Vẫn phải ôm sách vở không còn tâm trí để ăn Tết
 
Hoàng Kim Ánh, sinh viên năm 3, ngành Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, Trường ĐH Ngoại Thương (Hà Nội), cho biết lịch thi cuối kỳ dồn dập ngay sát dịp Tết Nguyên đán cũng khiến Ánh cảm thấy “khó tập trung ôn thi”. Theo thông báo, lịch thi của Ánh sẽ kéo dài từ 27/12 đến hết 16/1 với 5 môn thi, trong đó có 4 môn chuyên ngành.
 
“Lịch thi qua Tết dương và kết thúc trước Tết âm chỉ vài ngày nên em không có thời gian chuẩn bị hay phụ giúp được bố mẹ nhiều trong những ngày cuối năm. Những ngày này, em vẫn vừa đi làm thêm, vừa ôn thi nên mọi thứ cũng hơi áp lực và quá tải”- Ánh nói.
 
Còn với Hoàng Văn Hùng, sinh viên năm nhất, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Tết năm nay sẽ “không mấy vui vẻ” khi lịch thi kéo dài từ sau Tết dương đến qua Tết âm.

Cụ thể, theo thông báo của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên sẽ thi học kỳ từ 26/12 – 4/2; riêng sinh viên K67 sẽ thi từ 3/1 đến 4/2. 

Mặc dù chưa có lịch thi từng môn, nhưng Hùng cho rằng, “ăn Tết nhưng vẫn phải ôm sách vở thì cũng không còn tâm trí để ăn Tết nữa”. Nam sinh dự định sẽ dành 2 ngày đầu tiên của năm mới để ăn Tết trọn vẹn bên gia đình, những ngày sau đó sẽ tập trung toàn bộ thời gian để ôn luyện những môn học còn lại trong lịch thi.

(Ảnh minh hoạ)



 
Không để “deadline” tồn đọng quá nhiều
 
Trần Phạm Cẩm Tú, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại một trường ĐH ở TP.HCM kể, ban đầu Tú gặp khó khăn trong việc sắp xếp và nhớ lại kiến thức, nên Tú tự ôn tập và hỏi bài từ các bạn cùng ngành. Nhưng thấy bản thân tự học chưa đủ, Tú mạnh dạn rủ các bạn cùng ngành lập team cùng ôn kiến thức từ cơ bản đến các bài tập khó, rồi luyện các đề thi.

Bài nào khó quá không làm được thì nhờ sự hỗ trợ của giảng viên bộ môn đến lúc kiến thức dần hoàn thiện. Gần ngày thi Tú tập trung vào ôn lại bài trước đó để đủ kiến thức và tự tin đi thi.

Bí quyết của sinh viên Trần Tuấn Anh, K10, ngành Công Nghệ Thông Tin, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là không để deadline tồn đọng quá lâu, hay để sát ngày thi rồi mới bắt đầu làm. Đặc thù ngành học Công nghệ thông tin là làm đồ án rất nhiều, nếu đợi lúc kết thúc môn mới bắt đầu làm sẽ không kịp. Do vậy, Tuấn Anh xử lý các deadline ngay khi học thêm kiến thức mới trên trường, hạn chế tối đa dồn việc cho buổi khác. 
 
Đối với những môn thi làm tiểu luận, phần lớn kiến thức là điểm mấu chốt, nên chỉ cần vững kiến thức là được. Tuấn Anh sẽ dành 1-2 tuần trước khi nộp bài, dậy sớm vào buổi sáng để tìm hiểu và ghi nhớ lại những kiến thức cần thiết, sau đó tiến hành bổ sung vào bài tiểu luận, 
 
“Có thể không nhiều nhưng với việc làm như vậy, deadline sẽ không quá căng thẳng và áp lực về sau. Trong lúc chạy deadline cũng không nên thức quá khuya hay ăn bỏ bữa, phải để ý sức khoẻ, dù deadline quan trọng, nhưng nếu sức khoẻ giảm sút thì không hay, nên phải biết làm việc và nghỉ ngơi hợp lí”- Tuấn Anh chia sẻ.
 
Nên có kế hoạch học tập ngay đầu học kỳ 
 
Ông Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên kiêm giảng viên chính khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khuyên rằng để học tốt và thi cuối kỳ tốt, sinh viên cần nắm vững kiến thức, chủ động trong việc quản lý thời gian, nội dung môn học, việc học và thi. 

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trong giờ học


“Điều quan trọng của kỳ thi là việc học, ôn lại các kiến thức và làm bài thi để có kết quả tốt. Khi đó sinh viên cần xem lại việc học, phân chia thời gian cho các môn, không nhất thiết phải đồng đều thời gian giữa các môn học. Môn nào cần đạt điểm cao để lấy tích luỹ nhiều thì có thể dành thời gian nhiều”- ông Cường khuyên.
 
Theo ông Cường, hiện nay tất cả các trường đại học đều đào tạo theo hình thức tín chỉ, nên chiến lược học để tích luỹ điểm sẽ quan trọng. Do vậy sinh viên cần lập một bảng phân chia thời gian, liệt kê các môn học, các nội dung cần học, và thời gian phân bổ cho các môn, từ đó chủ động trong việc học và thi. 

Để thi tốt sinh viên cần xem cấu trúc chương trình của môn học, kết quả điểm quá trình, hình thức thi cuối kỳ là tự luận, trắc nghiệm hay hình thức nào, được tham khảo tài liệu hay không, để có cách học và làm bài để có kết quả tốt.
 
Trưởng phòng đào tạo một trường đại học khác tại TP.HCM cũng khuyên, sinh viên nên có kế hoạch từ đầu học kỳ, học và làm việc cho đúng với kế hoạch đã dự tính. Bên cạnh việc học cần có thời gian để thư giãn, như vậy các bạn sẽ đỡ mệt mỏi và đỡ tốn thời gian để cho nhiều việc "không đâu". Một tuần nên chia ra buổi nào học tập, buổi nào thư giãn, buổi nào cho công việc làm thêm,..... như thế mới cân bằng được giữa học và thư giãn để có thể học tốt, thi tốt.