Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Những thành tựu nói trên là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây cũng là kết tinh nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan đối ngoại và ngành ngoại giao.

Một quốc gia tạo dựng, định vị được thương hiệu được xem như sở hữu chìa khóa vàng để mở những cánh cửa cơ hội tiếp cận với xu hướng mới của thế giới, phát triển đất nước. Chính từ quan điểm này, VietNamNet đã triển khai loạt bài “Định vị Việt Nam trên trường quốc tế”.

 

VietNamNet trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về công tác ngoại giao văn hoá, sự ảnh hưởng và vai trò trong hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện, việc cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người và chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Do vậy, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã xác định ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng khắp, đông đảo về lực lượng, đa dạng về thành phần và phong phú về nội dung. Điểm nổi bật nhất là ngoại giao văn hóa ở cấp cao, trong đó đặc biệt do 4 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội chủ trì và thực hiện.

Các hoạt động này đã tạo nên những đột phá, gia tăng tin cậy chính trị giữa ta với các đối tác. Hoạt động do các bộ ngành thực hiện như Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… đã có nhiều đổi mới, đóng vai trò chủ đạo, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam; nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động do địa phương, doanh nghiệp và người dân thực hiện, đặc biệt là những hoạt động có nội hàm văn hóa, là nền tảng cho gần 9000 sự kiện lễ hội hàng năm và hợp tác ngoại vụ của địa phương, cũng như đối ngoại nhân dân.

Ngoại giao văn hóa thực sự là vũ khí tâm công sắc bén, đã góp phần hoàn thành mục tiêu đối ngoại, đồng thời khiến các đối tác cảm phục khí phách, cốt cách của dân tộc ta. Từ đó, các đối tác tôn trọng, chia sẻ và ủng hộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, cần tập trung thực hiện tốt năm trọng tâm sau.

Một là gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các hoạt động ngoại giao văn hóa với hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế trong một tổng hòa công tác đối ngoại chung giàu bản sắc Việt Nam.

Hai là tăng cường nghiên cứu sâu về văn hóa Việt Nam và văn hóa các quốc gia trên thế giới, từ đó tham mưu chính sách và xây dựng kế hoạch triển khai ngoại giao văn hóa bài bản, phù hợp.

Ba là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các chủ thể của ngoại giao văn hóa, chú trọng triển khai ở từng địa phương, doanh nghiệp, với mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Bốn là đa dạng hóa việc huy động nguồn lực phục vụ triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa cụ thể.

Năm là thực hiện mô hình ngoại giao công chúng chuyên nghiệp, hiệu quả thông qua việc kết hợp hài hòa công tác ngoại giao văn hóa với công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, củng cố “sức mạnh mềm” của Việt Nam.

Nếu “quyền lực mềm” là một cái cây, thì ngoại giao văn hóa là bộ rễ vì nó chuyển hóa sức mạnh của nền văn hiến hơn 4000 năm của dân tộc ta thành sức mạnh mềm của quốc gia ngày nay. Đồng thời, ngoại giao văn hóa cũng là những bông hoa kết tinh và lan tỏa hương thơm, đưa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.

Năm 2023, ngoại giao văn hóa đã góp phần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, nâng cao hình ảnh, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, khi UNESCO công nhận Cát Bà là Di sản thế giới, đưa Hội An và Đà Lạt vào hệ thống các thành phố sáng tạo và vinh danh Danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam được nâng tầm khi Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch Đại hội Đồng UNESCO và được tín nhiệm bầu làm thành viên Ủy ban Di sản thế giới, là thành viên tại 5/5 cơ chế quan trọng của UNESCO. Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia đóng vai trò then chốt trong quyết định các vấn đề của UNESCO cũng như hồ sơ đệ trình để công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới tại những quốc gia thành viên UNESCO.

Là nước đang phát triển nhưng thương hiệu của Việt Nam đứng thứ 32/193 nước. Tháng 11 vừa qua, Nhật Bản đã mở cấp e-visa cho khách du lịch Việt Nam, Hàn Quốc nới lỏng yêu cầu khi cấp visa lao động cho 16 nước trong đó có Việt Nam.

Đối với địa phương và người dân trong nước, 60 danh hiệu vinh danh của UNESCO không chỉ gia tăng lòng tự hào của người dân mà còn uy tín, hình ảnh của địa phương. Ninh Bình, với việc phát huy các giá trị di sản trong đó Di sản thế giới Tràng An là nòng cốt, đã thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, trong lực lượng lao động của tỉnh chỉ còn 10% người làm nông nghiệp, 45% làm tại các khu công nghiệp và 45% làm du lịch. Nông nghiệp cũng tập trung vào những sản phẩm sạch, đặc thù, đặc hữu, đặc sản phục vụ du lịch. Doanh thu du lịch năm 2023 nhảy vọt, gấp đôi so năm 2019.

Như vậy, thành quả của ngoại giao văn hóa trong nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2023 không chỉ góp phần làm cây “quyền lực mềm” của Việt Nam lớn mạnh, xòe tán rộng hơn mà còn lan tỏa kết quả đó đến các địa phương và thấm sâu vào đời sống của nhiều người dân trong cả nước.

Văn hóa là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim, là nhịp cầu hữu hiệu kết nối với các dân tộc khác, thông qua việc chia sẻ những nét đẹp, giá trị và truyền thống của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Mỗi ý tưởng, mỗi sự kiện ngoại giao văn hóa được tổ chức đều xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, với mong muốn thể hiện một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác với các nước trên thế giới, cũng như mong muốn chia sẻ những giá trị văn hóa của mình, và học hỏi, tôn trọng những giá trị văn hóa của quốc gia khác.

Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam không chỉ là những cuộc gặp gỡ chính trị, kinh tế, mà còn là dịp để thể hiện sự hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam. Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức trà, đàm đạo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc dạo Bờ Hồ; Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng thư pháp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách cho Chủ tịch Quốc hội Cuba… đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam và các nước bạn.

Việc tổ chức những sự kiện ngoại giao văn hóa và trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương thể hiện sự kết nối và hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia khác ở nhiều mặt.

Trước hết, đó là sự quan tâm và tôn trọng của Việt Nam đối với các nền văn hóa khác, cũng như sự tự hào và tự tin về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thứ hai là sự khám phá và tận dụng những điểm tương đồng cũng như sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia, góp phần tăng cường, thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Thứ ba là gửi đi thông điệp về sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, cũng như mong muốn hợp tác với những nước khác trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Chúng ta rất tự hào khi Việt Nam được tín nhiệm bầu là một trong những Phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 42, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trúng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới với số phiếu rất cao.

Đây là thành công mới của Việt Nam trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội 13 về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng, triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước.

Nhận thức đây là cơ hội tốt để Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp thực chất hơn vào quá trình điều hành, định hình các chính sách, quyết định quan trọng của UNESCO, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đồng bộ triển khai, hiện thực hóa các ý tưởng tận dụng các sáng kiến của UNESCO, cùng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các di sản và danh hiệu UNESCO khác của Việt Nam.

Trên phương diện quốc tế, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới tham gia đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của 1199 di sản thế giới (933 di sản văn hóa, 227 di sản thiên nhiên, 39 di sản hỗn hợp, 56 di sản ở tình trạng bị đe dọa); quản lý Quỹ di sản thế giới; có tiếng nói trong việc ghi danh các di sản thế giới mới, cũng như hỗ trợ các quốc gia châu Phi, các tiểu quốc đảo đang phát triển… xây dựng các hồ sơ di sản mà các quốc gia này đệ trình, qua đó, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Về góc độ phát triển quốc gia, đây là cơ hội quý báu để ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tích lũy, cập nhật các bài học hay, kinh nghiệm tốt trong công tác bảo tồn, quản lý, huy động nguồn lực, để phát huy giá trị các di sản thế giới của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, góp phần phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững các địa phương.

Tới đây, vào tháng 10/2024, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ cùng tổ chức UNESCO và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 các Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 Sự kiện dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo UNESCO, các đại sứ, chuyên gia và đại diện những địa phương có công viên địa chất của 44 quốc gia trong khu vực. Đây có thể sẽ là hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn nhất mà Việt Nam sẽ đăng cai trong năm 2024.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Thiết kế: Minh Hòa

Ảnh: VietNamNet, TTXVN, Quốc hội

Chính khách đạp xe dạo phố, ăn bánh mì, uống cà phê

Chính khách đạp xe dạo phố, ăn bánh mì, uống cà phê

Gần đây, chính khách nước ngoài được lãnh đạo cấp cao nước ta mời trải nghiệm những hoạt động thú vị khi sang thăm chính thức Việt Nam. Việc này không chỉ có ý nghĩa thân tình giữa lãnh đạo hai bên mà còn mang nhiều kỳ vọng, thông điệp.