Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ, có một tình yêu đặc biệt Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Bác từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”.

Cũng như nhiều thiếu niên, nhi đồng may mắn được gặp Bác, cô bé Hồ Mộ La được gặp Bác lần đầu lúc 2 tuổi, ở Trung Quốc. Suốt những tháng năm sau đó, Hồ Mộ La được gặp, gần gũi và được bác dạy bảo, dạy cả quốc tế vũ và thái cực quyền.

Năm nay, ở tuổi 92, bên trong căn hộ nhỏ trên phố Định Công (Hà Nội), nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La vẫn giữ thói quen đệm đàn piano và say sưa với những giai điệu hào hùng, những câu chuyện về một thời gần bên Bác.

Bà Hồ Mộ La được biết đến là ca sĩ, nghệ sĩ, nhà giáo ưu tú. Cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp giảng dạy thanh nhạc, phát hiện và đào tạo nhiều thế hệ học trò là nghệ sĩ, ca sĩ thuộc dòng nhạc thính phòng.

Bà sinh năm 1930, xuất thân trong một gia đình cách mạng yêu nước, quê gốc ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An có cha là cụ Hồ Học Lãm.

Hồi còn ở Trung Quốc, gia đình cụ Hồ Học Lãm là điểm hẹn, cơ sở đón tiếp các chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trịnh Đông Hải…, sau đó là Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên… đến bàn việc cứu nước, giải phóng dân tộc. Đây cũng là nơi cung cấp tin tức mỗi khi người của Việt Nam bị bắt hoặc bị đe dọa đến tính mạng.

Cụ Hồ Học Lãm từng theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật Bản trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục từ năm 1907. Dù không phải là đảng viên cộng sản nhưng cụ Hồ Học Lãm sống như người cộng sản chân chính, dâng hiến cho lý tưởng cao quý đã lựa chọn. Ngày nay, tên cụ đã được đặt cho cho những con đường ở quận Bình Tân (TP.HCM), quận Sơn Trà (Đà Nẵng), TP Vinh (Nghệ An).

Kể về những lần được gặp Bác Hồ, niềm hạnh phúc, cảm xúc lại ùa về với bà Hồ Mộ La. Theo bà, đây là mối quan hệ đặc biệt của gia đình với Bác Hồ, đến giờ, mỗi lần kể lại, bà vẫn luôn tự hào.

“Trong hồi tưởng của tôi, những lần được gặp nhà lãnh đạo Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc là quãng thời gian tôi còn rất nhỏ, lúc đó mới 12, 13 tuổi, nhưng luôn để lại trong tôi những xúc động mạnh, đến giờ tôi vẫn nhớ”, bà Hồ Mộ La kể.

Đó là một chiều thu năm 1942, gia đình bà Hồ Mộ La nhận được bức thư gửi từ trong nước sang, đó là thư của ông Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng).

Thời điểm đó, cha bà - cụ Hồ Học Lãm đã bệnh ngày một nặng. Chị gái bà là Diệc Lan phải đọc thư cho cha nghe ở bệnh viện. Nghe xong, cụ Hồ Học Lãm trầm tư, còn mẹ bà thì nói ngay: “… người mà các anh em lo lắng quan tâm đến như vậy, đó chắc chắn là biệt danh của Nguyễn Ái Quốc”.

Gia đình cụ Hồ Học Lãm khi đó trở thành đầu mối thông tin, sợi dây liên lạc đến ngày được gặp Bác ở Liễu Châu.

Nhớ lại thời điểm đó, bà Hồ Mộ La chia sẻ, khi ấy bà vẫn chưa hình dung được người có tên Hồ Chí Minh là ai. Đến năm 1943, mẹ bà hỏi có muốn đi Liễu Châu thăm ông cụ (cách gọi của gia đình với nhà lãnh đạo Nguyễn Ái Quốc) không, bà cười, ánh mắt sáng lên, háo hức được đi thăm. Đó là quãng cuối tháng 6, trẻ nhỏ còn được nghỉ hè. 

“Hồi đó, tôi giấu mẹ chuyện đầu tháng 7 phải đại diện cho nhà trường đi thi hát. Sợ mẹ biết sẽ không cho tôi đi Liễu Châu nữa. Còn tôi thì háo hức muốn gặp mặt người có tên Nguyễn Ái Quốc mà gia đình hay nhắc”, bà kể.

Trong hành trình về Liễu Châu gặp Bác, mẹ con bà phải ngồi bệt, gà gật trên sàn xe lửa. Lúc đến nơi, trời đã rạng sáng, hai mẹ con lập tức ngồi xe kéo đến trụ sở Việt Cách và được đưa vào một phòng khách rộng ngồi chờ.

Bà Hồ Mộ La nhớ lại: "Khi ngồi chờ, có rất nhiều người bước vào phòng khách, tôi giương to đôi mắt, đầu óc căng thẳng quan sát nhưng không nhìn ra ai có dáng vẻ như mẹ vẫn kể. Đang đứng ngơ ngác giữa mọi người, bỗng một cánh tay kéo tôi đặt ngồi lên đùi. Ngoảnh lại, thấy đó là một người đàn ông có chòm râu, gương mặt thần thái, tôi nghĩ ngay đến người có tên Nguyễn Ái Quốc".

Trong thời gian ở Liễu Châu, cô bé Hồ Mộ La được nhiều lần gặp gỡ Bác Hồ. Khi đã gần gũi, thân tình, tính tò mò và nghịch ngợm của trẻ nhỏ được dịp bộc phát.

“Tôi nhờ ông cụ dạy tôi hỏi bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Rồi ông cụ dạy tôi nhảy quốc tế vũ. Vì không có nhạc nên cầm tay nhau đi theo nhịp. Được một lúc tôi chán, ông cụ dạy tôi múa thái cực quyền. Ông cụ múa rất dẻo, nhiều tư thế rất khó bắt chước khiến tôi nhìn lại chán, không múa võ theo cụ nữa”, bà Hồ Mộ La kể.

Trong tâm trí của bà Hồ Mộ La, người có tên Nguyễn Ái Quốc luôn cười hiền hậu, đôi khi xoa đầu và hỏi: “Lớn lên cháu thích làm gì?”. Mộ La trả lời: “Cháu thích học nhạc, thế có được không ạ?”. Ông cụ cười tủm tỉm và nói: “Chú thấy học nghề gì cũng được, miễn là yêu nước, lấy nghề đó phục vụ nhân dân”.

Ngày đó Bác còn kể cho Mộ La nghe, trong âm nhạc thế giới có nhạc sĩ vĩ đại nhưng hai mắt lại mù lòa; lại có nhạc sĩ hai tai bị điếc, nhưng hai nhạc sĩ đó đều vĩ đại. Sáng tác của họ đều ca ngợi tinh thần anh hùng của nhân dân lao động...”

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lời Tuyên ngôn Độc lập bất hủ vang vọng khắp năm châu bốn biển vào ngày 2/9/1945, đã không chỉ thôi thúc nhân dân trong nước mà cả những người con thân yêu của Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào) cùng đem sức mình đóng góp vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước.

Sau khi cụ Hồ Học Lãm qua đời, năm 1946, cô gái Hồ Mộ La cùng mẹ già và chị gái về nước sống trong tình cảm thân thương, đùm bọc của đồng bào, đồng chí.

Ngay sau khi về nước, cô đã tham gia đội tuyên truyền kháng chiến liên khu IV, sau được chuyển vào hoạt động nội thành Huế, Quảng Trị,… với nhiệm vụ động viên thương binh, bộ đội, nhân dân kháng chiến chống Pháp. Vì lớn lên và học ở Trung Quốc, khi về nước, Mộ La mới được học chữ quốc ngữ. Nhờ nhà thơ Chế Lan Viên dạy mà bà mới biết viết tiếng Việt.

Năm 1950, khi 20 tuổi, Hồ Mộ La là giáo viên Trung văn, làm phiên dịch. Bà tiếp tục học văn hóa tại Trường Văn hóa công - nông Hoàng Hữu Nam của Khu ủy khu 4 mở. Đến năm 1953, bà được tuyển vào làm diễn viên của đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị).

Một chiều cuối năm 1953, cô gái Hồ Mộ La được gặp lại Bác Hồ. “Tôi nhớ vào thứ Bảy hay Chủ nhật, khi anh Kháng (Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục bảo vệ) báo tôi đến Phủ Chủ tịch. Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp Bác, nhưng khi được gặp lại, trông Bác khỏe, nhanh nhẹn và đẹp như một ông tiên vậy. Tôi cảm nhận được ở Bác có một cái gì rất phi phàm, khiến cho suốt thời gian bên Bác, tôi không nói được câu gì”, bà Hồ Mộ La kể.

Do gần gũi với gia đình từ ngày còn ở Trung Quốc, Bác Hồ thân mật vỗ vai Hồ Mộ La và nói vui: "Mới ngày nào cháu còn mặc quần thủng, bây giờ đã to nậy (lớn) đến thế này...". Cô ấp úng thưa: “Bác ơi, khi gặp Bác ở Liễu Châu, cháu đã 13 tuổi rồi ạ”. Bác Hồ cười tươi: “Cháu quên chứ Bác thì không quên đâu”.

Sau lần gặp Bác, cô về nhà kể lại cho mẹ, bà giật mình và bảo: "Bác Hồ bận trăm công nghìn việc mà đã nhớ đúng, trí nhớ của Bác thật tuyệt vời".

Mẹ bà kể chi tiết hơn, đó là lúc Mộ La còn nhỏ, năm 1932, khi đó mới 2 tuổi đã cùng bà đến Thượng Hải và vinh dự được gặp Bác Hồ.

Sau hiệp định Geneva, năm 1956, bà Hồ Mộ La làm phiên dịch cho các chuyên gia ở lớp thanh nhạc đầu tiên của đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Cũng thời gian này, bà trở nên nổi tiếng khi thể hiện thành công bài hát “Em bé Mường La”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.

Năm 1957, bà theo học lớp hợp xướng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Triều Tiên. Tháng 8/1959, bà được nhà nước cử đi học Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Tchaikovsky ở Moskva, Liên Xô. Tại đây, bà đã lĩnh hội và tiếp thu một cách toàn diện nghệ thuật và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển và hiện đại của châu Âu.

Tốt nghiệp về nước, năm 1966, bà làm công tác tập huấn cho các đoàn văn công quân đội. Từ năm 1967 làm Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội). Năm 1984, bà Hồ Mộ La chuyển sang làm giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Bà ít đi biểu diễn hay thu thanh nhưng trong quá trình công tác đã phát hiện và đào tạo nhiều ca sĩ có tên tuổi của Việt Nam. Tâm huyết với sự nghiệp dạy thanh nhạc, bà còn dịch từ tiếng Nga và tiếng Trung nhiều tài liệu âm nhạc và sách giáo khoa âm nhạc.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 92, ngoài thời gian dành cho gia đình, bên chiếc đàn piano, với một nhiệt huyết dâng trào, bà Hồ Mộ La vẫn miệt mài giảng dạy thanh nhạc cho nhiều thế hệ ca sĩ. Bà đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, và giờ tiếp tục giáo dục thế hệ học trò, con cháu phấn đấu và học tập theo tấm gương Bác Hồ.

Nhà giáo Hồ Mộ La luyện đàn ở tuổi 92

>> Bài viết có tham khảo Cuốn sách Hồi tưởng về cha tôi Hồ Học Lãm và sử dụng các bức tranh ghép tem về Bác Hồ của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn

Thiết kế: Nguyên Ngọc