Chiều 19/11, Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023. Đây hầu hết là các thầy cô ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy.

Hơn 10 năm công tác tại vùng sâu, vùng xa, cô Hoàng Thị Vân, giáo viên Trường Mầm non Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), vẫn nhớ như in những ngày đầu “bám lớp”, đường sá đi lại khó khăn, hầu hết phụ huynh là người dân tộc Nùng và Mông vẫn chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Thời điểm ấy, bản thân cô Vân cảm thấy “nản chí rất nhiều”.

Không những vậy, cả cô và trò cùng bất đồng ngôn ngữ, cô nói trò không hiểu, trò nói cô không hiểu. Để kết nối được với học trò, cô Vân phải nhờ những học sinh lớp lớn biết nói tiếng phổ thông dạy lại tiếng dân tộc cho mình. Nhờ vậy, trong quá trình giảng dạy, cô giáo trẻ mới có thể sử dụng song ngữ để giao tiếp với học trò.

Nhưng sau 1 năm công tác, khi đã quen với nếp sinh hoạt của người Xín Mần, cô Vân càng thấy yêu nghề và muốn gắn bó, không còn ý định bỏ việc.

“Nơi em công tác vốn là vùng khó khăn, học sinh cũng không quan tâm lắm đến ngày 20/11. Trong dịp này, bản thân giáo viên chỉ mong học trò của mình đi học đầy đủ đã rất vui rồi. Vào mùa mưa lũ, nếu học trò không qua suối cũng sẽ không tới trường”, cô Vân nói.

bo truong trao bang khen.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho thầy Hà Văn Thạo, giáo viên Trường Mầm non Pù Nhi (Thanh Hóa) 

Là giáo viên nam duy nhất dạy bậc mầm non ở huyện Mường Lát, thầy Hà Văn Thạo, giáo viên Trường Mầm non Pù Nhi (Thanh Hóa) cho hay thời gian đầu vào nghề, bản thân thầy cũng phải vượt qua những khó khăn về tâm lý, cố gắng bắt nhịp để đồng hành cùng những nỗ lực của nhà trường.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Vì thế, giáo viên phải là những người động viên phụ huynh, khơi gợi niềm đam mê học tập ở trẻ. 

Ngoài ra, thầy Thạo cũng như nhiều giáo viên mầm non khác, cùng chung trăn trở về chế độ dành cho thầy cô vùng cao. Thầy mong trong thời gian tới, giáo viên có thể sống được với nghề, từ đó thêm niềm tin để yên tâm công tác.

dai bieu.jpg

Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự tận tâm của các thầy cô, đặc biệt là những thầy cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. 

“Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Đó vừa là quyết tâm, vừa là chỗ dựa để các thầy, cô theo được nghề và làm tốt sứ mệnh của mình”, Bộ trưởng nói.

Theo người đứng đầu ngành, Bộ GD-ĐT xác định, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của giáo dục và đào tạo. Vì thế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và về chất.

Dẫu vậy, đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo. Sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu, sự đổi mới của ngành giáo dục cũng sẽ đạt được đến đó.

Cho nên theo Bộ trưởng, nếu giáo viên chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó. 

“Những chân trời của sự phát triển con người không chỉ dừng ở chỗ vượt khó. Vì vậy, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm ở phía trước, mặc dù sự vượt khó đã là vô cùng đáng quý. 

Thầy cô cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ để giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để khẳng định được giá trị bền vững của nghề nghiệp”, Bộ trưởng chia sẻ.

Thúy Nga - Sơn Ca