icon icon

Hơn 7ha ‘đất vàng’ nằm giữa quận Ba Đình và Đống Đa được quy hoạch là công viên văn hoá, thể thao từ đầu những năm 2000 nhưng đến nay chưa được xây dựng, bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm. "Kiến nghị" là điệp khúc quen thuộc khi nói đến dự án này.

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 

Khu đất dự kiến xây công viên Đống Đa đã trở thành khu dân cư

‘Đất vàng’ công viên bị nhà cửa nuốt chửng

Nằm dọc tuyến đường Thái Hà, Láng Hạ là các cửa hàng kinh doanh, buôn bán sầm uất. Ít ai nghĩ tới dãy nhà cao từ 1-4 tầng này thuộc khu đất rộng hơn 7ha trước đây là bãi rác và đã được TP Hà Nội quy hoạch làm Công viên văn hóa Đống Đa cách đây hơn 20 năm.

Cụ thể, từ năm 2001, TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi hơn 7ha đất tại phường Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thành Công (quận Ba Đình) để xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa giai đoạn 1.

Đến năm 2007, TP Hà Nội có văn bản giao cho một công ty đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa, tuy nhiên từ đó đến nay đơn vị này chưa thực hiện.

Dãy hàng quán nằm san sát trên khu đất đã được quy hoạch

Bị ‘đắp chiếu’ hơn 2 thập kỷ, hàng nghìn mét vuông đất quy hoạch dự án Công viên văn hóa Đống Đa bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, cửa hàng kinh doanh buôn bán.

Toàn bộ dãy phố Thái Hà vốn đã có quyết định thu hồi làm công viên đã trở thành một dãy phố với nhiều cửa hàng ăn uống, thời trang. Những dãy nhà này xuất hiện sau khi dự án cống hóa mương Thái Hà hoàn thành.

Các hộ dân sống sâu trong ngõ, ngách ở phố Thái Hà, Láng Hạ dù thuộc diện tích đất dự án Công viên văn hoá Đống Đa nhưng đều được đánh số nhà. Nằm trên khu đất vàng thuộc quận Đống Đa nhưng những căn nhà trong ngõ 364 Thái Hà đều lụp xụp, xuống cấp do nhiều năm không được cải tạo, xây mới.

“Gia đình tôi ở đây từ năm 1991, khi khu vực còn là bãi rác, rất ít người sinh sống. Sau này được biết TP quy hoạch làm Công viên văn hóa Đống Đa. Thế nhưng 20 năm không làm. Với cá nhân tôi, bây giờ chỉ mong dự án sớm được triển khai để được hỗ trợ tiền đi nơi khác, ổn định cuộc sống”, bà Nguyễn T.V. nhà ở ngõ 364 Thái Hà chia sẻ.

Đằng sau sự hào nhoáng của "mặt tiền", bên trong ngõ là những ngôi nhà tạm

‘Treo’ đến bao giờ?

Việc Công viên văn hoá Đống Đa bị ‘treo’ hơn 20 năm từng làm ‘nóng’ phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội vào tháng 4/2022. Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (huyện Phú Xuyên) đề nghị lãnh đạo quận Đống Đa, sở ngành và UBND TP giải trình rõ về tiến độ dự án.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, quy hoạch Công viên văn hoá Đống Đa được phê duyệt từ những năm 1998 - 2001, theo đó, sẽ thu hồi hơn 70.000 m2 đất (hơn 7ha) tại 3 phường Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thành Công (quận Ba Đình). Đến năm 2022, quận Đống Đa đã cung cấp số liệu dân cư, hiện trạng cho Sở Quy hoạch kiến trúc và trong thời gian tới quận sẽ tiếp tục phối hợp với sở thực hiện.

Sau hơn 20 năm không được triển khai, đến nay có hàng trăm công trình ở phần đất quy hoạch Công viên văn hóa Đống Đa thuộc diện khó di dời. Quận Đống Đa đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000 m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…

Hệ thống dây điện chằng chịt gây mất an toàn

Ông Lê Tuấn Định cho biết, khó khăn chính của dự án là về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thỏa đáng. Năm 2019, quận đã có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc để báo cáo UBND Thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, TP đã có văn bản giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, về bản chất, khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện Công viên văn hóa Đống Đa. Cụ thể, đến nay mới giải phóng mặt bằng được 1,9ha đất công viên.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh đề nghị, quận Đống Đa và Ba Đình cần làm rõ căn cứ pháp lý đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở rà soát về ranh giới mới. Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với thành phố về ranh giới mới của dự án.

Như vậy, dù đã 20 năm, số phận của dự án công viên này vẫn là hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ. Các sở ngành một lần nữa khi nêu ý kiến vẫn chỉ là sẽ kiến nghị. Cuối cùng, với một quận nội thành eo hẹp quỹ đất, khan hiếm công viên, sân chơi cộng đồng như quận Đống Đa, quy hoạch đất xây công viên dù đã có nhưng chưa biết ngày nào hình thành được công viên. 

Kỳ tiếp: Quỹ đất dành cho công trình công cộng còn hạn chế, trong khi đó nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Là nơi có dân số lên đến gần 400.000 người nhưng cả một quận ở Hà Nội hiện nay chỉ có trông chờ vào sự giải nhiệt của công viên này. Mời quý độc giả đón đọc bài 4… 

Đi đến trang sự kiện