icon icon

Theo KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nếu TP Hà Nội sa đà xã hội hoá, biến công viên thành trung tâm thương mại hái ra tiền, người dân rất khó tiếp cận.

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 

Trao đổi với PV. VietNamNet, KTS Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quá trình đô thị hoá, Hà Nội chưa đầu tư đủ nguồn lực để cải tạo, xây dựng công viên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

- Ông đánh giá thế nào về hiện trạng công viên, cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, liệu đã đáp ứng được yêu cầu?

Bằng trực quan cũng có thể thấy, công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Gần như tất cả công viên hiện có trên địa bàn TP, do không được đầu tư, chăm sóc đúng như biểu đồ phát triển kinh tế - xã hội nên bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều công viên thậm chí bị ‘xẻ thịt’ làm nhà hàng, bãi đỗ xe, như Công viên Tuổi Trẻ, nhìn rất nhếch nhác. Nhiều công viên mới được khởi công, nhưng lại trong tình cảnh bị bỏ hoang, để cỏ dại mọc um tùm.

Do vậy, TP Hà Nội phải ‘trả lại’ công viên, vườn hoa cho người dân. Để mỗi sáng chiều hay dịp cuối tuần người dân Thủ đô có không gian thư giãn, vui chơi.

Mặc dù treo biển "không dừng, đỗ trông giữ phương tiện trái phép" nhưng vẫn có hàng chục chiếc ô tô đang trông giữ trong công viên Tuổi trẻ

- Theo ông, vì sao dù Hà Nội thiếu công viên, nhưng những công viên như Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ… lại không hấp dẫn người dân vào tập thể dục, vui chơi?

Có thể nói đây là một nghịch lý đối với Hà Nội hiện nay. Chúng ta cứ bảo Hà Nội thiếu không gian thư giãn, tập thể thao, nhưng những công viên như Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ… thì lại rất ít người muốn vào.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế quản lý công viên còn nhiều bất cập. Trong khi công viên không được chăm chút bị xuống cấp, nhưng lại vẫn bán vé ra vào. Các hạng mục trong công viên thì đơn điệu, dẫn đến việc người dân vào công viên loanh quanh một lúc rồi ra.

Còn một nghị lý nữa, đó là một số hạng mục trong công viên đầu tư theo hình thức xã hội hoá. Nhưng kiểu làm ăn lại tồn tại nhiều bất cập, biến công viên thành nơi ‘in tiền’ cho nhiều người.

Tất cả những bất cập đó dẫn đến việc người dân, dù thiếu chỗ chơi, nhưng vẫn không muốn vào công viên.

- Như vậy, có thể nói việc bán vé, thu tiền người dân vào Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, là một trong những nguyên nhân khiến người dân không muốn vào?

Đúng là như vậy! Bên trong công viên thì đơn điệu, nhếch nhác vì xuống cấp nhưng lại thu tiền khiến nhiều người có cảm giác không muốn tiếp cận công viên.

- Từ năm 2014, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng 60, có trên 700ha công viên cây xanh, theo ông, vì sao Hà Nội không thực hiện được mục tiêu này?

Trong nhiều năm qua, một số kế hoạch mà TP Hà Nội đặt ra, trong đó có cải tạo, xây dựng công viên theo kiểu phong trào, tức là nói mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, chính sách không được thực thi. Nguyên nhân, là do hệ thống chính trị các cấp của TP Hà Nội chưa dành nguồn lực để cải tạo, xây dựng công viên trên địa bàn. Những công viên được đầu tư theo hình thức xã hội hoá thì vướng hàng loạt bất cập nên khởi công rồi lại bị bỏ hoang.

- Chính sách của TP Hà Nội đặt mục tiêu rất rõ ràng, khi di dời cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học sẽ ưu tiên đất xây dựng công trình công ích, trong đó có công viên. Tuy nhiên, thực tế rất ít quỹ đất như vậy để làm công viên, phần lớn để xây dựng nhà cao tầng?

Thực tế đó diễn ra ở Hà Nội hàng chục năm nay rồi và ai cũng nhìn thấy. Điều đó cho thấy, vì lợi ích kinh tế nên người ta luôn nhắm đến những nhà xưởng, trường học, bệnh viên sau khi di dời để xây dựng nhà cửa để bán, chứ ít ai nghĩ đến việc dành ‘đất vàng’ để xây công viên.

Điển hình trong đó như ở quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… cứ mỗi nhà xưởng được di dời, chúng ta lại thấy cao ốc đua nhau mọc lên. Điều đó dẫn đến hàng loạt hệ luỵ như ùn tắc giao thông, trường học quá tải, công viên thiếu trầm trọng.

Chính vì quá coi trọng lợi ích kinh tế như vậy, dẫn đến những giá trị văn hoá, giải trí của người dân chưa được coi trọng. Do vậy, TP Hà Nội phải xem xét lại vấn đề này để điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho phù hợp với từng khu vực.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, theo tôi TP Hà Nội phải ‘đánh thức’ công viên hiện có. TP Hà Nội có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, trong đó có cả xã hội hoá, nhưng đừng quá thiên về chuyện ‘làm ăn’ trong công viên.

Dãy cao ốc tại đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội)

- Ông vừa nói đến việc ‘đánh thức’ công viên hiện có, nhưng nhiều dự án xây dựng công viên mới lại bị bỏ hoang hàng chục năm, như Hà Đông, Đống Đa, Chu Văn An. Theo ông, đây có phải là sự lãng phí nguồn lực đất đai hay không?

Một số dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư thì chưa được coi trọng, dẫn đến việc không có tiền để xây dựng. Một số dự án thực hiện theo hình thức xã hội hoá, thì doanh nghiệp chỉ tập trung làm nhà xung quanh để bán. Còn công viên chỉ đem ra dụ người mua nhà.

Do vậy, mới dẫn đến tình trạng đất công viên thì bị bỏ hoang, cây xanh, vườn hoa chẳng thấy đâu, nhưng nhà cao tầng, biệt thự thì vẫn đua nhau mọc lên.

Đó là bài toán của doanh nghiệp, vì lợi ích, nên họ chỉ tập trung xây nhà để bán. Nhưng với cơ quan quản lý nhà nước, phải có những chính sách buộc doanh nghiệp làm xong các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công viên theo quy hoạch mới cho xây nhà để bán. Còn nếu chính sách và cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay số phận những công viên còn bi đát.

Nói tóm lại, việc quản lý nhà nước vừa qua về việc xây dựng, cải tạo công viên còn bị coi nhẹ. Đến nay, khi đã nhận thức được vấn đề, TP Hà Nội phải coi trọng hơn trong việc xây dựng, cải tạo công viên trên địa bàn.

Công viên Chu Văn An trong tình trạng dang dở, bỏ hoang

- Nhiều công viên hiện nay quản lý mỗi nơi một kiểu, công viên ‘mở toang’ thì nhếch nhác vì xuống cấp, công viên kín cổng cao tường thì thu tiền. Theo ông, Hà Nội cần hướng đến việc quản lý công viên như thế nào để thu hút khách?

Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ… rộng lớn, rợp bóng cây xanh nhưng vì sao lại èo uột đến vậy. Dân đến lèo tèo, không đúng nghĩa với một công viên trong đô thị hàng triệu dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có lẽ phải xem lại cơ chế đầu tư các hạng mục trong công viên và cơ chế quản lý của công viên đã phù hợp hay chưa.

Đầu tư xây dựng các hạng mục trong công viên liệu đã đúng với nhu cầu của người dân hay chưa. Còn việc dựng rào thu tiền ở các công viên là điều bất hợp lý. Nếu coi công viên như một trung tâm thương mại rồi để dựng rào, bán vé thu tiền thì chẳng ai dám vào. Do vậy, TP Hà Nội phải định nghĩa lại công viên là gì, phục vụ cho lợi ích của cộng đồng hay vì lợi ích của một nhóm người?

- Thực tế người dân vẫn thiếu chỗ tập thể dục, thể thao, nơi vui chơi, nhưng cũng có thực tế như Công viên Tuổi Trẻ bị bỏ hoang, ‘xẻ thịt’ qua 3-4 nhiệm kỳ, ông nghĩ sao?

Không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều người dân Thủ đô cũng bức xúc với tình trạng hiện nay của Công viên Tuổi Trẻ. Tại sao khi người dân thiếu chỗ vui chơi, thì nhà hàng, bãi xe lại đua nhau mọc lên trong Công viên Tuổi Trẻ.

Bao nhiêu năm, chẳng ai bảo được ai, các cấp ngành của TP Hà Nội cứ loanh quanh đổ lỗi cho nhau, dẫn đến việc Công viên Tuổi Trẻ bị bỏ hoang, người dân không có chỗ vui chơi.

Kho, xưởng  "mọc" giữa đất công viên thể thao, cây xanh Hà Đông bị hỏa hoạn

- Để đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô về diện tích công viên, cây xanh, theo ông TP Hà Nội cần giải pháp gì?

Để những chính sách về cải tạo, xây dựng công viên không làm theo kiểu ‘đánh trống bỏ dùi’, theo tôi, TP Hà Nội phải đặt mục tiêu cụ thể cho từng sở ngành, quận huyện trong việc này.

Với những công viên hiện hữu bị xuống cấp, phải đầu tư nguồn lực để ‘đánh thức’ nó. Những dự án công viên đã được khởi công hoặc có chủ trường đầu tư xây dựng, TP phải có cơ chế để đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

Tóm lại, dù có hình thức đầu tư nào để xây dựng công viên, nhà nước vẫn phải tập trung nguồn lực cho việc này. Còn nếu sa đà vào xã hội hoá nhiều quá, rồi biến công viên như một trung tâm thương mại, người dân rất khó tiếp cận và như vậy sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, đó là xây dựng công viên để người dân được thụ hưởng.

Tin nổi bật

Đi đến trang sự kiện