Tại cuộc đối thoại với 1 triệu giáo viên mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định đội ngũ giáo viên luôn là nhân tố quan trọng và là tài sản quý nhất của ngành giáo dục nước nhà. Do đó, việc phát triển lực lượng nhà giáo được xem là giải pháp của mọi giải pháp. 

Có thể thấy, nghề giáo vốn cao quý nhất trong những nghề cao quý nhưng thực tế hiện nay các giáo viên, đặc biệt là thầy cô thuộc khối mầm non, vùng xa, biên giới, hải đảo… vẫn chưa thực sự yên tâm công tác, thậm chí luôn cảm thấy thiệt thòi, nhất là trước mỗi sự kiện đặc biệt của ngành.

Đời sống giáo viên khó khăn, cơ cấu giáo viên mất cân đối giữa các vùng có điều kiện kinh tế xã hội… là loạt các vấn đề khiến công tác phát triển nhà giáo hiện nay đang gặp nhiều thách thức.

Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Phan Thị Thanh Hương, giáo viên Trường Mầm non Thanh Bình (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết, bên cạnh niềm đam mê giảng dạy và sự yêu thương dành cho trẻ, cô cùng đồng nghiệp vẫn luôn phải băn khoăn chuyện “cơm áo, gạo tiền”. 

“Tôi rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến đời sống, chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non để chúng tôi có thể sống được bằng nghề, có thêm động lực và dành hết tâm trí vào sứ mệnh nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ”, cô Hương nói.

Mong ước của cô Hương cũng là ước mong của rất nhiều giáo viên trên cả nước, đặc biệt trong bối cảnh mức lương giáo viên “vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra”, thậm chí theo nhiều người còn “thấp hơn so với mức sống của toàn xã hội”.

Nhiều giáo viên chia sẻ dù đã đi làm cả chục năm, cuối tháng vẫn nhận mức lương 5-6 triệu đồng. Quá nửa trong số đó dùng để đóng học cho các con. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ để đi chợ chừng nửa tháng. Vì thế, việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô.

Cũng vì lý do đó, không ít giáo viên muốn ở lại với nghề đành phải “làm công việc tay trái để nuôi nghề tay phải”. Số khác chấp nhận nghỉ việc, chuyển việc vì không thể sống mãi trong cảnh tính toán chi ly, co kéo từng đồng với khoản tiền lương eo hẹp.

Theo thống kê của ngành giáo dục, tính đến tháng 9, toàn quốc có hơn 17.000 giáo viên nghỉ, chuyển việc; bình quân cứ 100 nhà giáo, có một người ra khỏi ngành. Thực trạng này luôn là vấn đề “nóng rẫy” không ít lần được nhắc trong tại các cuộc đối thoại, chất vấn liên quan đến ngành. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng từng nhiều lần kiến nghị cần cấp bách tăng lương cho giáo viên để cải thiện đời sống và giảm tình trạng thôi việc.

Dẫu vậy, qua rất nhiều năm, thu nhập của giáo viên vẫn là nỗi “đau đầu” của ngành giáo dục.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) bày tỏ mong mỏi giáo viên sẽ được nhận đồng lương “nguyên vẹn” hàng tháng, thay vì mỗi lần nhận phải gánh kèm một khoản đóng góp “tự nguyện” nào đó, được vận động trừ qua lương. 

“Đồng lương giáo viên đã eo hẹp, còn đủ thứ quỹ, thật khó để vơi đi những suy tư”, ông Tuấn Anh nói.

Trong số 1,6 triệu giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục, nhiều thầy cô là giáo viên miền núi, biên giới, hải đảo. Có những người thầy bền bỉ suốt nhiều năm băng suối, vượt đèo, gùi con chữ tới miền xa, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng để dành tình yêu cho học trò.

Nhiều giáo viên đi “gieo chữ” vùng khó không chỉ là người dạy học mà giống còn như một người đi khai sáng.

Cũng bởi những khó khăn ấy, nhiều địa phương đang phải đối mặt với vấn đề bức thiết là thiếu giáo viên trầm trọng. Như tại Mèo Vạc – huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang và là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước – trong năm học trước gặp phải tỉnh cảnh “rối ren” khi 18 trường tiểu học nhưng chỉ có duy nhất 1 giáo viên dạy Tiếng Anh.

“Trước đây, huyện có 2 giáo viên dạy khối tiểu học nhưng họ chuyển công tác về vùng xuôi vào các năm 2020, 2021”, ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) nói. Theo ông, điều này đã tạo áp lực cho ngành giáo dục huyện.

Từng là giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học duy nhất của huyện Mèo Vạc, cô Nông Thị Uyên, sinh năm 1995, cho biết không ít lần rơi vào cảnh “có điều gì muốn hỏi ngay thì chẳng biết hỏi ai”.

Huyện Mèo Vạc, ngoài cô Uyên, mới đây đã tuyển được thêm 3 giáo viên Tiếng Anh biên chế cho tiểu học, song so với nhu cầu số lớp vẫn thiếu rất nhiều.

Cũng như cô Uyên, nhiều giáo viên vùng khó khăn mong muốn điều kiện làm việc của giáo viên được cải thiện để yên tâm công tác, như hỗ trợ xây dựng nhà công vụ kiên cố, đưa điện nước đến các điểm trường khó khăn; tăng cường thời gian nghỉ phép hợp lý; công tác luân chuyển giáo viên được thực hiện nghiên túc, công bằng để nhiều thầy cô sau thời gian cắm bản không phải loay hoay tìm đường về xuôi…

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đồng tình đây đều là những giải pháp để “giữ chân” giáo viên vùng khó.

“Đối với giáo viên vùng cao, phải an cư mới lạc nghiệp. Ngoài chế độ tiền lương (hiện nay về cơ bản Nhà nước đã quan tâm đến giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn), cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ về mặt tinh thần, cuộc sống, về nhà công vụ. Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tương tự như hỗ trợ cho những gia đình có công với đất nước”, ông Thành nói. 

Vấn đề vị thế của người thầy cũng là điều được nhiều thầy cô mong mỏi. Hầu hết thầy cô mong vị thế của nhà giáo sẽ được xác lập trở lại, xứng đáng với công sức, tâm huyết của các thầy cô.

Cô giáo Phan Thị Thanh Hương cho hay, với phụ huynh học sinh, cô cùng đồng nghiệp mong nhận được sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả mà giáo viên mầm non đã và đang gặp phải.

“Trước những thông tin phản ánh tiêu cực về nghề giáo, đặc biệt về người giáo viên mầm non, tôi mong phụ huynh bình tĩnh, nhìn từ nhiều phía, nhiều khía cạnh, để khách quan, tránh quy chụp, đánh đồng tất cả giáo viên đều tiêu cực, từ đó tạo nên xa cách trong mối quan hệ vốn cần khăng khít”, cô Hương nói.

Không ít giáo viên cũng bày tỏ sự tổn thương, nhất là khi mạng xã hội bùng nổ, giáo viên bỗng trở thành một nghề nguy hiểm.

Là một nhà giáo lâu năm, chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của ngành trong 30 năm qua, thầy Hồ Tuấn Anh mong mỏi Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhà giáo, có những chính sách phù hợp để nhà giáo có vị thế và được xã hội tôn trọng.

“Tôi cũng mong muốn các ngành, các cấp quản lý tốt hơn các nền tảng mạng xã hội và phải làm sao cho mạng xã hội trở thành động lực đồng hành cùng ngành giáo dục, với giáo viên. Bởi hiện nay, mạng xã hội đang gây nhiều áp lực, thậm chí ảnh hưởng nhất định lên cả hệ thống giáo dục”, ông Tuân Anh chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, một trong những nguyên nhân gây áp lực lớn với giáo viên là việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, chụp hình và đưa các thông tin lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc. Thậm chí, không ít phụ huynh “nổi cơn thịnh nộ” khi biết con mình bị giáo viên lỡ phạt hay đòn roi, thậm chí tìm cách tác động để trừng phạt ngược.

Trước những áp lực đó, ngày càng nhiều người thầy dần rời bục giảng hoặc chọn thỏa hiệp, lạnh nhạt với nghề để tránh phiền phức. 

Trong những trường hợp này, theo PGS.TS Trần Thành Nam, chính giáo viên cũng là người cần phải được “chữa lành”.

Trước hàng loạt mong mỏi của giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ông rất thấu hiểu, nhưng thực tế ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể. Để làm được những việc khó phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn càng cần phải hiệp lực đồng tâm.

Về vấn đề lương giáo viên, theo vị tư lệnh ngành, trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập thông qua phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn, nhưng so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay, thu nhập của giáo viên vẫn đang ở mức thấp.

“Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học”, ông Sơn chia sẻ.

Với những thầy cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn sự tận tâm cống hiến với sự nghiệp “trồng người”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhắn nhủ, vượt khó là một việc rất khó, nhưng vượt qua, đổi mới được bản thân mình cũng là việc hết sức khó.

“Nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình nữa thì giáo dục của chúng ta vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó. Mà những chân trời của sự phát triển con người không chỉ dừng ở chỗ vượt khó. Vì vậy, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm ở phía trước, mặc dù sự vượt khó đã là vô cùng đáng quý”, Bộ trưởng nói.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ, nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm, trước hết, nhà giáo cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ, giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để nhà giáo khẳng định được giá trị bền vững, giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp, lan toả cho xã hội.

Trong phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phạm Thị Thanh Trà cho rằng nhìn tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương, tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp.

Do đó, trong thời gian tới đây, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. “Điều này là nhất quán”, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.

Bài: Thúy Nga - Thanh Hùng

Thiết kế: Minh Hòa