icon icon

Từng là công trình trọng điểm của TP Hà Nội, nhưng 20 năm qua, dự án xây dựng Công viên Tuổi Trẻ bị ‘đắp chiếu’, hàng quán đua nhau ‘xẻ thịt’, còn gần 1.000 hộ dân ở đây chịu cảnh sống mòn bởi quy hoạch treo.

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 

Công viên Tuổi Trẻ tọa lạc trên "khu đất vàng" ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Công viên Tuổi Trẻ 'treo' hơn 20 năm

Công viên Tuổi Trẻ nằm trên khu đất vàng ở quận Hai Bà Trưng. Nơi này được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ năm 2002 với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2002 - 2006.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc. Đến năm 2010, TP Hà Nội quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi Trẻ theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội.

Mục tiêu của TP Hà Nội là Công viên Tuổi Trẻ trở thành công viên chuyên đề với 6 khu chức năng (tổng diện tích gần 13ha) như cung thiếu nhi, khu vực cây xanh, hồ nước và khu đa năng.

Đặc biệt, TP Hà Nội quyết định không xây dựng khách sạn cao tầng trong công viên, thay vào đó là trung tâm văn hoá, thể thao.

Những điều chỉnh nêu trên được xem là giải pháp tháo gỡ, nhưng thực tế sau điều chỉnh quy hoạch, dự án Công viên Tuổi Trẻ vẫn không được thực hiện

Mặc dù có biển thông báo, nhưng hàng loạt ô tô vẫn được trông giữ tại đây

"Xẻ thịt" công viên cho nhà hàng, bãi đỗ xe, quán karaoke  

Có thực tế đáng buồn là công viên này vẫn bị ‘xẻ thịt’ để hình thành nhà hàng, bãi đỗ xe, sân tennis, thậm chí cả quán karaoke…

Sau nhiều đợt kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng và HĐND TP, cuối năm 2012, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu quận Hai Bà Trưng kiên quyết xử lý các sai phạm, đưa đất công viên trở lại đúng như quy hoạch. 

Vấn đề ‘xẻ thịt’ đất Công viên Tuổi Trẻ từng làm nóng cả phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội vào tháng 7/2012. Thời điểm đó, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP yêu cầu xem xét trách nhiệm lãnh đạo sở ngành và cá nhân phụ trách dự án.

Còn ông Nguyễn Văn Khôi, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trách nhiệm trước hết là của UBND TP và sẽ xử lý trách nhiệm theo đúng thẩm quyền.

Vậy nhưng, dù là vấn đề bức xúc và đã có những chỉ đạo quyết liệt, thậm chí trở thành vấn đề nóng bỏng được giám sát, chất vấn nóng ở diễn đàn HĐND TP, nhưng đến năm 2020, Thanh tra TP Hà Nội kết luận: UBND quận Hai Bà Trưng chưa thực hiện dứt điểm các công trình hạng mục như sân bóng mini và nhà dịch vụ, điểm trông giữ xe do Công ty Hoàng Hà khai thác, nhà hàng Queen Bee.

Ống, máng trượt trong công viên Tuổi Trẻ biến thành mái che của quán phở

Sở Xây dựng chưa có đề xuất xử lý đối với 4 công trình như mái che 4 sân tennis ngoài trời, nhà nổi giữa hồ, nhà hát ngoài trời có mái che Cung Xuân, tầng hầm công trình sân tennis có mái che 1.500 chỗ.

Đến cuối tháng 9/2022, theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, tại Công viên Tuổi Trẻ vẫn là cảnh tượng đau xót. Khu vực này giống như một đại công trường bị bỏ hoang nhiều năm. Nhiều hạng mục xây dựng dở dang không đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Các công trình vòng quay mặt trời, máng trượt nước, xích đu... đã hoen rỉ, hoang phế.

Các hạng mục từng bị lực lượng chức năng của TP chỉ rõ là sai phạm hoặc không phù hợp trong công viên như nhà hàng, bãi xe vẫn tồn tại trong công viên. Công trình trái phép như sân bóng, sân tennis đã được xử lý nhưng vật liệu xây dựng vẫn vứt ngổn ngang. Khu nhà nổi giữa hồ dù cửa đóng, then cài nhưng là khối bê tông gây mất cảnh quan đô thị. Bất cứ khu nào bên trong công viên cũng trở thành điểm đỗ xe, bán trà đá.

Vòng quay được nhập khẩu từ Nhật Bản, thời điểm mới hoạt động, đây là địa điểm vui chơi thu hút giới trẻ, còn nay trở thành đống sắt hoen rỉ

Nghìn hộ dân ‘sống mòn’ hàng thập kỷ, dự án vẫn "treo"

Đến nay, quận Hai Bà Trưng đã giải phóng mặt bằng khoảng 18ha ở khu vực phía Tây, phía Bắc Công viên Tuổi Trẻ. Còn hơn 8ha chưa được giải phóng mặt bằng với khoảng 1.000 hộ dân nằm trong quy hoạch ‘treo’ ở phía Đông, phía Bắc công viên.

Công viên Tuổi Trẻ không được xây dựng, người dân trong khu vực không được hưởng thụ không gian cây xanh, vườn hoa trong nhiều năm qua. Không những thế, hàng trăm hộ dân còn sống trong cảnh bất ổn trên phần diện tích được quy hoạch treo của công viên suốt cả chục năm trời. 

Không được cấp phép xây dựng, những xóm làng ven Công viên Tuổi Trẻ được làm tạm bợ bằng khung thép, quây tôn lụp xụp, mùa hè hầm hập như lò sưởi, mùa đông thì lạnh thấu xương.

Gia đình bà Phạm Thị Oanh, sống trong ngõ 213 phố Lạc Nghiệp (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) từ đầu những năm 1970, đến nay vẫn không được cấp phép xây dựng, do thuộc diện giải phóng mặt bằng làm Công viên Tuổi Trẻ, nhưng dự án này chưa biết đến bao giờ mới thực hiện.

Có đất, có nhà nhưng nhiều năm nay, bà Oanh và con cháu của mình sống trong cảnh tạm cư do không được nhập khẩu, con cháu phải đi học trái tuyến, bởi hộ khẩu ở quận Hoàng Mai. Cũng như nhà bà Oanh, nhiều hộ dân sống trong ngõ 213 phải cùng chung công tơ điện, đồng hồ nước...

“Sống trong cảnh tạm bợ ở đây hàng chục năm, cư dân chúng tôi thực sự quá khổ rồi. Nên nếu nhà nước lấy đất làm công viên, chúng tôi cũng đồng thuận để giải phóng mặt bằng, đi nơi khác, ổn định cuộc sống”, bà Phạm Thị Oanh nêu nguyện vọng.

Một công trình nhà hàng được xây dựng kiên cố lấn chiếm cảnh quan trên mặt hồ Thanh Nhàn.

Nhìn cảnh Công viên Tuổi Trẻ bị ‘xẻ thịt’ làm nhà hàng, trông giữ xe, bán nước… còn gia đình sống cơ cực nhiều năm trong túp lều tạm bợ ở ngõ 213 phố Lạc Nghiệp, ông Nguyễn Viết Tuấn chỉ biết thở dài vì không biết phải sống cảnh ‘ngụ cư’ đến bao giờ.

Kỳ tiếp: Hơn 7ha ‘đất vàng’ nằm giữa quận Ba Đình và Đống Đa được quy hoạch là công viên văn hoá, thể thao từ đầu những năm 2000 nhưng đến nay chưa được xây dựng, bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm. "Kiến nghị" là điệp khúc quen thuộc khi nói đến dự án này. Mời quý độc giả đón đọc bài 3... 
 

Đi đến trang sự kiện