Trung Quốc kiên định thi hành chính sách “Zero Covid” được gần 3 năm. Ngày 8/1 tới đây sẽ đánh dấu kết thúc 1.016 ngày chính quyền Bắc Kinh đóng cửa hoàn toàn biên giới để chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế từ ngày 8/1 để chuyển sang giai đoạn "sống chung với virus".
Tuy nhiên, sự bình thường được dự đoán sẽ không đến ngay lập tức. Bởi theo ước tính, mỗi ngày Trung Quốc vẫn đang có 37 triệu người mắc Covid-19.
Ông Tommy Wu tại Commerzbank cho biết nền kinh tế Trung Quốc có thể co lại trong ba tháng đầu tiên kể từ khi mở cửa trở lại. Nhưng sự phục hồi kinh tế sẽ đến sớm hơn dự kiến của các nhà phân tích. Nhiều người cho rằng giai đoạn cực kỳ biến động sẽ kết thúc vào cuối tháng Ba. Vào thời điểm này, một sự phục hồi sẽ bắt đầu và tiếp diễn trong cả năm.
Theo ông Jacqueline Rong tại ngân hàng BNP Paribas, mức tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 9% vào năm 2023. Đây sẽ là sự cải thiện lớn so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022.
Hoạt động mở cửa trở lại của Trung Quốc không chỉ tác động tới nền kinh tế trong nước mà còn với cả thế giới. Theo đó, các nước láng giềng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động đi lại của du khách Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính Thái Lan, một điểm đến phổ biến với du khách Trung Quốc, có thể được hưởng mức tăng trưởng 3 điểm phần trăm sau khi chính quyền Bắc Kinh mở cửa biên giới trở lại.
Nhưng đặc khu hành chính Hong Kong mới là nơi được hưởng lợi nhiều nhất nhờ hoạt động xuất khẩu gia tăng và chào đón làn sóng du khách từ Trung Quốc đại lục. Chính sách “sống chung với virus” của chính quyền Bắc Kinh có thể thúc đẩy GDP của Hong Kong tăng thêm gần 8%. Hong Kong từng thu hút hơn 4 triệu du khách Trung Quốc đại lục mỗi tháng, nên khi hoạt động đi lại bị giới hạn, doanh thu của ngành du lịch Hong Kong đã bị thu hẹp lại.
“Trước khi đại dịch xuất hiện, Trung Quốc là nguồn khách du lịch ra nước ngoài lớn nhất thế giới với 150 triệu du khách ra nước ngoài mỗi năm’, FT dẫn lời ông Steve Saxon, lãnh đạo mảng du lịch châu Á của McKinsey có trụ sở tại Thâm Quyến.
Ông Saxon dự báo du lịch quốc tế của du khách Trung Quốc sẽ tăng từ 5% so với mức năm 2019 vào tháng trước lên khoảng 50% vào mùa hè năm nay.
Người quản lý giấu tên tại một công ty du lịch ở Thượng Hải dự đoán về đợt “bùng nổ” du lịch trùng với dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng này. Trang web đặt vé du lịch Trip.com cho biết lượng đặt vé ra nước ngoài đã tăng hơn 250% vào 27/12/2022 so với một ngày trước đó, khi Bắc Kinh tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch.
Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cũng dự báo các giám đốc điều hành nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện chuyến đi đến Trung Quốc trong năm 2023, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để nối lại hoạt động đầu tư.
Ông Ming Liao tại Prospect Avenue Capital cho biết các nhà đầu tư toàn cầu rất mong muốn quay lại kinh doanh tại Trung Quốc.
“Chính sách Zero Covid là mối quan tâm lớn, nhưng giờ đây nhiều người cho rằng nó sẽ được giải quyết vào tháng Ba, và họ đang lên kế hoạch cho các chuyến đi vào thời điểm đó”, Economist dẫn lời ông Liao.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, bởi Trung Quốc là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới. HSBC dự báo vào quý I của năm 2024, GDP của Trung Quốc có thể cao hơn 10% so với ba tháng khó khăn đầu tiên của năm 2023. Theo tính toán sơ bộ, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, sự phục hồi của Trung Quốc có thể có dẫn tới những tác dụng phụ. Bởi Trung Quốc tiêu thụ gần 1/5 lượng dầu, hơn một nửa lượng đồng, niken và kẽm tinh chế, và hơn 3/5 quặng sắt của thế giới. Vào ngày 4 /11/2022, thời điểm tin đồn về việc mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc xuất hiện đã khiến giá đồng tăng 7% vào cuối ngày. Khi tin đồn được xác nhận, nhu cầu của Trung Quốc đối với kim loại, cây trồng và năng lượng sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu hàng hóa, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà nhập khẩu do giá cả tăng lên, và khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đau đầu trong cuộc chiến chống lạm phát.
Goldman Sachs cũng dự đoán nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc có thể đẩy giá dầu lên khoảng 15 USD/thùng.
Bỉ kiểm tra nước thải máy bay tới từ Trung Quốc để tìm biến thể Covid-19
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc kêu gọi đối thoại, hợp tác với Mỹ
Minh Thu