Giá xăng dầu trên thế giới trong thời gian qua biến động khôn lường hàng giờ, hàng ngày nhưng việc điều chỉnh giá lại lại được thực hiện trong khoảng thời gian mỗi 10 ngày cho thấy sự bất cập rất lớn trong quản lý nhà nước, đến mức doanh nghiệp “không có lãi nên không làm” và “thoái thác trách nhiệm”, như Bộ trưởng Công thương đã chỉ ra.

Rõ ràng đây là một nút thắt mà công điện của Thủ tướng đã chỉ ra cho các bộ ngành tập trung tháo gỡ.

Với trình độ công nghệ và thông tin hiện nay, có lẽ cần rút ngắn thời gian điều hành xăng dầu từ 10 ngay xuống 3 ngày, thậm chí hàng ngày.

Xin nhấn mạnh thực tế, các doanh nghiệp, kể cả DNNN, có lãi mới (dám) làm. Hôm qua, thêm một lần nữa, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu kêu than đang "oằn mình" gánh thị trường và sức chịu đựng “có hạn”.

Một trạm xăng trên đường Láng (quận Đống Đa) phải tạm nghỉ để nhập hàng.

Chúng ta đã từ bỏ kinh tế kế hoạch chuyển sang kinh tế thị trường được hơn 3 chục năm. Tư duy quản lý, ở đây là xăng dầu, cần tôn trọng quy luật của thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, giá hình thành và vận động theo quy luật của nó. Đó là quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh.

Con người chỉ có thể vận dụng quy luật, chứ không sáng tạo quy luật; đi ngược lại quy luật thì trả giá rất đắt, điều nền kinh tế này đã trải qua thời bao cấp khốn khó.

Áp cho cửa hàng xăng dầu phí bằng 0 và điều chỉnh giá mỗi 10 ngày cho thấy, sự thông hiểu về các quy luật trên là không rõ ràng. Phí của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một loại giá, không có lãi thì không ai làm; bắt doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bán giá thấp hơn giá nhập thì không ai làm dù xăng đầy trong kho.

Phàm đã làm trái quy luật, áp dụng ý chí chủ quan cái giá là rất lớn. Hy vọng rằng, việc sửa đổi nút thắt về điều chỉnh về thời gian điều hành giá xăng dầu và các quy định khác trong các nghị định liên quan, như Thủ tướng đã yêu cầu, sẽ được thực hiện thật nhanh thời gian tới vì dân và doanh nghiệp không thể đợi thêm được. Xăng dầu như máu của nền kinh tế.

Giảm giá xăng vừa giúp dân vừa kìm lạm phátThông tin Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất “giảm kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, xem xét bỏ quỹ bình ổn mang lại làn gió tươi mát cho người dân và nền kinh tế vốn chật vật sau đại dịch, lạm phát tăng cao.