Ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78%. Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác làm phương tiện để chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện các Bộ TT&TT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ để xử lý vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng.
Bộ TT&TT đã liên tục đưa ra chính sách quyết liệt để làm “sạch” thông tin thuê bao, hiển thị số của các cơ quan công quyền khi liên hệ với người dân để tránh các đối tượng lừa đảo.
Từ ngày 31/3/2023, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân. Trong lần chuẩn hóa này, có hàng triệu thuê bao đã đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Cục Viễn thông cho biết, sau khi tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin. Sau đó, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, để xử lý vấn nạn này, cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành có chung trách nhiệm, không đơn thuần ở khâu kết nối liên lạc thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT, mà có cả không gian của tài chính ngân hàng, chức năng trấn áp tội phạm thuộc thẩm quyền của Bộ Công an. Thứ trưởng còn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp tri thức nhằm giúp người dân có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng, biết cách phòng tránh các chiêu thức lừa đảo trực tuyến.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.
Để giải quyết “tệ nạn” lừa đảo trực tuyến, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của mỗi ngành ngân hàng, mà cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan một cách toàn diện. Trong đó, Bộ TT&TT cần đẩy mạnh xử lý SIM điện thoại “không chính chủ”, "tin nhắn, cuộc gọi rác”.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia trong hoạt động ngân hàng, tăng cường thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin rủi ro, gian lận lừa đảo, tăng cường định danh chính chủ; Đấu tranh phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó có lừa đảo, gian lận thanh toán… Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với Bộ TT&TT về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Để giải quyết được tình trạng gian lận tài khoản, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu đến hết năm 2023 các tổ chức tín dụng đảm bảo tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân phải khớp với số trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến tình hình, ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng, Bộ Công an sẽ bàn với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức SIM điện thoại hay thanh toán tài khoản, thanh toán tiền.