{keywords}
{keywords}

Công ty Du lịch Việt là DN lữ hành lớn, chủ yếu làm outbound. Lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài chiếm 70% lượng khách của công ty, còn lại là khách nội địa; khách inbound rất ít. Cao điểm, quy mô công ty quy lên tới hơn 1.000 nhân viên, riêng hướng dẫn viên đã 500-600. Đây là DN lữ hành đạt doanh thu cả 1.000 tỷ đồng/năm, phục vụ hơn một triệu khách hàng. 

Nhưng, khi Covid-19 ập đến, Du lịch Việt cũng là DN gánh chịu tác động đầu tiên. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc công ty, cho hay, sau thời gian đầu cầm cự, hầu hết nhân sự đã nghỉ việc, nay chỉ còn khoảng 10%. Mặc dù đã kết hợp với đối tác chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, song ông cũng khó huy động lượng lao động này do từ làm dịch vụ chuyển sang sản xuất cực kỳ vất vả. 

Tại Việt Nam, có hàng nghìn công ty lữ hành rơi vào tình cảnh thê thảm như Du lịch Việt. Nếu là DN lữ hành nội địa, cơ hội sống sót vẫn còn khi đại dịch từng bước được khống chế, các chương trình kích cầu du lịch được phát động. Hè đến, người dân cũng đi du lịch trở lại. Tuy nhiên, đối với các DN lữ hành outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế), con số thiệt hại là vô cùng lớn và cơ hội hồi phục cho các đơn vị đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài còn rất mờ mịt.

{keywords}

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho rằng, nếu không vượt qua được ba tháng hè này, tức đến khoảng tháng 9, tháng 10 nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì rất khó khăn cho du lịch quốc tế, du lịch outbound của Việt Nam cũng chứng kiến hàng loạt công ty phá sản. Còn các DN lữ hành nội địa cũng chưa thể thoát cơn bĩ cực.  

Theo khảo sát của Google và Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), khoảng 60% người dân có nhu cầu đi du lịch trong năm nay. Ông Thắng nhẩm tính, với số lượng khách nội địa đi du lịch năm 2019 là 80-90 triệu người, theo nhu cầu trên, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 40-50 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, đã sang tháng 6, chỉ còn 25-30 triệu khách đi du lịch từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, hạ tầng du lịch Việt Nam vốn phục vụ 80 triệu khách nội địa giờ giảm xuống chỉ còn 1/3. Cung lớn hơn cầu, trong khi xu hướng tự đi du lịch, tự đặt vé máy bay và khách sạn ngày càng nhiều, các đơn vị lữ hành không dễ để bán tour. 

“Chỉ cần đến tháng 9, khi hết mùa cao điểm du lịch, là biết có bao nhiêu DN du lịch tồn tại được”, ông Thắng nói. 

Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tính đến hết năm 2018, cả nước có 2.022 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 788 doanh nghiệp cổ phần, 20 doanh nghiệp liên doanh, 1.214 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân.

{keywords}

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, hơn 10 triệu khách Việt đi du lịch nước ngoài năm 2019 với mức tăng trưởng lên tới 20%, thị trường du lịch outbound phát triển mạnh mẽ nên ngày càng nhiều DN gia nhập cuộc chơi. Trong số hơn 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên, có đến 70% tham gia kinh doanh mảng đưa người Việt ra nước ngoài du lịch. 

Trong khi đó, việc chuyển sang làm du lịch nội địa không hề dễ dàng. “Tôi e rằng khi đó lại chứng kiến một làn sóng phá sản các DN lữ hành outbound, ít nhất là 50% số lượng hiện nay”, ông Phùng Quang Thắng lo ngại.

Trả lời báo chí, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận mỗi ngày có cả chục DN lữ hành quốc tế làm thủ tục chấm dứt hoạt động do dịch bệnh hoặc doanh thu giảm sút phải ngừng hoạt động. “Có thể nói, sức mạnh của ngành du lịch với tình trạng các DN phá sản, chấm dứt hoạt động như thế này là rất đáng lo ngại cho sự phát triển trong tương lai của ngành”, ông nhận định.

Những đơn vị nào cầm cự được thì cũng thua lỗ nặng nề. Chẳng hạn, tại TP.HCM - đầu tàu du lịch của cả nước, Sở Du lịch TP thống kê trong quý 2/2020 các doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel, Saigontourist lỗ tới 1.700-2.200 tỷ đồng. BenThanhTourist dự báo thiệt hại hơn 250 tỷ đồng, Fiditour 259 tỷ đồng, TNT dự báo lỗ gần 1.200 tỷ đồng,...

{keywords}

Là giám đốc công ty du lịch chuyên đón khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ, Canada,... chưa bao giờ ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty du Luxury Travel, thấy tình hình kinh doanh bết bát như vừa qua. Khách không có, nguồn thu bị co lại. Để vượt qua khó khăn, ông Hà động viên anh em cố gắng bám trụ dù chỉ nhận được một nửa lương tháng. Công ty cố gắng duy trì được bộ khung để chuẩn bị khi du lịch hồi phục. Đồng thời, tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động để sống sót qua đại dịch.

Ông Hà tiết lộ mới đây, khách Âu (đặc biệt là Đức) đã liên lạc với công ty muốn đi du lịch Việt Nam vào tháng 9-10 tới. Đây là những booking mà Luxury nhận từ cuối năm ngoái, nhưng do dịch Covid-19, công ty thuyết phục khách dời ngày tới Việt Nam. Ông Hà hy vọng khi đó đường bay quốc tế sẽ được mở lại, công ty tiếp tục được đón khách Tây - những vị khách đem lại công ăn việc làm, nguồn thu và tiếp nguồn năng lượng mới cho du lịch Việt Nam.

Còn thời gian này, Luxury tấp cập đào tại lại nhân sự, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và chuyển hướng kinh doanh. Thay vì chuyên về dòng khách quốc tế, công ty sẽ chia ra 80% khách nội địa, 20% khách quốc tế và khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo). Mặc dù nội địa là mảng mới toanh, rất nhiều nhân viên bỡ ngỡ, nhưng ông Hà động viên anh em thử sức và tiếp tục học, học đi học lại,… để chuyển đổi dần dần.

{keywords}

“Không chỉ tạo được việc làm cho nhân viên, chúng tôi còn kích hoạt sự thay đổi, sự thích ứng linh hoạt trước biến động của thị trường”, ông Hà tin tưởng vào hướng đi này.

Chọn ngách đi riêng, phục vụ đối tượng khách cao cấp, sản phẩm công ty hướng đến dành cho khách nội địa nhà giàu. Chẳng hạn, mảng du thuyền cao cấp hoạt động tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Cát Bà - Hải Phòng) trước đây vẫn đón khách quốc tế nay phục vụ khách nội địa với mức giá hợp lý. Lượng khách thời gian qua khá ổn nên Luxury đang tính mở rộng hoạt động ra các vùng biển khác như Phú Quốc, Côn Đảo,... Với khách quốc tế, công ty hướng đến các sản phẩm an toàn, ngắn ngày, cao cấp ngoài du lịch biển nghỉ dưỡng là gần với thiên niên nơi có ánh nắng chan hòa ấm áp, là nét đặc sắc văn hóa bản địa. 

Còn Giám đốc Trần Văn Long đang tất bật với các đơn hàng khẩu trang y tế xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ,... Thất nghiệp bởi nghề tay phải, ngay sau Tết, ông quay sang nghề tay trái khi kết hợp với đối tác nước ngoài lập nhà máy sản xuất khẩu trang tại Việt Nam, đặc biệt là khẩu trang N95, nước sát khuẩn thân thiện với môi trường, vải lọc kháng khuẩn,... Ông tiết lộ công việc mới đem lại nguồn thu tiền tỷ, tuy không giúp được cán bộ nhân viên cũ nhưng là bước đệm để khi du lịch hồi phục, ông bàn giao nhà máy, trở lại với nghề tay phải vốn là thế mạnh của mình.

Rất nhiều công ty khác cũng tạm thời chuyển hướng hoạt động, như Công ty Du lịch Transviet cho một phần nhân viên công ty đi sản xuất thực phẩm sạch trong Tây Nguyên, một số công ty chuyển sang kinh doanh và phân phối thực phẩm, thiết bị y tế, bán đồ ăn online...

Sự linh hoạt, uyển chuyển, nắm bắt nhanh nhạy cơ hội đã giúp một số công ty du lịch bám trụ thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng trở lại. Tranh thủ thời kỳ “ngủ đông”, nhiều công ty tái cấu trúc lại hoạt động, lo đào tạo nhân sự,... chuẩn bị cho một cuộc chơi mới sau đại dịch. Tất nhiên, không ít doanh nghiệp tiềm lực mỏng, đặc biệt về dòng vốn, buộc phải chấp nhận bị đào thải như một phần của cuộc chơi.

“Covid-19 cho thấy cơ hội như nhau cho tất cả các công ty du lịch. Ai linh hoạt, thích ứng nhanh nhạy thì trụ được, còn không thì chấp nhận rơi rụng. Thực tế là rất nhiều doanh nghiệp du lịch đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc vô thời hạn. Nhiều công ty chỉ giữ lại cán bộ quản lý, thu hẹp văn phòng”, ông Phạm Hà cho hay. 

{keywords}

Thống kê từ Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho thấy, năm 2019 ngành du lịch đóng góp đến 8,8% GDP của Việt Nam. Trong 4 năm gần đây, cứ 4 việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có 1 việc làm là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Điều đó cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề như thế nào đến ngành kinh tế tổng hợp này.

Cũng theo một khảo sát gần đây của TAB, 65,7% số DN tham gia khảo sát phải cắt giảm hơn 50% nhân viên, trong đó gần 20% ho nghỉ toàn bộ. 78% DN cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót sau đại dịch. Chưa kể, 9% DN phải đóng cửa kinh doanh.

Khảo sát này diễn ra giữa tháng 4, hơn 1 tháng rưỡi nữa trôi qua, chắc chắn con số này còn thay đổi song chưa thể theo hướng lạc quan.

Vậy giải cứu các doanh nghiệp du lịch như thế nào? Có nên cứu hết hay để thị trường đào thải, sàng lọc? Phát biểu tại một hội thảo bàn giải pháp cho du lịch hậu Covid-19 mới đây, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, các gói hỗ trợ quốc gia nhằm phục hồi sau dịch tuy lớn, nhưng nếu chia ra thì rất bé. 

{keywords}

“Nếu chia mỗi người một giọt sữa có thể sống 100%. Nhưng khi thế giới mở cửa, liệu có ai đứng dậy được để cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới hay không?”, ông Thiên thẳng thắn đặt vấn đề.

Vì vậy, TS. Trần Đình Thiên cho rằng nên tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp đủ sức khỏe. Đây là tình huống khẩn cấp, khác thường nên không thể “ôm nhau khóc mà chết cả được”. Cần tính ưu tiên cho doanh nghiệp nào là hợp lý và thuyết phục được Chính phủ có những hỗ trợ hàng đầu cho các đơn vị như thế. 

Đây cũng là một phần lý do, ông Phùng Quang Thắng lý giải, mà khi phát động chương trình kích cầu du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đối tác chỉ chọn 5 đơn vị lữ hành uy tín để nghiên cứu, bàn thảo, xây dựng sản phẩm tour và thống nhất giá bán, từ đó đưa ra cho các công ty khác cùng làm. 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp góp ý, cần dành dư địa hợp lý để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vì họ vốn yếu thế hơn nên rất cần có bàn tay nhạc trưởng điều phối. 

Trước đó, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ mong muốn Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng hay cả năm 2020, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có hy vọng đủ nguồn lực phục hồi khi dịch đi qua.

Cụ thể, ông Trần Văn Long thừa nhận các đơn vị lữ hành đang méo mặt lo dòng vốn. Chính sách hỗ trợ trả lương cán bộ nhân viên cũng tốt, nhưng chỉ là ngắn hạn. Quan trọng là, theo ông Phạm Hà, doanh nghiệp cần được giãn nợ, giãn thời gian nộp thuế và vay được vốn lãi suất ưu đãi và đặc biệt là không cần tài sản thế chấp.   

Đây cũng là kết quả khảo sát TAB chỉ ra có đến 90% doanh nghiệp muốn được vay tiền hỗ trợ. TAB đã đề xuất Chính phủ xem xét bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng giá trị 150 ngàn tỷ, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, để giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành.

Điều quan trọng, như ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty AZA Travel, các chính sách hỗ trợ cần sớm được thông qua và đẩy nhanh tiến độ triển khai, chứ không phải chỉ có trên tivi còn doanh nghiệp ngóng mãi chưa thấy.   

{keywords}

Hà Yên

Thiết kế: Luyện Phạm