Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Những thành tựu nói trên là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây cũng là kết tinh nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan đối ngoại và ngành ngoại giao.

Một quốc gia tạo dựng, định vị được thương hiệu được xem như sở hữu chìa khóa vàng để mở những cánh cửa cơ hội tiếp cận với xu hướng mới của thế giới, phát triển đất nước. Chính từ quan điểm này, VietNamNet đã triển khai loạt bài “Định vị Việt Nam trên trường quốc tế”.

 

Việt Nam và Hà Lan cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động ứng phó thách thức toàn cầu và thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào năm 2010 cũng như Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào năm 2014, triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực được Thủ tướng Hà Lan nhận xét “như là một phần của Hà Lan”.

VietNamNet trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam về những dấu ấn và tiềm năng trong hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu giữa hai nước.

Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết, năm 2023 hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. 

Nhìn lại 20 năm qua, hai nước đã thiết lập được mối quan hệ độc đáo và hiệu quả. Trong quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước có 2 điểm nhấn đó là đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và đối tác về biến đổi khí hậu, quản lý nước. 

Đại sứ nhấn mạnh, đây là mô hình độc đáo với cả Việt Nam và Hà Lan vì hai nước gần như chưa có hình thức quan hệ hợp tác này với bên ngoài. Sự hợp tác này đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua đặc biệt là trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Về phía Việt Nam, đối tượng thụ hưởng nhiều nhất từ sự hợp tác này chính là khu vực ĐBSCL. Hà Lan và ĐBSCL có nhiều đặc điểm rất giống nhau. Thậm chí Thủ tướng Hà Lan từng nói "coi ĐBSCL như là một phần của Hà Lan". 

Hà Lan và ĐBSCL về mặt diện tích, dân số tương đương nhau. Hà Lan diện tích chỉ bằng 1/8 diện tích Việt Nam, phải chịu những tác động biến đổi khí hậu. Hà Lan còn nổi tiếng là một quốc gia có khoảng ½ diện tích nằm dưới mực nước biển trung bình từ 1-6m.

Trong khi đó, ĐBSCL cũng đối diện với nguy cơ đe dọa như sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh kế của 22 triệu người dân. Trong vòng 100 năm nữa, nếu không có biện pháp ứng phó thì một nửa ĐBSCL sẽ nằm dưới mực nước biển.

Sự gần gũi đó dẫn đến hợp tác hiệu quả. Theo Đại sứ, điểm lớn nhất trong hợp tác ở ĐBSCL là Hà Lan đã giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể tích hợp phát triển ĐBSCL, trong đó có đầy đủ biện pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp.

“Một trong những tư vấn lớn nhất của Hà Lan là thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta. Trước đây, khi hoạch định chính sách ở khu vực này, chúng ta thường làm theo hình thức chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì xây đê lên để ngăn lại. Thế nhưng quan điểm của người Hà Lan là “thuận thiên”, tức là phải sống thuận với khí hậu chứ không phải chống lại nó. 

Tư vấn của Hà Lan giúp Chính phủ Việt Nam thay đổi toàn bộ việc hoạch định chính sách cũng như kế hoạch phát triển ĐBSCL

Chúng ta xác định chỗ nào nước ngọt, khu vực nào nước lợ, nước mặn. Trước đây ta ngăn không cho nước mặn xâm nhập, còn bây giờ chúng ta phải tùy theo các khu vực mà phát triển nông nghiệp cho thuận với biến đổi khí hậu”, Đại sứ phân tích.

Việt Nam đã phân 6 vùng phát triển kinh tế-xã hội, song đến nay mới chỉ có ĐBSCL xây dựng được kế hoạch phát triển tổng thể cho toàn khu vực, với sự hỗ trợ rất lớn của các chuyên gia tư vấn Hà Lan.

Không chỉ giúp lên kế hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL, phía Hà Lan cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình hành động cùng sự tham gia của các công ty giàu kinh nghiệm với tiềm lực lớn kinh nghiệm, tài chính và công nghệ.

“Hà Lan gắn bó với ĐBSCL suốt chặng đường từ 15 năm trước và sẽ tiếp tục đồng hành phát triển trong tương lai – như anh và em. Có lẽ ĐBSCL cũng là một trong những nhân duyên để hai nước có sự gắn bó, chặt chẽ với nhau”, Đại sứ chia sẻ.

Cuối tháng 11, trong chuyến thăm lần thứ 3 tới Việt Nam, dù lịch trình dày đặc, bận rộn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian cùng đạp xe dạo phố để cảm nhận mùa thu Hà Nội.

Trên hành trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Mark Rutte về cảnh đẹp và các công trình lịch sử của Hà Nội. Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng với vẻ đẹp kết hợp giữa hiện đại và cổ kính của Hà Nội.

Là người trực tiếp đạp xe cùng hai Thủ tướng, Đại sứ Ngô Hướng Nam chia sẻ: “Đó là những giờ phút thực sự cảm động bởi truyền thống, văn hóa đạp xe được hai lãnh đạo thực hiện ngay trên đường phố Hà Nội”. Những chiếc xe có gắn logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan với hình hoa sen và hoa tulip cách điệu. 

Đại sứ cho biết, Hà Lan là vương quốc của xe đạp, số lượng xe đạp nhiều gấp 2-3 lần dân số nước này. Họ đã xây dựng hệ thống giao thông rất khoa học dành riêng cho xe đạp và người dân rất chịu khó đạp xe. “Một điều đáng khâm phục là dù thời tiết mưa, gió nhưng người Hà Lan vẫn đạp xe”, Đại sứ bày tỏ.

Hình ảnh hai Thủ tướng cùng đạp xe đã truyền tải thông đẹp về sự “xanh hóa” trong giao thông, giao thông sạch, giảm thiểu ùn tắc, tốt cho sức khỏe. 

Hoạt động này mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm trong quản lý giao thông, phát triển năng lượng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu của Hà Lan.

Trong chuyến thăm Hà Lan (12/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, được ví như “thung lũng Silicon của châu Âu”, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan. 

Tại đây, Thủ tướng đã đề nghị hai nước hợp tác trong kết nối trí tuệ (Brainport), hay còn gọi là kết nối công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Đến chuyến thăm Việt Nam mới đây (đầu tháng 11/2023) của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutter, tháp tùng ông có gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao Hà Lan sang tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết, Hà Lan có diện tích nhỏ (bằng 1/8 diện tích của Việt Nam), dân số ít (gần 18 triệu người), nhưng lại đứng thứ 17/20 quốc gia phát triển nhất thế giới, đầu tư vào Việt Nam đứng thứ 7, về thương mại với Việt Nam đứng thứ nhất trong khối Châu Âu. 

“Một nước nhỏ nhưng tầm vóc không nhỏ. Họ tự hào vì có 3 cảng đó là cảng biển (Seaport), cảng hàng không (Airport) và cảng của trí tuệ (Brainport)”, Đại sứ phân tích.

Về Brainport, rất ít quốc gia đề cập đến nhưng Hà Lan lại nêu cao vì đây là quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo. Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, được coi là thành phố thông minh và trung tâm công nghệ lớn của châu Âu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế, nghiên cứu và giáo dục đại học lớn nhất của Hà Lan, cái nôi của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Philips, Daf Trucks, Brabantia, SendCloud… cùng hàng nghìn công ty đa quốc gia và nhà nghiên cứu.

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Hà Lan đứng thứ 7 thế giới, họ đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Đại sứ dẫn chứng, doanh thu năm 2022 của công ty Hà Lan ASML (công ty duy nhất trên thế giới sản xuất các loại máy chế tạo chip cực kỳ tinh vi) là 23 tỷ USD, họ trích ra 4 tỷ USD đầu tư cho R&D. 

Các công ty đều trích ra số tiền lớn để phục vụ cho R&D, cho nên họ mạnh về phát minh ra những công nghệ mới, các thiết bị máy móc luôn nằm ở phân khúc cao (máy chủ, máy cái).

Hà Lan rất tự hào về hệ sinh thái Brainport với mô hình “3 nhà”, kết hợp giữa Nhà nước/Chính phủ với nhà khoa học (các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đại học) và nhà doanh nghiệp. Tất cả tạo nên hệ sinh thái gắn kết và thành công.

Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Brainport Eindhoven đã bày tỏ ấn tượng về mô hình “3 nhà”, mong muốn áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. 

Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết, thực tế, mô hình này đã được thực hiện thành công tại tỉnh Bình Dương từ vài năm trước, giúp tỉnh trở thành khu vực phát triển nhanh, lọt top những thành phố có chỉ số sáng tạo đổi mới cao trong khu vực. Phía Hà Lan cũng bày tỏ vui mừng khi mô hình này áp dụng thành công tại Bình Dương, họ mong muốn triển khai thêm ở các địa phương.

Việt Nam và Hà Lan đã nhất trí đưa Brainport vào áp dụng tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc (Hà Nội).

>> Kỳ tới: Quảng bá Việt Nam từ những dòng trạng thái hàng nghìn lượt thích

Ảnh: VietNamNet, VGP

Thiết kế: Nguyễn Cúc