Ở kỳ trước, VietNamNet đã giới thiệu chặng đường rời bỏ Phần Lan để về Việt Nam lập nghiệp của Trần Nguyễn Trường Sinh - người Việt Nam đầu tiên đạt danh hiệu chuyên gia phát triển ứng dụng của Google (Google Developer Expert - GDE) trong lĩnh vực Flutter (phát triển ứng dụng iOS và Android).
Trong bài viết này, Trần Nguyễn Trường Sinh sẽ tiếp tục chia sẻ góc nhìn về sự phát triển của ngành CNTT tại Việt Nam, cũng như những suy nghĩ của anh về việc vì sao nhiều lập trình viên Việt Nam mãi mãi chỉ là những người "thợ code".
Là một người đã đi diễn thuyết ở nhiều nơi, Sinh đánh giá thế nào về sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT?
TNTS: Nói thẳng ra thì khi một nền kinh tế mà việc đi buôn, đặt biệt là buôn đất mới khiến người ta giàu có thì những thành phần làm khoa học công nghệ sẽ chuyển sang đi buôn, hoặc họ sẽ sang những nền kinh tế chú trọng vào khoa học công nghệ và kỹ thuật hơn.
Trong một thế giới phẳng như hiện nay, nhiều nhân tài nước ngoài đổ về Việt Nam, nhưng cũng nhiều nhân tài trong nước đang tìm kiếm cơ hội ở những nước khác. Theo quan sát của Sinh ở lĩnh vực CNTT thì có vẻ ra nhiều hơn vào.
Về chính sách vĩ mô, nhà nước đã tạo điều kiện về thuế cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Nhưng ngoài điều đó ra, Sinh chưa cảm thấy những đầu tư mạnh mẽ lắm vào các công trình nghiên cứu khoa học của các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu.
Sự phát triển về khoa học công nghệ không chỉ là việc của riêng nhà nước mà là của cả xã hội. Ở phân khúc này, Sinh cảm thấy đã và đang có nhiều tập đoàn (cả nhà nước và tư nhân, trong và ngoài nước) đầu tư mạnh mẽ, thậm chí có thể nói là dùng tiền để mời được các chuyên gia trên thế giới về, và điều này thật sự rất tốt.
Các kỹ sư công nghệ Việt Nam đang ở đâu so với thế giới? Điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta là gì?
TNTS: Các kỹ sư Việt Nam rất giỏi về cấu trúc dữ liệu và giải thuật, nhưng lại đi theo lối mòn kiểu “code monkey” (thợ code - PV). Định hướng của họ sau khi code một thời gian sẽ trở thành nhà quản lý dự án hoặc quản lý sản phẩm. Đối với Sinh, cả 2 điều này đều không phù hợp.
Khi bạn là kỹ sư, bạn không nên chỉ là “code monkey", mà phải luôn luôn định hướng những dòng code này của mình sẽ giải quyết vấn đề gì cho người dùng cuối. Nói nôm nay là phải có “product mindset" (tư duy sản phẩm - PV). Ngoài ra, các kỹ sư Việt Nam cũng khá thụ động trong việc dùng tiếng Anh và tham gia các hội thảo, chuyên đề. Điều này khiến cho các bạn đã yếu kỹ năng mềm lại càng yếu hơn.
Nếu bạn không còn muốn code nữa, thì lí do nên là vì bạn không còn thích code nữa, chứ đừng vì lí do nếu ngồi code thì cả đời không “lên” được. Ở các nước phát triển, coder có những người làm cả đời, họ tự hào vì điều đó, và xã hội tự hào và trân trọng điều đó. Có những nơi lương của quản lý không cao bằng coder, và khái niệm 10x engineer (1 kỹ sư giỏi khi làm việc thì năng suất gấp 10 lần người khác) là có thật.
Điều đặc biệt Sinh thấy ở VN là có khá nhiều bạn hiện đang là kỹ sư CNTT nhưng có định hướng sẽ code một thời gian rồi chuyển sang quản lý sản phẩm. Đây là điều Sinh thấy không phù hợp vì 2 công việc này hoàn toàn khác nhau. Đa số các trường hợp, quản lý sản phẩm mà không xuất thân từ kỹ sư CNTT lại thể hiện tốt hơn nhiều. Lý do bởi các bạn này luôn lấy người dùng làm trọng tâm, và không bị chi phối bởi những kiến thức kỹ thuật trước đó.
Ngành công nghiệp CNTT của chúng ta vẫn chạy đua theo kiểu làm outsorce, xuất khẩu phần mềm là chính. Theo Sinh vì sao người Việt chưa có nhiều sản phẩm của chính mình? Chúng ta liệu có cơ hội làm được điều gì to tát hơn hay không?
TNTS: Làm outsource thì không cần suy nghĩ nhiều về yếu tố con người (yếu tố người dùng). Khách hàng nói sao làm y chang vậy thôi, không cần phản biện, không cần góp ý. Một phần lý do chúng ta tập trung làm outsource có thể là vì môi trường giáo dục của chúng ta đã quá chú trọng vào kiến thức (thay vì kỹ năng/thái độ) và áp đặt (thầy cô nói luôn luôn đúng).
Tuy vậy, nhìn về mặt tích cực thì hiện nay ở một số đại học Việt Nam (cả công và tư) đã có những thay đổi nhất định về cách đào tạo. Bên cạnh đó, sự góp mặt của các bạn sinh viên hay kỹ sư đã học/làm ở nước ngoài một thời gian trở về cũng giúp môi trường CNTT Việt Nam hiện nay không còn đơn thuần là outsource nữa.
Nhiều sản phẩm phần mềm của Việt Nam chỉ khi ra nước ngoài mới có thể thành công, như trường hợp của Flappy bird hoặc Got IT chẳng hạn. Bạn nhìn nhận sao về nhận định này?
Nói cách khác, môi trường Việt Nam liệu có đủ tốt để các kỹ sư công nghệ nói riêng và phần mềm nói chung phát triển?
TNTS: Việc một công ty Việt Nam chỉ bán sản phẩm cho nước ngoài mà không bán ở Việt Nam không có gì xấu. Lý do là nền kinh Việt Nam chưa thể so sánh với các nền kinh tế như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản.
Mặt khác, đôi khi những sản phẩm đó dùng những công nghệ quá mới, hay vì lý do kinh tế mà không phù hợp với thị trường Việt Nam.
Lao động phổ thông ở Việt Nam vẫn còn quả rẻ. Thay vì đầu tư 1 dây chuyền tự động hoá 50.000 USD, họ có thể thuê cả trăm nhân viên, mỗi người chỉ trả chưa tới 50.000 đồng/giờ. Điều tương tự cũng xảy ra với trường hợp của các nhân viên soát vé và máy soát vé tự động, xe tự lái vs tài xế,...
Ở Việt Nam chi phí nhiên liệu (xăng) còn thấp so với mặt bằng chung. Do vậy, không có nhiều động lực thúc đẩy người dân hoặc doanh nghiệp ở Việt Nam mua những sản phẩm công nghệ cao cấp tiết kiệm năng lượng. Các start-up về lĩnh vực này vì thế bắt buộc phải hướng thị trường ra nước ngoài.
Dân trí cũng là một lí do. Ở những nước phát triển, khi cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ làm sao để cuộc sống bản thân không gây ảnh hưởng môi trường hay biến đổi khí hậu, hoặc suy nghĩ đế sống nhân văn hơn đối với các loài động vật khác.
Tóm lại, có nhiều lí do chính đáng mà một công ty công nghệ cao muốn bán ở thị trường bản địa cũng không dễ dàng, khi mà chi phí giáo dục khách hàng còn cao hơn cả lợi nhuận đem lại. Trong trường hợp này, những sự giúp đỡ từ phía chính phủ về nâng cao dân trí, những chính sách ưu đãi trong việc sử dụng công nghệ cao sẽ là bệ phóng để giải quyết vấn đề.
Ở phía ngược lại, một số doanh nghiệp phục vụ thị trường Việt Nam nhưng lại có trụ sở ở nước ngoài. Là người làm startup nhiều năm, Sinh thấy đây là một điều dễ hiểu.
Đến một quy mô nhất định, các doanh nghiệp sẽ cần phải kêu gọi vốn đầu tư. Một số quỹ đầu tư sẽ ưu ái hơn nếu các công ty có trụ sở gần với họ, hay thậm chí là cho tiền để công ty chuyển trụ sở đến gần họ.
Nói đến các quỹ đầu tư khởi nghiệp, Việt Nam mình vẫn chưa thể so sánh với Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, hay đặc biệt là Silicon Valley (Mỹ). Mặt khác, xu thế hiện nay là một công ty có văn phòng ở nhiều khu vực khác nhau, vậy nên một công ty có văn phòng ở cả thung lũng Silicon Valley và Việt Nam lại là điều tốt. Cách làm này giúp các bạn ở Việt Nam có thể làm việc trong một môi trường hàng đầu thế giới mà không phải suy nghĩ đến việc đi định cư.
Ở vị trí của mình, Sinh có ấp ủ về một sản phẩm Made in Vietnam nào đó, của người Việt Nam?
TNTS: Nói vậy thì hơi to tát. Suy nghĩ của Sinh bây giờ chủ yếu vẫn là tạo ra những sản phẩm giúp mình có thể tự tin để con mình sống ở Việt Nam. Nhưng đây là ấp ủ và hoài bão thôi, chứ ở vị trí hiện tại Sinh vẫn cần học hỏi và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ khác rồi khi đó mới có thể nghĩ đến chuyện bắt đầu.
Từ giờ cho đến lúc đó, việc mình đi làm cho một công ty nhà nước hay tư nhân, vốn Việt Nam hay nước ngoài, thậm chí làm việc ở trong hay ngoài nước thì vẫn tốt đều tốt đẹp cả.
Chúng ta đều sẽ học được những cách quản lý khác biệt, công nghệ mới, suy nghĩ độc đáo, đặc biệt là từ những công ty có tính quốc tế. Nếu làm ở Việt Nam thì đóng thuế thu nhập, còn làm ở nước ngoài thì gửi kiều hối, mọi việc làm đều có thể giúp đóng góp một phần nào đó cho sự phát triển của Việt Nam.
Cảm ơn Sinh về cuộc trao đổi thú vị này.
Trọng Đạt