icon icon

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong năm 2023 TP sẽ làm sống lại các công viên. Ủng hộ chủ trương này, đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An lưu ý, TP phải lấy người dân làm trung tâm khi cải tạo, xây mới công viên.

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích khoảng 300ha, chiến 2% diện tích đất. Trong đó, 4 quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, đạt 2,08 m2/người.

Tính từ năm 2014 đến 2030, kế hoạch đạt 710 ha cây xanh đô thị trong nội thành của TP Hà Nội đã đi qua được nửa chặng đường, thế nhưng phần lớn dự án còn nằm trên giấy hoặc khởi công xong rồi ‘đắp chiếu’.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kinh phí sửa chữa, khắc phục các hạng mục hư hỏng, xuống cấp trong công viên trên địa bàn hiện nay còn hạn chế. Với 9 công viên đã khởi công nhiều năm qua nhưng tồn tại hàng loạt bất cập dẫn đến chậm tiến độ.

Dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang  còn dang dở

Công viên hồ điều hòa Việt Hưng trong tình trạng xuống cấp, hoang tàn

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, trong quy hoạch chung Thủ đô, công viên, hồ điều hoà chiếm 5-7% diện tích phát triển đô thị. Riêng khu vực phía Tây Hà Nội, tất cả các công viên, hồ điều hòa xây dựng chưa hết.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo, chỉnh trang, đầu tư xây dựng, nâng cấp 50 công viên, vườn hoa.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, trong năm 2023, thành phố sẽ làm ‘sống lại’ các công viên trên địa bàn. Người dân thành phố sẽ được hưởng lợi một cách công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các công viên trên địa bàn.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, thành phố sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. “Mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Chứ không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn dẫn chứng, Công viên Thiên Văn học (quận Hà Đông) do Tập đoàn Nam Cường đầu tư, sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý sẽ phải bàn giao về cho thành phố quản lý. “Còn chủ đầu tư muốn thu phí vào công viên thì TP không đồng ý. Bởi đây là công viên phục vụ cộng đồng, nên không thu phí người dân vào tham quan”, ông Dương Đức Tuấn nói.

Trao đổi với PV. VietNamNet, đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An cho biết, không gian vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô đang thiếu. Do vậy, cá nhân bà hoàn toàn ủng hộ kế hoạch làm ‘sống lại’ các công viên trên địa bàn TP Hà Nội. “Hà Nội có thể không giàu nhất cả nước, nhưng về văn hoá, giáo dục, khoa học phải cố gắng đứng đầu”, bà Bùi Thị An nói.

Để làm ‘sống lại’ các công viên trên địa bàn thành phố, theo bà Bùi Thị An, các cấp ngành của Hà Nội phải tổ chức rà soát lại từng công viên, xem xuống cấp đến mức nào để đưa ra phương án cải tạo, sửa chữa. Còn với những công viên được đầu tư theo hình thức xã hội hoá nhưng bị 'đắp chiếu' nhiều năm, các cấp của TP Hà Nội cần phải vào cuộc đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, chủ trương xã hội hóa đầu tư, xây dựng công viên là cần thiết. Tuy nhiên, không có chuyện khi xã hội hóa thì doanh nghiệp có quyền quyết định mọi thứ trong công viên.

Sau nhiều năm đưa vào khai thác, các trò chơi trong công viên Thống Nhất đã cũ kỹ, lạc hậu

Do vậy, TP Hà Nội phải giám sát chặt chẽ, xem chủ đầu tư có làm công viên đúng quy hoạch hay không, đúng tiến độ đặt ra hay không. Nếu có bất cứ sai phạm gì,  thành phố phải dừng ngay lập tức, nếu không sẽ dẫn đến lãng phí. Không để xảy tình trạng, đất xây công viên thì bỏ hoang, còn người dân thì không có chỗ vui chơi”, bà Bùi Thị An nói.

Theo bà Bùi Thị An, quá trình làm ‘sống lại’ công viên, TP Hà Nội phải lấy ý kiến nhân dân trong khu vực. Từ đó, chắt lọc ý kiến để cải tạo, xây dựng công viên phù hợp với quy hoạch, mong muốn của người dân. “Công viên được cải tạo, xây mới phải phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người dân. Còn xây xong mà nặng về tính thương mại, thu phí, không ai dám vào thì lại gây lãng phí”, bà Bùi Thị An lưu ý.

Do vậy, bà Bùi Thị An cho biết, trước khi cải tạo, xây dựng công viên, TP Hà Nội phải xác định rõ chủ đề của mỗi công viên là gì. Công năng của công viên như thế nào. “TP Hà Nội phải ‘cắt’ hết những vấn đề chưa phù hợp trong công viên đi, đừng để nặng về kinh doanh quá. Hà Nội phải lấy người dân làm trung tâm khi cải tạo, sửa chữa công viên”, bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Hạ tầng công viên Chu Văn An đã bị xuống cấp khi còn đang xây dang dở

Cùng vấn đề trên, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết, tỷ lệ không gian xanh ở Hà Nội còn thiếu rất nhiều. Do vậy, ông Trần Huy Ánh hoàn toàn ủng hộ kế hoạch làm ‘sống lại’ công viên, vườn hoa của lãnh đạo TP Hà Nội.

Bởi theo ông, công viên là một phần của lợi ích công, do vậy TP Hà Nội phải có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho nhân dân.

“Khi thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu này, cử tri, HĐND TP có quyền truy trách nhiệm của những người có liên quan”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

Quá trình cải tạo, xây dựng công viên, theo ông Trần Huy Ánh, TP Hà Nội phải dỡ tất cả các hàng rào hiện có, để người dân có thể tiếp cận không gian vườn hoa, cây xanh một cách dễ dàng.

“Công viên là tài sản công. Do vậy, người dân có quyền được hưởng thụ mà không phải mất phí ra vào. Theo tôi, quá trình làm ‘sống lại’ công viên, TP Hà Nội phải bỏ ngay tư tưởng thu phí vào công viên. Bởi việc này vừa không đủ tiền nuôi người thu phí, mà còn khiến người dân ngại ra vào công viên”, ông Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

Kỳ tiếp: Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, TP Hà Nội phải ‘đánh thức’ công viên hiện có. TP Hà Nội có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, trong đó có cả xã hội hoá, nhưng đừng quá thiên về chuyện ‘làm ăn’ trong công viên. Mời quý độc giả đón đọc bài 10... 

Tin nổi bật

Đi đến trang sự kiện