc, trong đó có 9,9 triệu người khỏi bệnh và trên 43 nghìn ca tử vong. Trong tháng 7/2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/ngày.

So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc 0,02%. Hiện còn 6.388 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 675 ca đang điều trị tại bệnh viện; có 44 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 3 ca thở máy.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tính đến ngày 4/8/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vắc xin, là quốc gia có số liều vắc xin sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); hiệu suất sử dụng vắc xin cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao điểm - tháng 10 và 11/2021 tiêm được 39 - 40 triệu liều/tháng).

Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới ). Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Italia, Pháp...

Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây, trong nửa cuối tháng 7, cả nước triển khai tiêm được hơn 7,7 triệu liều, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7.

Việt Nam là nước triển khai tiêm vắc xin với quy mô rộng, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại vắc xin. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm.

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan phân tích, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2, đã ghi nhận tại nhiều quốc gia; do đó, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại. Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các địa phương ở phía Nam.

Các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.

Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Trong phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện, cả về nhận thức, tuyên truyền và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. 

Về  vấn đề tiêm chủng, người đứng đầu Chính phủ cho biết, khi dịch đang diễn biến phức tạp thì địa phương nào cũng đề nghị vắc xin, nhưng khi dịch vừa được kiểm soát thì việc tiêm chủng chững lại. Mặt khác, cũng có những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội nhưng lại nỗ lực triển khai tiêm vắc xin, đạt kết quả tích cực.

Thủ tướng cho rằng cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; đồng thời đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá

Sáng 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo.
Bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam đang thực hiện chính sách mở cửa, giao lưu với các nước nên có nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.