Vấn đề thiếu điện không phải bây giờ mới nói đến mà chúng ta đã được cảnh báo cách đây 2-3 năm. Bản thân các dự báo, phân tích và đánh giá của Đề án quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại Quyết định 500 đều nói đến rủi ro lớn về cung ứng điện cho miền Bắc năm 2023 và 2024.
Lý do là gần như chúng ta không có nguồn cung điện mới nào ở miền Bắc. Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành thời gian qua được xây dựng từ 10 năm trước. Dự án này có nhiều vấn đề, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên đã về đích, hòa lưới thành công.
Có nghĩa là, gần như các nguồn chủ động đều không được bổ sung mới, trong khi với thủy điện, 3-4 năm nay chúng ta đều lặp đi lặp lại câu nói "các thủy điện lớn đã xây dựng hết rồi".
Trong khi đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo: Nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000-4.500 MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ là 1.950MW và năm 2025 là 3.770MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nhưng nhu cầu điện tăng trưởng tới 10%/năm; do vậy, miền Bắc có khả năng thiếu công suất đỉnh vào cao điểm nắng nóng tháng 6-7/2024 (thiếu từ 420-1.770MW).
Điều này đặt ra vấn đề phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện để bổ sung lượng điện thiếu hụt cho miền Bắc.
Nhiều năm qua, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã không được thực hiện nghiêm túc. Không ít dự án nguồn điện cả của DNNN và tư nhân đầu tư dưới dạng BOT hay nhà máy điện độc lập (IPP) đều chậm tiến độ. Trong khi DNNN vướng thủ tục, vốn thì khu vực tư nhân lại thiếu cả kinh nghiệm, vốn, “tắc” cả đàm phán giá điện... khiến nhiều dự án chỉ nằm trên giấy.
Thiếu điện cao điểm nắng nóng vừa qua gây tổn hại hàng tỷ USD và vẫn là mối nguy hiện hữu trong vài ba năm tới. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực tư nhân vào đầu tư nguồn điện đang đặt ra những vấn đề quan trọng về chính sách thu hút đầu tư. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh giá điện vẫn đang thiếu tính thị trường. Để đẩy nhanh các dự án nguồn điện giai đoạn tới, những nút thắt kể trên cần phải được tháo gỡ.
Trước mắt, vẫn phải sớm hoàn đầu tư xây dựng một số nhà máy điện than đã được chấp thuận trong quy hoạch. Các dự án điện khí cần sớm ban hành quy định đàm phán giá mua điện dài hạn dù phải chấp nhận giá đắt hơn để nhà đầu tư dự án có căn cứ huy động tài chính. Điện gió và năng lượng tái tạo phát triển hài hòa theo lộ trình giải phóng tuyến năng lượng. Điện mặt trời mái nhà tự dùng không phát lưới và nhập khẩu điện là giải pháp cấp thiết trong ngắn hạn cho tình trạng thiếu điện cục bộ.
Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện. Phải khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8; nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc. Thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu sẽ sớm được ban hành.
Mới đây, lãnh đạo Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương, chấp thuận nhà đầu tư với 3 dự án thành phần thuộc Đường dây 500kV mạch 3 để ‘cứu điện’ cho miền Bắc, gồm: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu Thanh Hóa; Thanh Hóa - Nhà máy nhiệt điện Nam Định I.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan; đồng thời làm rõ các tồn tại, hạn chế mang tính hệ thống để đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Kết quả là đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong toàn EVN, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan.
Ủy ban Quản lý vốn đã đề xuất kỷ luật khiển trách đối với các lãnh đạo của EVN, gồm: nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc. Tổng giám đốc EVN cũng đã được cho nghỉ chế độ từ ngày 1/12/2023 theo nguyện vọng.